Tại Diễn đàn, các đại biểu trao đổi, đưa ra những ý kiến đóng góp, kiến nghị nhằm giúp kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) tham gia sâu và phát triển hiệu quả chuỗi giá trị hàng hóa, từ đó thúc đẩy KTTT, HTX phát triển bền vững.
Gỡ khó về vốn và đầu ra cho HTX
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân khẳng định, cần thông qua nhiều kênh hoạt động để xây dựng được những kiến nghị cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, đòi hỏi tính khả thi cao. Bởi hiện nay, các HTX có 2 vấn đề cần bàn, đó là vốn và tiêu thụ sản phẩm (nghĩa là trong quá trình sản xuất phải có sự liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị).
Về nguyên tắc tín dụng vốn, ngân hàng cho vay phải có thế chấp. HTX muốn vay theo hình thức tín chấp cần phải đề xuất với Chính phủ thông qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và một số tổ chức khác để xây dựng gói tín dụng dành riêng cho HTX, như vậy mới có thể mở ra được những nút thắt.
Vấn đề sản xuất theo chuỗi giá trị cần có sự phân công, liên kết, phối hợp. Nhưng tất cả, cuối cùng cũng cần một chính sách để mọi người hiểu rằng nếu như liên kết, kết nối với HTX thì được gì. Từ ứng dụng khoa học công nghệ đến sản xuất theo quy trình theo chuỗi giá trị tiêu thụ... đòi hỏi phải bài bản.
HTX tham gia sâu và phát triển hiệu quả chuỗi giá trị hàng hóa, từ đó thúc đẩy KTTT, HTX phát triển bền vững. |
“Nghị quyết 20-NQ/TW cũng nêu rõ, điều quan trọng nhất là Liên minh HTX Việt Nam phải tập hợp được tất cả những tiếng nói đó để có những hoạt động hỗ trợ cho HTX về quản trị, xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch đó để có thể bảo toàn được nguồn vốn cũng như giúp HTX hiểu thế nào là thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cần phải rà soát để xem phần nào Nhà nước hỗ trợ HTX, phần nào các tổ chức tham gia giúp đỡ, hướng dẫn, phần nào tự lực HTX phải làm. Việc này cần phải phân vai rõ ràng, nhưng vai trò nòng cốt vẫn là Liên minh HTX Việt Nam, còn nguồn lực và kinh phí thì sử dụng tổng hợp. Khi đó, HTX biết được chính HTX mới là chủ thể cuối cùng quyết định trong 2 khâu này.
Chính sách cho HTX phải phù hợp cơ chế thị trường
TS. Phạm Minh Điển, Trưởng Ban Kế hoạch và Hỗ trợ (Liên minh HTX Việt Nam) cho biết, cơ chế chính sách cho KTTT, HTX cơ bản đã bao phủ nhưng việc áp dụng vào thực tiễn còn chậm. Từ thành công và những hạn chế, khó khăn của khu vực KTTT, HTX thời gian qua, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đối với khu vực KTTT, HTX một cách đồng bộ và thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tháo gỡ những vướng mắc nhằm phát huy vai trò của các HTX trong giai đoạn mới. Cụ thể:
Theo TS. Phạm Minh Điển, để KTTT, HTX phát triển, cần thể chế hóa đầy đủ, cụ thể chính sách hỗ trợ HTX theo chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước quy định tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Luật HTX năm 2023 và các Luật có liên quan.
Việc xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách hỗ trợ về KTTT, HTX phải phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm đồng bộ, có tính khả thi trên cơ sở bảo đảm bản chất, phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KTTT, HTX.
Nhiều HTX đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. |
Cần rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan (đất đai, thuế, tín dụng…), tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các thành phần kinh tế dễ dàng thành lập, tham gia, phát triển, rút khỏi các loại hình KTTT, HTX cho phù hợp với xu thế phát triển HTX quốc tế và tình hình thực tế của Việt Nam trong mỗi giai đoạn phát triển.
