Thời gian qua, việc chuyển đổi mô hình cơ cấu cây trồng đã giúp xã Thanh An nâng cao giá trị kinh tế, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Nhất là đã tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, cũng như phát triển cây giống có năng suất, chất lượng cao và thu hút chất xám, khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp.
Những chuyển biến tích cực
Điển hình như dự án trồng chuối cấy mô Thanh An là mô hình hợp tác giữa CTCP Nông nghiệp U&I và Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng tọa lạc tại ấp Bàu Cây Cám, xã Thanh An.
Dự án trồng chuối cấy mô giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại xã Thanh An. |
Dự án này tập trung vào sản xuất cây giống, trồng và chăm sóc nông sản chuối cấy mô ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 117ha và liên kết xuất khẩu chuối ra nước ngoài.
Hiện nay, sản phẩm chuối của dự án được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản...góp phần nâng cao thị phần và năng lực cạnh tranh của nông sản mang thương hiệu Việt Nam.
Qua đó, dự án đã giúp tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương khi thu hút hàng trăm lao động, giải quyết được việc làm thường xuyên, nâng cao đời sống công nhân và nhân dân trên địa bàn.
Dự án này còn giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại địa phương, thay đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tập hợp được nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn mới ở xã vùng sâu vùng xa như Thanh An thêm tươi sáng.
Ngoài ra, trên địa bàn xã Thanh An có 4 HTX đang hoạt động ổn định và kinh doanh có hiệu quả, gồm: HTX Xây dựng Tiến An (ở ấp Xóm Mới), HTX dịch vụ nông nghiệp Quý Phát (ở ấp Bến Tranh), HTX nông lâm nghiệp Dầu Tiếng (ở ấp Cần Giăng) và HTX Nông nghiệp Thanh An (ở ấp Cà Nông).
Các HTX này đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực trong định hướng phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn xã Thanh An nói riêng và huyện Dầu Tiếng nói chung.
Trong đó, có nhiều mô hình HTX đã đem lại lợi ích cho người lao động, giúp giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo ở xã Thanh An, nâng cao thu nhập cho các thành viên, giảm chi phí sản xuất và góp phần tích cực vào việc nâng chất nông thôn mới ở địa phương.
Hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu
Bên cạnh các HTX hoạt động hiệu quả, đến nay người dân trong xã ngày càng nhân rộng và phát triển nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và theo hướng hữu cơ, sản xuất được nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng, đặc biệt là cây ăn trái. Xã Thanh An cũng là một trong hai xã ở huyện Dầu Tiếng mà các hộ nhà vườn trồng măng cụt trong xã được quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Dầu Tiếng”.
Phát triển nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao góp phần nâng cao nông thông mới ở xã Thanh An. |
Từ năm 2013 thì xã Thanh An đã sớm được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chính quyền xã xác định “đạt chuẩn” không có nghĩa là dừng lại mà tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Sau khi được huyện Dầu Tiếng chọn làm thí điểm thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thì người dân xã Thanh An càng thêm phấn đấu vươn lên.
Cách đây 2 năm xã Thanh An đã nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 55,6 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên 95%, tỷ lệ lao động có việc làm được đào tạo trên 65%. Còn đến năm 2020 thu nhập bình quân người dân trong xã đạt 66 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,6%.
Vào năm 2019 thì xã Thanh An đã được UBND tỉnh Bình Dương công nhận là xã nông thôn mới nâng cao. Từ đó làm cơ sở để xã tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vươn lên. Và xã đưa ra mục tiêu từ năm 2020 đến năm 2025 sẽ là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Lãnh đạo xã Thanh An cho biết để phát huy những kết quả đạt được, địa phương sẽ tiếp tục phát triển nền nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Nhất là xây dưng nông thôn mới kiểu mẫu trên cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao - công nghệ sinh học hướng tới nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học để phát triển bền vững.
Thanh Loan