Ông Đỗ Quốc Hương, Giám đốc HTX nông nghiệp Mỹ Tân (Hòa Bình) cho biết, nếu người Việt thường để bưởi Diễn héo sau thu hoạch mới ăn nhằm tăng độ ngọt thì các thị trường nhập khẩu lại yêu cầu bưởi phải tươi. Chính vì thế, quả bưởi xuất khẩu luôn phải bọc màng thực phẩm để duy trì độ tươi.
Mỗi container bưởi "đội chi phí" xử lý 30 triệu đồng
Còn theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), mỗi thị trường nhập khẩu trái cây sẽ có những quy định khác nhau. Chẳng hạn như Nhật Bản hiện nay không chấp nhận hình thức chiếu xạ mà chỉ chấp nhận hình thức xử lý quả bằng hơi nước. Còn thị trường Mỹ yêu cầu trái cây phải được chiếu xạ nhưng cơ sở chiếu xạ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn mà thị trường này đặt ra.
Có thể nói, tiêu chuẩn xuất khẩu đối với mặt hàng trái cây ở mỗi nước là khác nhau và mỗi loại quả cũng có những quy định khác nhau.
Tuy nhiên, hiện nay, các HTX xuất khẩu trái cây phần lớn vẫn ở dạng tươi, chưa chú trọng đến khâu sơ chế, chế biến, áp dụng công nghệ nên không kéo dài được thời bảo quản và chất lượng nông sản.
Chú trọng đầu tư công nghệ vào bảo quản, chế biến sẽ tăng giá trị xuất khẩu các loại trái cây. |
Tại Diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc” tổ chức mới đây, ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị gia tăng của các loại cây ăn quả tại Hòa Bình vẫn còn chưa rõ nét do chủ yếu tiêu thụ tươi sống. "Điểm nghẽn" về sơ chế, bảo quản, chế biến các loại cây ăn quả của các HTX, tổ hợp tác vẫn còn tồn tại.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay, Việt Nam mới có 150 nhà máy chế biến có dây chuyền công nghệ hiện đại và khoảng 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ. Ngành chế biến chỉ mới đáp ứng được khoảng 10 - 17% sản lượng rau quả/năm.
Số rau quả còn lại xuất khẩu chưa qua chế biến và tiêu thụ nội địa ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu, tổn thất sau thu hoạch còn quá cao, trên 20%.
Đầu tư máy móc vào khâu sau thu hoạch còn hạn chế khiến việc xuất khẩu trái cây đối với các HTX, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bởi quả tươi xuất khẩu phải trải qua khâu kiểm dịch thực vật, nhưng điều này cũng rất khó, nhất là đối với các HTX, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây ở các tỉnh miền Bắc.
TS Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình, cho biết hiện chưa có cơ sở kiểm dịch thực vật nào đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu trái cây đi tất cả các thị trường.
Muốn xuất khẩu sang Hàn Quốc, quả bưởi phải được xử lý bằng hơi nước, nhưng đến nay, miền Bắc không có cơ sở xử lý hơi nước nóng nào. Điều đó khiến mỗi container bưởi xuất khẩu từ Hòa Bình sang Hàn Quốc tăng thêm 30 triệu đồng vì phải vận chuyển vào miền Nam để xử lý.
Bên cạnh đó, một HTX, doanh nghiệp đầu tư cơ sở kiểm dịch thực vật rất khó. TS Nguyễn Hồng Yến lấy ví dụ về trường hợp Công ty Toàn Cầu (Bắc Giang) chia sẻ mong muốn xây dựng cơ sở kiểm dịch thực vật nhưng số tiền đầu tư rất lớn, lên đến khoảng 25 tỷ đồng. Trong khi hệ thống xử lý bằng hơi nước nóng chỉ dùng được cho 3 loại quả là thanh long, vải, bưởi. Doanh nghiệp này đang tập trung vào quả vải, không tập trung vào xuất khẩu thanh long và bưởi. Do đó, việc đầu tư công nghệ xử lý sau thu hoạch rơi vào vòng luẩn quẩn, đó là vừa tốn kém nhưng chưa chắc đã mang lại hiệu quả cho đơn vị đầu tư.
Thoát vòng luẩn quẩn
PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, cho rằng hiện nay nếu không áp dụng công nghệ, máy móc vào khâu bảo quản, sơ chế, chế biến thì thời gian bảo quản và độ tươi của quả sẽ ngắn, khó xuất khẩu.
Cụ thể như quả chanh leo, nếu để ở điều kiện bình thường chỉ có thể giữ được trong khoảng 10-12 ngày, nhưng nếu ứng dụng công nghệ màng phủ thì kéo dài lên 50 ngày, rất thuận lợi cho xuất khẩu, nhất là xuất khẩu bằng đường biển với thời gian vận chuyển kéo dài.
Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, HTX muốn đầu tư công nghệ sơ chế bảo quản phù hợp cần xác định rõ được đối tượng sản phẩm, khả năng đầu tư, thị trường mục tiêu.
Bởi hiện nay có những loại quả rất dễ chín, thậm chí chín ngay khi thu hoạch nên khó xuất khẩu như quả bơ, chuối, nho… Những loại quả này nếu chỉ áp dụng phương pháp bảo quản lạnh cũng chỉ kéo dài được trong 30 ngày, nhưng khi áp dụng bằng phương pháp xử lý etylen thì có thể kéo dài thời gian bảo quản lên 50 ngày.
Một điểm nữa đó là đầu tư máy móc, công nghệ phụ thuộc vào nguồn tài chính của từng HTX. Nếu đầu tư hệ thống sấy bơm nhiệt do Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch nghiên cứu, giá hiện nay khoảng 700 triệu, chỉ bằng 1/3 so với nhập khẩu, nên phù hợp với mô hình của các HTX.
Hay công nghệ sấy thăng hoa, máy móc, công nghệ nhập từ châu Âu công suất sấy 1 tấn quả/mẻ sẽ có giá lên đến 30 tỷ đồng, nhưng với công nghệ này ở Việt Nam nghiên cứu, giá chỉ khoảng 7-8 tỷ đồng. Trong khi sấy thăng hoa giúp nâng cao giá trị sản phẩm gấp 4-5 lần so với bán quả tươi. Ví dụ như sầu riêng sấy thăng hoa có giá xuất khẩu hơn 500 nghìn đồng/kg, giúp HTX nâng cao lợi nhuận.
Bên cạnh việc xác định rõ tài chính, mặt hàng để đầu tư máy móc thiết bị phù hợp, các chuyên gia cũng cho rằng cần có cơ sở xử lý, kiểm dịch thực vật nằm rải ở các vùng. Ít nhất là miền Bắc phải có cơ sở kiểm dịch thực vật có thể xử lý được trái cây xuất khẩu sang một số thị trường.
Nếu không làm được điều này, các HTX, doanh nghiệp trồng và xuất khẩu trái cây ở miền Bắc sẽ vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn, đó là có vùng nguyên liệu nhưng thiếu công nghệ xử lý sau thu hoạch, hoặc đầu tư công nghệ sau thu hoạch nhưng không có vùng nguyên liệu để đưa máy móc vào hoạt động.
Huyền Trang