Chính sách hỗ trợ đối với HTX phải thiết thực, phù hợp với nhu cầu và đặc điểm từng thời kỳ phát triển, tránh dàn trải. Kinh phí hỗ trợ phải kịp thời, đúng mức để vừa phát huy vai trò hỗ trợ, “bà đỡ” của Nhà nước, vừa phát huy vai trò chủ động, tự chủ của HTX.
Khuyến khích tham gia liên kết theo chuỗi giá trị
Theo bà Phạm Thị Tố Oanh, Trưởng Ban Chính sách và phát triển HTX (Liên minh HTX Việt Nam), Nhà nước và các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ HTX phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa như Nghị quyết số 26-NQ/TW, Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, Nghị quyết số 20-NQ/TW...
Đặc biệt, giai đoạn 2018-2023, Liên minh HTX Việt Nam huy động, tập trung các nguồn lực xây dựng 4.000 HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, 500 mô hình HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị hoạt động hiệu quả; 240 mô hình HTX sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ, bảo vệ môi trường tại các vùng nghèo và vùng đặc biệt khó khăn.
Hiện cả nước có 53/63 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP; 47/63 tỉnh, thành phố ban hành danh mục các ngành hàng, sản phẩm chủ lực quan trọng của tỉnh cần khuyến khích, 33/63 tỉnh ban hành phân cấp phê duyệt hỗ trợ liên kết (phân cấp cấp tỉnh, cấp huyện phê duyệt); 18/63 tỉnh đã ban hành kế hoạch liên kết; 16/63 tỉnh phê duyệt đề án, dự án liên kết của tỉnh với 459 dự án được phê duyệt.
“Nhờ đó, trong khu vực KTTT, HTX, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, các HTX đã có xu hướng chung là liên kết theo ngành hoặc khác ngành để đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ đó chủ động trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, gắn với mục tiêu phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ”, bà Phạm Tố Oanh cho biết.
Thúc đẩy HTX ứng dụng khoa học công nghệ
TS. Lê Tuấn An, Viện trưởng Viện KHCN&MT (Liên minh HTX Việt Nam), cho rằng nhìn chung đến nay, quy mô sản xuất, xu hướng hợp tác liên kết của các HTX đã được mở rộng, đi vào thực chất. Điều này một phần là nhờ các HTX đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, hiện trạng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh của khu vực HTX ở mức trung bình và tương đối đồng đều. Mức độ đầu tư, đổi mới trang thiết bị của các HTX chưa cao nhưng nhu cầu đổi mới công nghệ sản xuất của các HTX lại rất lớn.
Trở ngại lớn nhất của HTX là thiếu vốn đầu tư, thiếu đất canh tác và nhà xưởng để phát triển sản xuất. Trong khi đó, HTX là mô hình mang tính cộng đồng, việc tập trung mức độ quyết tâm và huy động tài chính, vốn góp của thành viên để đầu tư phát triển sản xuất gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, trình độ tiếp nhận công nghệ, tiếp cận chính sách và các yếu tố đảm bảo môi trường sản xuất cũng là nguyên nhân chính cản trở việc đổi mới công nghệ...
Để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong các HTX, việc triển khai kế hoạch “Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong khu vực KTTT, HTX” trong hệ thống Liên minh HTX Việt Nam cần được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ, ươm mầm các HTX có ý tưởng đổi mới sáng tạo khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo TS. Lê Tuấn An, cần huy động một số nguồn lực từ địa phương và các nguồn lực xã hội khác để hỗ trợ về hạ tầng thiết bị, công nghệ phục vụ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong các dự án hỗ trợ xây dựng mô hình HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị của Liên minh HTX Việt Nam. Đi liền với đó là đẩy mạnh đào tạo để giúp các HTX thích ứng với công nghệ, ứng dụng hiệu quả công nghệ vào sản xuất kinh doanh và quản lý HTX.
