Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 456 cơ sở giết mổ động vật tập trung tại 37 tỉnh, thành phố được cấp giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn trên 22.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tập trung trong khu dân cư. Đó là chưa kể đến các khu giết mổ đơn lẻ, tự phát của các hộ gia đình.
Hỗ trợ chưa sát thực tiễn
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng việc khuyến khích các hộ giết mổ gia cầm nhỏ lẻ thành lập các tổ, các HTX hay khuyến khích các HTX thực hiện liên doanh, liên kết để thành lập các cơ sở giết mổ tập trung, đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ góp phần tiến tới xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ.
Thực tế đã có như: HTX Nông nghiệp Hòa Phước, HTX Hòa Thọ Tây (Đà Nẵng), HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh (Bắc Giang)…
Tuy nhiên, chính các HTX này cũng gặp khó khăn trong việc thu hút các đơn vị, người dân chăn nuôi liên kết để tạo nguồn gia súc, gia cầm lớn phục phụ giết mổ tập trung. Hiện, nguồn gia súc gia cầm giết mổ phần lớn là của HTX tự chăn nuôi hoặc của số ít người dân liên kết nên cơ sở giết mổ của HTX hoạt động không hết công suất.
Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh, ông Nguyễn Ngọc Hải, cho biết dù đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi và cơ sở giết mổ, đóng gói theo quy trình khép kín 3F (Feed – Farm – Food), nhưng trung bình mỗi ngày cơ sở giết mổ của HTX cũng chỉ thực hiện 40 - 50 con lợn/ngày.
Còn tại HTX nông nghiệp Cát Lý (Hà Giang) tuy đã đầu tư cơ sở giết mổ, chế biến thịt bò nhưng trung bình mỗi ngày, HTX cũng chỉ giết mổ trên dưới 20 con bò.
Giết mổ tập trung theo hướng hiện đại cần cơ chế rõ ràng thì mới có thể phát triển và tồn tại được. |
Theo các chuyên gia, việc thu hút các đơn vị giết mổ sản xuất nhỏ lẻ vào các khu tập trung hay việc đầu tư cho cơ sở giết mổ khép kín theo chuỗi giá trị hàng hóa bền vững của các HTX vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Nguyên nhân là do dù khuyến khích người dân, HTX, doanh nghiệp đầu tư giết mổ tập trung nhưng các chính sách ban hành ra còn quy định còn ngặt nghèo, lỏng lẻo.
Tại Thông tư 15/2016/TT-BNNPTNT về hỗ trợ kết cấu hạ tầng đối với HTX nông nghiệp, trong đó có phần hỗ trợ về xưởng sơ chế, chế biến có yêu cầu: "Trong thời gian 3 năm trước thời điểm đề nghị hỗ trợ, HTX nông nghiệp phải có ít nhất 1 năm đạt tổng doanh thu tối thiểu là 1 tỷ đồng/năm".
Riêng đối với HTX muốn nhận hỗ trợ để đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn phải đảm bảo công suất phải đạt tối thiểu một ngày/đêm là 400 con gia súc hoặc 4.000 con gia cầm hoặc 200 con gia súc và 2.000 con gia cầm.
Theo các HTX, các quy định này là chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế. Bởi nếu đòi hỏi quy mô và công suất hoạt động lớn mới được hỗ trợ thì số HTX được hưởng thụ chính sách chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Có những HTX đã đầu tư cơ sở giết mổ theo công suất lớn nhưng cũng phải đắp chiếu hoặc hoạt động cầm chừng bởi bị các lò mổ thủ công đánh bại. Người chăn nuôi nhỏ lẻ cũng thường bán lợn hơi cho các cơ sở giết mổ không kiểm soát chứ ít khi bán cho doanh nghiệp, HTX chế biến. Trong khi đến nay, Nhà nước cũng chưa có cơ chế nào để những cơ sở giết mổ hiện đại này có thể hoạt động được.
Giải pháp nào?
Ở chiều ngược lại, các cơ chế quản lý việc giết mổ nhỏ lẻ vẫn còn lỏng lẻo, tạo áp lực cạnh tranh không nhỏ cho những HTX đầu tư cơ sở giết mổ tập trung hiện đại.
Cụ thể, tại khoản 6, Điều 20 Nghị định 90/2017 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, Nhà nước chỉ quy định sẽ phạt tiền từ 60-70% giá trị sản phẩm động vật nhưng không vượt quá 50 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh, vận chuyển, thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không có tem vệ sinh thú y, bao bì đóng dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y, dấu kiểm soát giết mổ.
Còn tại Luật Thú y năm 2015 quy định, hộ vi phạm về điểm giết mổ, không vệ sinh động vật trước khi giết mổ, không xử lý chất thải, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y chỉ bị phạt 2-4 triệu đồng.
Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (Đồng Nai) - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho biết các quy định pháp luật về xử lý các vi phạm trọng hoạt động giết mổ nhỏ lẻ chưa nghiêm chính là tiền đề tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa giết mổ tập trung có kiểm soát với giết mổ tự do, nhỏ lẻ.
Cùng với đó, thói quen tiêu dùng dễ dãi của đại bộ phận người dân cũng là lý do cho sự phá sản của cơ sở giết mổ tập trung, hiện đại. Nhiều HTX, doanh nghiệp vì vậy cũng không dám đầu tư cho những cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn.
Hiện, Nhà nước đang yêu cầu các Chủ tịch UBND các tỉnh thành trực tiếp chỉ đạo, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, HTX đầu tư, xây dựng cơ sở, dây chuyền giết mổ động vật theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp hơn với thực tiễn nhằm tạo cơ chế lành mạnh để các HTX đầu tư và phát triển các cơ sở giết mổ tập trung hiện đại theo đúng nghĩa.
Các địa phương cũng cần có quy hoạch khu chăn nuôi, giết mổ tập trung để tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp chăn nuôi tham gia đầu tư xây dựng, mở rộng trang trại, cơ sở chế biến theo hướng hiện đại. Đi liền với đó là cần có cơ chế đặc thù, có sự hỗ trợ về vốn vay, mặt bằng... nhằm thu hút các HTX quan tâm đến lĩnh vực này.
Huyền Trang