Trong nhiều năm gần đây, với sự phát triển của nền kinh tế và công nghệ thông tin, báo chí đang ngày càng hoàn thiện và phát triển vượt bậc hơn. Báo chí có vai trò rất quan trong trong việc đưa nền kinh tế của Việt Nam vươn ra thế giới, cũng được xem là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà quản lý. Trên hết, điểm mạnh của báo chí chính là tham gia trực tiếp vào việc chống tham nhũng, tiêu cực xã hội.
Thông tin nhanh nhạy
Thực tế những năm vừa qua cho thấy, nhiều vụ việc tham nhũng lớn do báo chí phát hiện, đưa tin, sau đó các cơ quan điều tra mới vào cuộc. Một câu hỏi lớn đặt ra là vai trò của báo chí được nhìn nhận như thế nào? Các quy định của pháp luật hiện hành về vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng đã đầy đủ, toàn diện, phù hợp với thực tiễn chưa, và cần phải có những giải pháp nào để phát huy vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng?
Điều 75 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo trong phòng, chống tham nhũng. Báo chí đã có vai trò rất quan trọng trong việc “điều tra bằng nghiệp vụ báo chí” các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Theo quy định của pháp luật, báo chí không có thẩm quyền điều tra hoặc thanh tra. Báo chí cũng không có bộ máy, các thiết chế vũ trang, vũ khí hoặc công cụ hỗ trợ khác để tiến hành các hoạt động điều tra hay thanh tra.
![]() |
Báo chí có vai trò đặc biệt trong công tác đấu tranh, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay. |
Cả nước hiện có 27.266 HTX, trong đó có 17.509 HTX nông nghiệp, 9.757 HTX phi nông nghiệp. Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng các HTX ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế trong nền kinh tế quốc dân. Và, mới đây Chính phủ đã có Quyết định hỗ trợ phát triển 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, 100 - 150 liên hiệp HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Trong giai đoạn 2016 - 2020, đã có 1.491 HTX được tiếp cận hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ với tổng kinh phí của Trung ương và địa phương là gần 164 tỷ đồng, bình quân mỗi HTX được hỗ trợ 109,9 triệu đồng. Hệ thống Liên minh HTX đã triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường; tư vấn, hướng dẫn cho 227 HTX trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ, xây dựng và nhân rộng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, HTX sản xuất thân thiện với môi trường, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.
Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường (Coste) là đơn vị sự nghiệp thuộc Liên minh HTX Việt Nam có chức năng nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, đề tài, dự án về khoa học công nghệ; bảo vệ môi trường. Trong những năm gần đây, theo yêu cầu và nhiệm vụ được giao, Trung tâm tập trung thực hiện hơn 40 đề tài nhiệm vụ, hỗ trợ hàng trăm mô hình cho các HTX trên cả nước. Các hoạt động hỗ trợ của Trung tâm luôn được sự quan tâm đồng hành của các cơ quan báo chí nói chung và cơ quan báo chí, thông tin truyền thông của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam nói riêng như tạp chí Kinh Doanh (VnBusiness) , Trung tâm Thông tin và Tuyên truyền. Các phóng viên luôn tận tụy đồng hành cùng cán bộ nhân viên Trung tâm đến các vùng núi xa xôi, huyện nghèo giáp biên giới để đưa các thông tin nóng hổi, mới nhất về công tác khảo sát, hỗ trợ các máy móc thiết bị công nghệ cho các HTX trên cả nước.
Các cơ quan báo chí cung cấp thông tin kịp thời, cũng vừa tham gia công tác giám sát về hoạt động hỗ trợ bảo đảm tính khách quan, nắm bắt thông tin sát thực tại Ban giám đốc của các HTX. Nhằm đảm bảo công tác hỗ trợ là thực tế đúng với mục tiêu kế hoạch đề ra, các đơn vị thực hiện chi tiêu hỗ trợ cho các HTX vừa thiết thực và tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, làm giảm các hoạt động có dấu hiệu nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động thường xuyên của các đơn vị trong hệ thống Liên minh HTX Việt Nam.