Khai thông tín dụng
Ông Nguyễn Văn Ngọc Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Yên Duyên |
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Yên Duyên (Hà Nội) cho biết, bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, HTX không ngừng học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật mới trong trồng trọt, sản xuất chế biến nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. HTX cũng chú trọng quan tâm đến sự phát triển của địa phương như mở rộng chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm nhằm nâng cao giá trị thu nhập trong sản xuất nông nghiệp.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thực sự có hiệu quả góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác cần thực hiện theo phương châm “Lấy phát triển sản xuất làm gốc, nâng cao đời sống nông dân làm mục tiêu, lợi ích đem lại cho thành viên làm động lực”. Bên cạnh đó, muốn phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại cần tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm - nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân.
Một trong những điều cần làm hiện nay đó là phải thống nhất đầy đủ nhận thức về KTTT, HTX, do vậy cán bộ, đảng viên, cấp uỷ, chính quyền phải nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, giá trị, nguyên tắc của KTTT. KTTT là mô hình kinh tế tất yếu, khách quan, phát triển cộng đồng bền vững, không vì lợi nhuận kinh tế thuần tuý mà coi trọng lợi ích của thành viên, lấy hiệu quả hỗ trợ thành viên làm tiêu chuẩn phát triển. KTTT là mô hình giảm khoảng cách giàu nghèo và thúc đẩy an sinh xã hội. Do đó, Nhà nước cần khuyến khích các HTX phát triển, không can thiệp vào hoạt động của HTX.
Đi liền với đó, phát triển KTTT là một trong những phương thức quan trọng khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Phát triển KTTT là cơ sở để HTX trở thành văn hoá, bản sắc thực hiện mục tiêu đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc.
Do đó, theo ông Ngọc, cần có chính sách hỗ trợ HTX về đất đai, bởi nhiều HTX đang thiếu đất sản xuất, không có đất xây dựng trụ sở, nhà kho, xưởng sản xuất. Luật Đất đai hiện không quy định rõ việc HTX được giao đất, cho thuê đất, cho HTX thuê đất với thời hạn 50 năm. Vì vậy, đề tạo điều kiện cho các HTX được giao đất, cho thuê đất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách cho phép HTX được giao đất, thuê đất với thời hạn 50 năm.
Đặc biệt, nhiều HTX, nhất là HTX nông nghiệp không có tài sản thế chấp, trong khi điều kiện vay vốn của các ngân hàng thương mại đều yêu cầu HTX phải có tài sản thế chấp, nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX rất hạn hẹp, nhu cầu vay vốn của các HTX lớn, nên rất ít HTX có thể tiếp cận được các chính sách tín dụng.
Tạo điều kiện tích tụ ruộng đất
Ông Nguyễn Quốc Toản Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Thương mại – Dịch vụ Phú Lộc |
Ông Nguyễn Quốc Toản, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Thương mại – Dịch vụ Phú Lộc (TP.HCM) chia sẻ, hiện nay, HTX đã sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị hàng hóa. Đặc biệt là đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với hầu hết các siêu thị trên địa bàn TP.HCM như Co.opmart, Big C, Lotte, Smart (CT), Satra, Safe Foods,…, các bếp ăn công nghiệp và nhà trẻ, với sản lượng 5 - 8 tấn/ngày.
Chính vì vậy, theo ông Toản, muốn đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và chuyển đổi số, xây dựng nông nghiệp công nghệ cao cần chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, về kỹ thuật canh tác, phòng, trừ sâu bệnh..., và ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản, hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Việc xây dựng thí điểm các mô hình sản xuất đầu tư đồng bộ về khoa học công nghệ, công nghệ số, các thiết bị điện tử thông minh cần được quan tâm để giúp cho việc cập nhật thông tin, quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc, tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi. Đồng thời đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản và phục vụ xuất khẩu.
“Cần khuyến khích chuyển đổi, tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất; Khuyến khích việc đổi thửa, thuê, mượn, tích tụ ruộng đất gắn với đẩy mạnh phát triển và nâng cao giá trị vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Giảm diện tích nông dân bỏ ruộng không canh tác”, ông Toản bày tỏ.
Đi liền với đó là tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ nông dân tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi dồn điền, đổi thửa; hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân, khuyến khích nông dân góp vốn bằng ruộng đất vào doanh nghiệp.
Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức truyền thông để mở rộng thị trường tiêu thụ. Thực hiện liên kết đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Gắn kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với phát triển du lịch sinh thái. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản chủ lực: Từng bước gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực, nông sản đặc trưng theo từng địa phương. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản chủ lực và thực hiện có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đưa các sản phẩm chủ lực lên sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
HTX tham gia vào kinh tế tuần hoàn
Ông Nguyễn Hữu Hoạch Chủ tịch HĐQT HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình |
Theo ông Nguyễn Hữu Hoạch, Chủ tịch HĐQT HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình (Tuyên Quang), HTX đã có sáng kiến vận động nhân dân phân loại rác tại nguồn, phân loại rác thải nhựa, ny lông, bao tải, bao bì được thu gom để đi tái chế; HTX trang bị 1 máy giặt bao tải và 1 máy tái chế nhựa phế thải làm nhiệm vụ xay các loại nhựa thành hạt và đóng theo từng chủng loại nhựa đã chọn để cung cấp theo đơn đặt hàng của các cơ sở tái chế theo quy trình, biến các nguyên liệu nhựa thành các mặt hàng đồ nhựa. Ngay cả việc phân loại, nghiền nhựa thành hạt tại xưởng và giặt bao tải cũng chỉ dùng phương pháp cơ học nên không gây bụi, hiệu quả gìn giữ môi trường rất cao.
Trong suốt hơn 20 năm qua, HTX đã hình thành kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải nhựa, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm. Để xây dựng kinh tế tuần hoàn, HTX chú trọng ngay từ quá trình phân loại, xử lý rác đúng cách, và lâu dài hơn là quản lý nguồn nguyên vật liệu, sử dụng tối ưu sản phẩm. Sở dĩ điều này được ủng hộ bởi nó cho thấy sự chuyển dịch ý thức từ việc xem rác thải là nguồn gây ô nhiễm thành tài nguyên mới.
Từ đó, HTX đặt ra mục tiêu thay đổi tư duy tiêu dùng có trách nhiệm bằng những chiến dịch truyền cảm hứng đến người dân, đặc biệt là người trẻ - thế hệ tiên phong và mang đến những thay đổi tích cực cho thế giới. Tiêu dùng với tâm lý biết đủ và cần dừng, biết từ chối khi không cần thiết sẽ giúp giảm thiểu rác thải, mang lại không gian sống lành mạnh cho bản thân và mọi người.
Ông Nguyễn Hữu Hoạch cho rằng cần có cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế. Cần ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ - tái chế - tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên của quy trình sản xuất mới.
Mở cánh cửa cho Quỹ tín dụng nhân dân
Bà Lê Hà Thu, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Vân Canh (Hà Nội), cho rằng hiện nay, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (TDND) được xem là một kênh dẫn vốn quan trọng đến với nông dân ở khu vực nông thôn, đóng góp quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, hạn chế nạn tín dụng đen, đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề của bà con thành viên, từng bước cải thiện cuộc sống kinh tế hộ, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.
Trong quá trình hoạt động, ngoài việc nộp thuế theo quy định, các Quỹ TDND cũng trích một phần từ lợi nhuận sau thuế để tham gia công tác an sinh xã hội do địa phương, ngành phát động như: Xây nhà tình nghĩa, đóng góp kinh phí xây cầu, làm đường nông thôn, giúp đỡ người nghèo, ủng hộ phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương…
Bà Lê Hà Thu Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Vân Canh |
Chính vì vậy, để Quỹ TDND phát huy được vai trò của mình, bà Lê Hà Thu kiến nghị cơ quản quản lý cần cho phép các Quỹ được cho vay các thành viên là pháp nhân khi có đủ điều kiện vay vốn bằng hình thức thế chấp tài sản. Lý do là trên địa bàn nông thôn có nhiều doanh nghiệp nhỏ rất cần vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh trong khi khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng khác.
