Các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương phải sớm tìm giải pháp để khắc phục, tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách; vốn vay; quỹ đất sản xuất; đưa cán bộ trẻ có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc cho HTX. Thành lập các nhóm chuyên gia để hỗ trợ, tư vấn cho các HTX nông nghiệp. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của các HTX. Xây dựng các mô hình HTX kiểu mới ứng dụng Công nghiệp 4.0 trong quản lý và sản xuất kinh doanh. Ưu tiên hỗ trợ các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất... Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương về kinh tế tập thể (KTTT) vừa diễn ra tại Hà Nội.
Tốc độ tăng HTX rất nhanh
Tính đến hết tháng 6/2019, cả nước đã có 14.502 HTX nông nghiệp (chiếm 63% tổng số HTX cả nước). Giai đoạn 2003 - 2018, cả nước thành lập mới 8.391 HTX, giải thể 3.643 HTX. Bình quân mỗi tỉnh hiện nay có 220 HTX, trong đó lớn nhất là Đồng bằng sông Hồng với bình quân 362 HTX/tỉnh.
Năm 2018, cả nước có 55% HTX nông nghiệp được phân loại khá, tốt, tăng hơn 2 lần so với năm 2003. Thu nhập lãi bình quân mỗi HTX là 203,5 triệu đồng, tăng 4 lần so với năm 2003. Tổng số vốn bình quân của một HTX nông nghiệp hiện nay là 1,12 tỷ đồng.
Trình độ quản lý và chuyên môn của cán bộ HTX đã có cải thiện đáng kể. Năm 2018 có khoảng 61,9% cán bộ HTX có bằng cấp chuyên môn từ trung cấp trở lên, tăng 2,8 lần so với năm 2013. Các HTX nông nghiệp đang tạo việc làm cho gần 3,8 triệu lao động, với mức tăng thu nhập ước tính khoảng 14%.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết mô hình hoạt động của HTX đa dạng, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp và nhu cầu thị trường. Nhiều HTX đã liên kết với các doanh nghiệp xây dựng được chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tiềm năng, nội lực của HTX được nâng lên, đặc biệt là trình độ quản lý, khoa học công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn. Nhiều HTX đã thu hút được cán bộ chuyên môn, cán bộ trẻ đã qua đào tạo về làm việc và đảm nhiệm được vai trò kết nối giữa hộ thành viên với doanh nghiệp.
Ngay ở những vùng, miền, địa phương trước đây được xem là có điều kiện khó khăn trong sản xuất, thì nay có những mô hình HTX khởi sắc, đảm nhiệm được vai trò là động cơ, động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong phát triển KTTT và HTX thời gian qua. “Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX, KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã có sự phát triển cả về lượng và chất, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển mới”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.
![]() |
Còn nhiều việc phải làm
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết những năm trước đây, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam dựa trên quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên thực sự chưa phát huy hiệu quả. Nếu không có KTTT, Luật HTX kiểu mới năm 2012 để hoàn thiện thể chế, thì chúng ta không đạt được những kết cao trong việc phát triển HTX, KTTT.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp mặc dù đã có sự cải thiện về lượng và chất nhưng chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, vùng miền, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa lớn và thị trường. Chính sách hỗ trợ HTX ban hành nhiều nhưng thiếu nguồn lực để thực hiện. Rất ít HTX tiếp cận được các chính sách như hỗ trợ tín dụng, đất đai, hạ tầng sản xuất. Năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu kém, thiếu nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh…
Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tiếp tục nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân và chính quyền các cấp về KTTT, HTX. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện có, ban hành các chính sách mới phù hợp với thực tế, khuyến khích hỗ trợ phát triển HTX.
Bộ KH&ĐT tiếp tục nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi Luật HTX. Nghiên cứu bố trí nguồn vốn riêng để thực hiện các chính sách hỗ trợ HTX, đặc biệt là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị.
Ngân hàng Nhà nước rà soát, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Tập trung nghiên cứu xây dựng các nội dung phát triển KTTT, HTX phù hợp với yêu cầu và điều kiện của địa phương, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ, thành viên của HTX.
Phạm Duy