Khu vực Tây Bắc là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của vùng Bắc bộ và nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.
Tây Bắc là khu vực có tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản trữ lượng lớn như thủy điện, đất hiếm, Apatit, đá quý… thuận lợi cho việc khai thác, chế biến khoáng sản.
Tây Bắc là địa phương có diện tích đồi núi rộng lớn, thuận lợi cho phát triển nông - lâm sản |
Địa bàn khó khăn nhưng đầy tiềm năng
Tây Bắc là địa phương có diện tích đồi núi rộng lớn, thuận lợi cho phát triển nông - lâm sản gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất chế biến quy mô lớn như chè, cây ăn quả… Đặc biệt có lợi thế về khai thác thủy điện và nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, với địa hình chủ yếu là đồi núi, chia cắt phức tạp, độ dốc cao, Tây Bắc cũng là địa bàn có cơ sở hạ tầng lạc hậu, quy mô kinh tế của các tỉnh trong vùng còn nhỏ, xa các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước.
Tây Bắc cũng là vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, dân trí thấp nên việc thực hiện những chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là KTHT còn gặp nhiều khó khăn.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết 80% dân số Tây Bắc sống bằng nông nghiệp và tỷ lệ hộ nghèo ở Tây Bắc đạt tới 31,2% - cao hơn so với các vùng khác.
Nhận thức về vị trí và vai trò của KTHT tại một số cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhân dân còn chưa đầy đủ. Người dân hầu hết vẫn quen với kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ, chưa hăng hái tham gia vào HTX.
Các HTX trong khu vực hầu hết có quy mô nhỏ, vốn ít, cơ sở vật chất còn nghèo và lạc hậu, năng lực đội ngũ cán bộ điều hành còn hạn chế, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp.
Theo báo cáo Sơ kết thi hành Luật HTX 2012, tính đến tháng 5/2018, 7 tỉnh Tây Bắc có 2.446 HTX, trong đó có 2.216 HTX đang hoạt động.
Sau khi Luật HTX 2012 có hiệu lực, từ năm 2013 đến nay, đã có 1.176 HTX thành lập mới, giải thể 666 HTX hoạt động không hiệu quả, tổ chức lại 710 HTX theo Luật HTX 2012.
Tổng số thành viên, người lao động trong HTX là trên 218.000 người. Tổng số vốn đăng ký là trên 2.400 tỷ đồng nhưng chỉ có 1 Liên hiệp HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Hòa Bình.
HTX thủy sản trên hồ thủy điện Sơn La |
Đổi mới mô hình kinh tế hợp tác
Tổng doanh thu của các HTX đến hết tháng 5/2018 ước tính đạt gần 2.600 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của các thành viên và người lao động thường xuyên làm việc trong khu vực HTX là trên 3 triệu đồng/ người/tháng, nộp ngân sách nhà nước gần 75 tỷ đồng.
Hiện các HTX Tây Bắc có trên 8.500 cán bộ chủ chốt, đáp ứng được cơ bản các yêu cầu, quy định về luật HTX. Tuy nhiên, quá nửa trong đó chưa được đào tạo, số cán bộ được đào tạo từ cao đẳng trở lên chỉ chiếm 12,8%.
Đa số các cán bộ quản lý các HTX chưa có kiến thức sâu về các hoạt động quản trị, quản lý tài chính, chế độ kiểm toán của HTX.
Khu vực Tây Bắc hiện có 11.139 Tổ hợp tác (THT) với gần 162.000 thành viên. Trong đó có 6.156 THT đăng ký chứng thực Hợp đồng hợp tác. Doanh thu bình quân một THT đạt trên 206 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 2,9 triệu đồng/tháng.
Các THT có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết hợp tác giữa những cơ sở sản xuất nhỏ với nhau.
Trong những năm gần đây, các THT đã chủ động thay đổi phương thức hoạt động, phát huy được sức mạnh tập thể, tăng sức cạnh tranh của kinh tế hộ, giúp các tổ viên thực hiện hiệu quả về đất đai, lao động, vốn…
Tuy nhiên, phát triển THT còn mang tính tự phát, hoạt động không ổn định, mang tính thời vụ, vốn hạn chế, quy mô hoạt động hẹp.
Trong thời gian tới, khu vực KTHT Tây Bắc tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống THT, HTX theo Luật HTX 2012. Phấn đấu đến năm 2020, thành lập mới 120 - 125 THT, 150 - 180 HTX, 3 Liên hiệp HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, tăng doanh thu bình quân hằng năm cho người lao động lên 1,1 lần.
Nâng cao hiệu quả của KTHT gắn với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, xây dựng HTX kiểu mới gắn với chương trình Nông thôn mới, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao vị trí, vai trò của KTHT trong công cuộc phát triển KT-XH.
Hồng Nhung