Thưa ông, như Ban tổ chức Hội thảo cho hay, dự án Luật HTX sửa đổi đã trải qua gần 3 năm, với 14 lần điều chỉnh, nhưng đến nay vẫn còn nhiều tranh luận và lại là những vấn đề cốt lõi. Vậy ông có ý kiến thế nào?
Tôi rất phấn khởi vì dự án sửa đổi luật HTX được chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng nhằm tìm đến vấn đề "trúng" với đòi hỏi hiện nay của khu vực HTX Việt Nam. Song, khi đến hội thảo này, không chỉ một mình tôi, mà hầu hết cán bộ Liên minh HTX các địa phương và Chủ nhiệm HTX cơ sở đều rất trăn trở. Bởi mọi người vẫn thấy quan điểm Ban soạn thảo phần nhiều chỉ thiên về lý luận và mang tính định hướng. Thế nên, dự Luật này đã qua gần 3 năm, với 14 lần điều chỉnh, mà đến nay (9/2012) còn tồn tại nhiều vấn đề cốt lõi gây nên những tranh luận. Ví như, tại hội thảo lần này, vẫn phải đưa ra hàng loạt nội dung thảo luận về bản chất, định nghĩa HTX, về cung ứng dịch vụ, phân phối thu nhập và nhất là vị trí vai trò tổ chức Liên minh HTX…
Như tôi đã nêu trong ý kiến trực diện trong hội thảo với đại diện Ủy ban Kinh tế Quốc hội (cơ quan hiện đang thẩm định lần chót dự Luật này), rằng Ban soạn thảo đã đến lúc cần cởi bỏ tư duy "mặc định", để lắng nghe nhiều hơn nữa ý kiến đóng góp từ thực tiễn. Một điều thật hiển nhiên là luật có xuất phát từ thực tiễn đất nước, phù hợp với thực trạng khu vực HTX hiện nay thì mới có thể đi vào cuộc sống.
Nhìn từ cơ sở, ông có thể kể một vài câu chuyện thực tiễn liên quan đến dự luật HTX sửa đổi?
Chuyện thật 100% ở Hải Phòng, là việc Liên minh HTX Thành phố bỗng trở thành "con nợ" tiền thuê trụ sở. Bởi tổ chức Liên minh HTX không còn là tổ chức chính trị xã hội, cũng không phải tổ chức kinh tế - xã hội, không biết xếp vào diện nào, nên phải trả tiền thuê trụ sở. Đã 6 năm nay, Liên minh HTX Tp. Hải Phòng không được cấp tiền nhà, phải ghi nợ với Công ty kinh doanh nhà số tiền thuê trụ sở chưa trả đến nay tới 1,4 tỷ đồng...
Từ chuyện này, tôi thật sự lo ngại trước Điều 59, 60 trong dự Luật thể hiện quan điểm không tương xứng với thực tế vai trò tổ chức Liên minh HTX. Nhìn từ thực trạng hiện nay, thì muốn phát triển khu vực HTX Việt Nam trong nhiều năm tới đây không thể không củng cố đủ mạnh hệ thống Liên minh HTX các cấp.
Trong khi Đảng và Nhà nước khẳng định Liên minh HTX có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển KTTT và HTX, nơi có 70% dân số và góp phần ổn định chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá đất nước, thì tại sao dự Luật lại xếp hệ thống Liên minh HTX vào tổ chức "hội" và thêm vào 2 chữ…"đặc thù" (?).
Từ diễn đàn hội thảo này, ông có những kiến nghị gì không?
Gắn bó nhiều với HTX, tôi hiểu rằng nếu Luật HTX sửa đổi mới như Phiên bản dự thảo 14 này (tính đến tháng 9/2012), thì hệ lụy dẫn đến là tổ chức Liên minh HTX các tỉnh, thành phố cả nước sẽ suy yếu một cách nhanh chóng. Từ đó, HTX không những không thể phát triển mà còn suy yếu hơn, nếu không muốn nói là tan rã dần.
Tôi mạnh dạn đề nghị Ban tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến tâm huyết tại hội thảo của các nhà khoa học đầu ngành, các nhà quản lý và nhiều chủ nhiệm HTX cơ sở…, như là tiếng nói đông đảo người dân và cử tri, để gửi đến Ban soạn thảo dự Luật, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 500 đại biểu Quốc hội khi bàn đến việc hoàn thiện và thông qua dự Luật này.
Thực tế, cán bộ phổ biến ở các cấp, ngành ai cũng hiểu vấn đề, nhưng thường né tránh, chỉ chú trọng lý luận, mà không nhìn HTX đúng với thực trạng vốn có so với những nhu cầu phát triển. Thế nên, việc cần làm là hãy mạnh dạn gạt bỏ tư duy lý thuyết, để lắng nghe sự thôi thúc từ thực tiễn cuộc sống, nhằm xây dựng bộ Luật HTX và các chính sách phát triển HTX đủ sức mạnh đi vào cuộc sống.
Lưu Đoàn thực hiện