Chính nhờ thông qua báo chí, thông tin tuyên truyền, người dân nói chung và các HTX mới có thể hiểu, để từ đó nêu lên ý kiến cũng như đưa ra những nguyện vọng trong đời sống xã hội hiện nay. Dưới sự phát triển và đổi mới không ngừng của báo chí, người dân và các thành viên HTX hoàn toàn có thể tìm hiểu và tiếp cận các thông tin báo chí về mọi lĩnh vực nói chung và trong hệ thống Liên minh HTX Việt Nam nói riêng ở mọi lúc, mọi nơi. Vì báo chí ngày nay có rất nhiều loại hình để có thể theo dõi, như: Báo giấy, báo điện tử, báo nói… Báo chí ngày càng mở rộng thì người dân và các HTX càng được tiếp cận thông tin một cách mới nhất, nhanh nhất, dân trí ở nên tri thức hơn, nâng cao sự hiểu biết nhiều hơn cũng như có thể thực hiện tốt các chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của Liên minh HTX Việt Nam.
Phát huy hiệu quả·
Rất nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng đã được báo chí phát hiện. Ví dụ như: Vụ triệt phá đường dây nhập lậu xăng, làm xăng giả số lượng "khủng" tại tỉnh Đồng Nai do Phan Thanh Hữu (sinh năm 1957, ngụ TPHCM) và Nguyễn Hữu Tứ (tên gọi khác là Sơn, sinh năm 1966, ngụ Vĩnh Long) cầm đầu; Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam; Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 1); vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; tham ô tài sản; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI); Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; Vụ án "Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị có liên quan…
Báo chí có nhiều hình thức để phát hiện những vụ việc tham nhũng, chẳng hạn như qua thư bạn đọc gửi đến cơ quan báo chí, phóng viên; thông qua việc tiếp nhận các phản ánh, tố cáo của người dân, báo chí xác minh để tìm ra các tài liệu, chứng cứ xác thực để chuyển tới công luận và các cơ quan tư pháp; hoặc báo chí phát hiện những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng và thực hiện những biện pháp điều tra đặc thù của nghề nghiệp. Có thể thấy rằng, báo chí đã có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện các vụ tham nhũng. Các cơ quan truyền thông, báo chí là đồng minh hết sức quan trọng của người dân trong cuộc chiến chống tham nhũng. Kết quả khảo sát “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới phối hợp thực hiện cho thấy, báo chí là một trong những thiết chế tích cực và hiệu quả nhất trong phát hiện và điều tra tham nhũng tại Việt Nam.
Báo chí có vai trò quan trọng trong việc tạo áp lực để các cơ quan chức năng tăng cường trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng. Ngoài ra, báo chí cũng phản ánh đa chiều, khách quan, công bằng về các vụ việc liên quan đến tham nhũng. Thực tế, Nhà nước đã thể hiện sự vinh danh với báo chí trong phòng, chống tham nhũng qua các giải báo chí. Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” được dư luận đánh giá cao, có những tác động tích cực với xã hội và những người làm báo. Điều này khẳng định quyết tâm không “chùn bước” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và báo chí trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực...
Qua những kết quả đạt được, vai trò của báo chí trong hoạt động phòng chống tham nhũng là không thể phủ nhận. Trong thời đại 4.0, các vụ án với hoạt động tội phạm ngày càng tinh vi, phức tạp thì vai trò của báo chí ngày càng được nâng lên. Để vai trò của báo chí thực sự phát huy được hiệu quả cần chú trọng đến một số điểm sau: Thứ nhất là, chú trọng đào tạo và đào tạo lại các phóng viên báo chí đưa tin về phòng, chống tham nhũng, chú trọng lương tâm của người cầm bút với đồng bào, Tổ quốc. Thứ hbai là, hoàn thiện cơ chế bảo vệ phóng viên, cơ quan báo chí, đưa tin về phòng, chống tham nhũng. Thứ ba là, tiếp tục phát huy những mặt tích cực của báo chí, trong việc đưa tin, bài về phòng, chống tham nhũng. Thứ tư là, trao quyền và tăng cường sự tham gia của người dân một cách thực chất trong hoạt động phòng, chống tham nhũng.
Vai trò của báo chí rất lớn, không chỉ là công cụ để phổ biến, tuyên truyền các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn với công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, là nơi để người dân được tự do tìm kiếm thông tin, tự do đưa ra nguyện vọng ý kiến để giúp đất nước ngày một càng phát triển mạnh và bền vững hơn nữa.
Trung tâm Coste