Hiện, hệ thống Quỹ TDND hoạt động chủ yếu ở khu vực nông thôn, có thể đáp ứng được nhu cầu về vốn phục vụ chủ yếu cho các doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn hoạt động. Do đó, cần xem xét giảm mức phí nộp quỹ bảo đảm an toàn hệ thống Quỹ TDND từ 0,05% xuống 0,03% dư nợ cho vay bình quân năm liền kề… Lý do là các Quỹ hiện đang phải chịu rất nhiều các khoản phí: Phí BHTG, phí hiệp hội Quỹ TDND. Từ đó để giảm bớt khó khăn về tài chính cho các Quỹ TDND; hỗ trợ cho các thành viên được tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp, đồng thời có nguồn lực tài chính để thực hiện chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu phát triển trong hiện tại và tương lai.
Bà Thu cho rằng cần để Quỹ TDND thu phí theo mức độ rủi ro. Lý do là các khoản tiền gửi của các Quỹ TDND đang gửi tại Ngân hàng HTX được Ngân hàng Nhà nước đánh giá là có mức độ rủi ro rất thấp.
Bên cạnh đó, cần cho phép các Quỹ TDND được tham gia hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng khi đủ điều kiện. Lý do: Quỹ TDND cũng là một tổ chức tín dụng hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Hiện nay, đất nước đang trong quá trình chuyển đổi số để theo kịp xu thế trên thế giới, nếu được tham gia hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng sẽ dần nâng cao vai trò của Quỹ TDND, đáp ứng nhu cầu của người dân khu vực nông thôn.
Đồng thời, UBND Thành phố và các sở, ban, ngành có liên quan cần có cơ chế hướng dẫn, tạo điều kiện để các Quỹ TDND được thuê đất để xây dựng trụ sở làm việc (cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Bởi hiện nay, nhiều Quỹ TDND vẫn hoạt động trên đất thuê, đất mượn tạm của xã, phường nên trong quá trình sử dụng đất còn gặp nhiều bất cập, không dám đầu tư cơ sở vật chất khang trang nên chưa tạo được ấn tượng tốt đối với khách hàng.
Việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với khoản lợi tức vốn góp của thành viên Quỹ TDND cũng cần được thực hiện vì nhiều thành viên góp vốn vào Quỹ TDND đa số là người nhiều tuổi với mong muốn đóng góp vào hoạt động chung của Quỹ cũng mong muốn được hưởng một phần lợi tức.
Công nghệ giúp HTX sản xuất quanh năm
Ông Hoàng Văn Thám Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn |
Là một trong những HTX hoạt động hiệu quả, ông Hoàng Văn Thám, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội), cho biết để phát triển các chuỗi giá trị thì sản xuất phải liên tục quanh năm, thế nên việc đầu tiên là cần ứng dụng khoa học công nghệ.
Ngoài đầu tư vào các hệ thống nhà lưới, nhà vòm, tưới tiêu tự động, nhà máy sơ chế, kho lạnh…, HTX còn bắt đầu triển khai áp dụng những công nghệ mang tính chuyển đổi số tiên tiến, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa việc sản xuất và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Hiện tại, việc phát triển công nghệ số vào sản xuất của HTX có 2 nội dung chính đáng chú ý cả trong sản xuất và tiêu thụ. Đầu tiên là hệ thống trạm thời tiết thông minh, liên kết ứng dụng iMetos. Ứng dụng này sẽ đưa ra cảnh báo trực tiếp đến điện thoại thông minh của người sử dụng về các thông tin thời tiết như lượng mưa, lượng nắng, độ ẩm,... Nhờ vậy, giúp bà con nông dân có thể theo dõi tình hình, nhận biết được những nguy cơ thời tiết bất lợi, từ đó điều chỉnh lại thời vụ, lịch bón phân, phun thuốc sao cho hợp lý nhất, tránh cho cây trồng bị ảnh hưởng.
Đặc biệt hơn, HTX đầu tư lắp đặt hệ thống camera tại đồng ruộng, kết nối với máy tính, điện thoại thông minh giúp cho Ban giám đốc dù ở bất kì đâu cũng có thể dễ dàng quản lý và vận hành toàn bộ hệ thống.
Toàn bộ diện tích trồng rau của HTX được phủ màng hạn chế cỏ dại, bón phân theo định mức bằng hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel và sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, công nghệ nano, nhằm tăng năng suất, giảm tỷ lệ sâu bệnh, giảm chi phí và nhân công lao động.
Đồng thời, để quản lý minh bạch nguồn gốc xuất xứ rau tại vùng chuyên canh rau Chúc Sơn, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn đã triển khai ứng dụng hệ thống thông tin điện tử, sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm TP.Hà Nội. Theo đó, 100% sản phẩm của HTX được dán tem truy xuất nguồn gốc đến từng hộ sản xuất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Từ khi áp dụng những công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất, HTX đã và đang thu về những kết quả rất khả quan. Hiện, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn đang là đơn vị phân phối cho hệ thống Big C trên toàn miền Bắc, hệ thống bán lẻ Lotte,... các loại rau theo mùa cũng đi trực tiếp vào bếp ăn của nhiều hệ thống trường học, bệnh viện trên địa bàn.
Hỗ trợ HTX xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến tại vùng sản xuất
Ông Nguyễn Trọng Long Giám đốc HTX Hoàng Long |
Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc HTX Hoàng Long (Hà Nội) cho biết hiện nay, HTX Hoàng Long đang gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất, đặc biệt là thiếu vốn để đầu tư con giống có năng suất, chất lượng cao, đầu tư công nghệ cao, cơ sở hạ tầng,…
HTX Hoàng Long là một HTX thực hiện theo chuỗi an toàn A-Z, hiện tại đang hoạt động trên khu vực có diện tích 5ha trong đó có 2,2 ha là diện tích chăn nuôi, 2,8ha là để xử lý môi trường, với tổng số hơn 20 lao động là thành viên HTX.
Đến thời điểm hiện tại, HTX đầu tư một số cơ sở giết mổ theo tiêu chuẩn châu Âu, và có một đội ngũ nhân sự chất lượng cao về chăn nuôi, giết mổ… là các kỹ sư và các thành viên HTX là những người được đào tạo bài bản, qua trường lớp. Tuy nhiên, để mời được họ về làm việc, HTX phải chi trả một mức lương rất cao.
Đối với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, HTX Hoàng Long đã tự động hóa được khoảng 60% trong chăn nuôi, phần còn lại vẫn phải thực hiện thủ công.
Theo ông Long, khi đầu tư vào áp dụng công nghệ cao, đưa những sản phẩm ra thị trường thì chi phí rất lớn. Trong nguồn vốn vay của HTX hiện nay, khoảng 10 tỷ đồng được Nhà nước ưu đãi khi vay của Agribank với mức lãi suất hợp lý, phần còn lại khoảng hơn 20 tỷ phải vay với mức lãi suất rất cao.
Nguồn vốn từ Liên minh HTX Việt Nam hiện đã có, tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có những cơ chế đủ để tạo điều kiện cho HTX vay. Có những lần, HTX đưa tài sản ra thế chấp nhưng mỗi thành viên HTX được cho vay ở mức 500 triệu, tuy nhiên cũng với tài sản thế chấp đó khi mang ra ngoài thì có thể vay được ở mức từ 2-3 tỷ.
Để HTX có thể phát triển tốt thì phải đầu tư, do đó, các cơ quan chức năng cần tăng hạn mức cho vay với những HTX có đặc thù riêng mà HTX có đủ điều kiện để phát triển. Các cơ quan chức năng có thể xem xét, chọn ra những HTX tiêu biểu để đầu tư, với mỗi loại hình HTX khác nhau thì có thể đầu tư ở mức độ khác nhau.
Bên cạnh đó, HX cũng kiến nghị Nhà nước có những cơ chế, chính sách để những HTX phát triển theo chuỗi có thể hoạt động được. Cụ thể như hiện nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách cho những HTX để xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến tại vùng sản xuất mà phải đưa đi nơi khác. Chính vấn đề này đã làm đội nguồn vốn lên, và chất lượng sản phẩm cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Hỗ trợ cho HTX “đầu đàn”
Ông Lê Văn Việt Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc HTX Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt |
Ông Lê Văn Việt, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc HTX Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt (Hải Dương) cho biết điểm nhấn trong cách tổ chức sản xuất của HTX là tạo ra một chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất con giống cho đến cách tổ chức triển khai sản phẩm cuối cùng tới bàn ăn. Bí quyết để HTX có đầu ra ổn định chính là bảo đảm chất lượng sản phẩm và phải chứng minh được điều đó. Theo đó, thủy sản nuôi theo quy trình cho chất lượng cao, tuân thủ nghiêm ngặt và áp dụng đúng kỹ thuật.
Ông Việt nhấn mạnh, muốn lớn mạnh thì không thể làm ăn manh mún, nhỏ lẻ. Cần phải liên kết lại và thay đổi tư duy làm ăn, chuyên nghiệp hơn, sáng tạo hơn.
Hiện tại, HTX kết hợp hỗ trợ các thành viên, các HTX, các Farm của các hộ nông dân là thành viên của HTX và các đối tác liên kết. Sau khi hỗ trợ đầu vào, con giống, kỹ thuật chăn nuôi…, HTX thu mua đầu ra. Sản phẩm sau khi thu mua đầu ra được HTX đưa vào một số kênh như chợ truyền thống, nhà máy, hệ thống siêu thị, các kênh thương mại điện tử…
Theo ông Việt, trong quá trình sản xuất, mặc dù có những điều kiện thuận lợi nhất định như nằm trên vùng nguyên liệu, bà con quen với tập quán chăn nuôi, và có diện tích đủ lớn để tạo ra một vùng nguyên liệu đủ lớn về số lượng, thì HTX cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể là quy mô còn manh mún, các hộ chăn nuôi trình độ còn hạn chế, tập tục chăn nuôi còn mang tính chất truyền thống, chưa có nhiều cải tiến.
Để giải quyết được những khó khăn trên, HTX kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp nhằm ổn định về quy hoạch vùng nguyên liệu, đặc biệt là quy hoạch chung của địa phương để giúp người dân, thành viên HTX có thể an tâm hoạt động và phát triển. Cùng với đó là việc đào tạo nguồn nhân lực giúp cho bà con có thể tiếp cận tốt với khoa học kỹ thuật, và đào tạo nghiệp vụ để giúp cho việc quản trị được tốt hơn.
“Mong các cơ quan nhà nước có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho HTX là những HTX tiêu biểu - những con chim đầu đàn, là điểm sáng giúp cho các HTX khác tham gia học hỏi, từ đó phát triển và nhân rộng được được những mô hình HTX tiên tiến”, ông Việt bày tỏ.
Nâng cao năng lực cán bộ HTX
Ông Trần Đoan Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ hỗ trợ ô tô vận tải và xe du lịch Đà Nẵng |
Ông Trần Đoan, Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ hỗ trợ ô tô vận tải và xe du lịch Đà Nẵng, cho rằng hiện nay, một vấn đề hết sức cấp bách liên quan đến sự phát triển các HTX vận tải là năng lực cán bộ HTX hạn chế và tầm nhận thức về quản lý điều hành không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và thị trường, các HTX sẽ rất khó cạnh tranh với các tổ chức kinh tế khác.
Vì vậy, nếu không có chính sách bồi dưỡng và thu hút nhân tài, HTX và các tổ chức KTTT sẽ không có khả năng theo kịp nền kinh tế thị trường, cũng như tiếp cận xu hướng hội nhập và trình độ khoa học công nghệ mới như hiện nay.
Bên cạnh nguồn nhân lực, vấn đề về vốn đối với HTX hoạt động trong lĩnh vực vận tải cũng gặp nhiều khó khăn. Theo ông Đoan, các HTX vận tải còn nhiều khó khăn khi chưa thể tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng.
“Theo quy định của Nhà nước, niên hạn hoạt động của xe khách là được 20 năm, xe tải là 25 năm. Hiện nay, nhiều xe của HTX đã đến niên hạn nhưng chưa có đủ kinh phí để thay thế, sửa chữa. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng cần hỗ trợ cho vay vốn để chúng tôi có thể đầu tư đổi mới phương tiện và phục vụ cho việc hoạt động, phát triển của HTX”, ông Đoan nêu.
TCKD