Theo thống kê của QHTPT HTX, tính đến tháng 7/2020, QHTPT HTX trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam và 55 QHTPT HTX trực thuộc Liên minh HTX cấp tỉnh là 2.011 tỷ đồng. Với nguồn lực này, QHTPT HTX đã hỗ trợ cho vay hơn 6000 lượt vay, tương đương 2000 HTX được hỗ trợ vay vốn. Tuy nhiên, con số này mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu vay vốn của tổng số HTX đang hoạt động. Đây chính là bài toán mà các HTX đang cần có lời giải trong thời gian tới.
Kế hoạch vẫn nằm trên bàn vì thiếu vốn
Nhờ tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ, HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) Xuân Hòa phất lên như “diều gặp gió”. HTX phát triển cả về số lượng và chất lượng, từ 7 thành viên ban đầu đã nhanh chóng lên con số 25 chỉ sau một thời gian đi vào hoạt động.
Theo chia sẻ của ông Lê Văn Bản – Chủ tịch HĐQT HTX, HTX vay từ Quỹ 1,4 tỷ đồng (tổng mức đầu tư gần 1,9 tỷ đồng) để xây dựng nhà xưởng sơ chế, kho cấp đông, kho lạnh, máy sấy, máy nghiền nguyên liệu chế biến thức ăn cho cá.
Năm 2020, HTX bắt đầu cho ra đời sản phẩm cá trắm, cá lăng cắt khúc, đóng gói, hút chân không, xúc tiến đưa sản phẩm vào chuỗi siêu thị lớn. HTX đang hoàn thiện tất cả các quy trình: con giống, thức ăn, đầu ra… để tiến tới “đứng” trong chuỗi giá trị của Liên minh HTX Việt Nam.
Ông Phạm Công Bằng - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX (trái) và ông Trần Văn Phiệt - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nam Định (giữa) tham quan và đánh giá hiệu quả về việc sử dụng vốn của HTX. |
Nhớ lại những ngày tháng khó khăn, ông Bản kể khi mới phát triển nghề NTTS, gia đình ông liên tục phải nếm “trái đắng” do chưa có nhiều kinh nghiệm phòng chống thiên tai, bệnh dịch. Khối tài sản trong ao nuôi của gia đình ông Bản trị giá khoảng 7 tỷ đồng cứ thế "đổ sông, đổ bể". Thời điểm đó, gia đình ông vay ngân hàng 200 triệu, do không có khả năng trả nợ, ngân hàng đã niêm phong nhà, gia đình ông rơi vào suy sụp.
Chỉ tay về phía cơ ngơi bạc tỷ rộng 70ha, ông Bản phấn khởi nói: “Nhờ sự động viên cả về tinh thần và vật chất của Liên minh HTX Việt Nam, Quỹ hỗ trợ Trung ương, UBND tỉnh, HTX đã vực dậy khỏi thất bại, tạo bước nhảy vọt”.
Được biết, HTX NTTS Xuân Hòa đang nỗ lực thực hiện chủ trương của Liên minh HTX Việt Nam, phát triển KTTT, HTX theo chuỗi giá trị sản phẩm. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, do thiếu vốn lưu động nên khâu sản xuất, tiếp cận thị trường còn manh mún, chưa đồng bộ. Theo ông Bản, chu kỳ 1 lứa cá thương phẩm của HTX kéo dài từ 2-2,5 năm, trung bình HTX tiêu thụ 4,5 tấn cá/ngày. Do đó, nhu cầu sử dụng nguồn vốn lưu động của HTX và thành viên vào khoảng 10-15 tỷ/năm.
Các HTX thiếu vốn đều dựa vào các doanh nghiệp, buộc phải "ký chịu" nguyên liệu với lãi suất cao, giá cả lên xuống thất thường. Ví dụ, một bao cám có giá 350.000 đồng, nếu doanh nghiệp tăng giá thêm 10.000 đồng cộng thêm lãi suất 1%/tháng sẽ gây khó khăn, tạo áp lực lớn cho các thành viên.
"Vì vậy, chúng tôi mong muốn được vay vốn lưu động, thời gian vay khoảng 5 năm, trả lãi 1 năm/lần. Vốn lưu động là tiềm lực giúp chúng tôi vận hành tối đa công năng của máy móc, công nghệ, tiến gần hơn với mục tiêu phát triển chuỗi giá trị. Cứ 6 tháng chúng tôi sẽ huy động vốn của thành viên để trả cả gốc và lãi cho Quỹ", ông Bản nói.
Mỗi ngày HTX Xuân Hòa tiêu thụ 4,5 tấn cám nên nhu cầu sử dụng vốn lưu động rất cao |
Không chỉ “khơi dòng”, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX còn phối hợp với Liên minh HTX các tỉnh, ngành chức năng tham gia tư vấn, hỗ trợ thông tin, giúp các HTX sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay.
Nhưng trên thực tế, QHTPT HTX mới chỉ giúp các HTX “giải khát” nhưng chưa đủ lực hỗ trợ các HTX phát triển những dự án dài hơi. Đơn cử như ở HTX dịch vụ Linh Phát (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) sở hữu 3 sản phẩm OCOP 3 sao bao gồm: rượu nấm linh chi, nấm linh chi, nấm bào ngư.
Tham vọng về một cơ sở sản xuất phôi nấm giống lớn nhất miền Bắc, HTX Linh Phát đã có kế hoạch xây dựng khu nhà kính rộng 4000m2 trồng nấm công nghệ cao. Đồng thời, HTX có kế hoạch hợp tác với Viện di truyền nông nghiệp nghiên cứu các loại giống nấm F1 chất lượng cao, chủ động nguồn giống và kinh doanh đem lại lợi nhuận. Dự kiến, tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, vướng mắc ở khoản vốn nên kế hoạch vẫn đang nằm trên... bàn.
HTX tiếp cận nguồn vốn thương mại rất khó khăn vì ngân hàng thương mại đòi hỏi khắt khe về tài sản đảm bảo trong khi HTX không có nhiều tài sản chung. Đứng trên phương diện tập thể, đi vay thực sự rất khó. Nhiều lần, lãnh đạo HTX phải vay thế chấp, tín chấp trên danh nghĩa cá nhân để HTX có vốn duy trì sản xuất nhưng cũng không được nhiều, chỉ như "muối bỏ biển".
Do đó, dự án sản xuất nấm công nghệ cao được hình thành nhưng vẫn "dậm chân tại chỗ" vì HTX không thể vay thêm ở đâu. Con đường phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng tầm sản phẩm OCOP thực sự còn nhiều chông gai, đặc biệt về vốn.
Cứu cánh cho HTX Linh Phát chính là việc tiếp cận được nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển. Vay vốn của Quỹ, HTX được hưởng những ưu đãi thiết thực, lãi suất thấp, thời gian trả nợ linh hoạt...
Ông Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nam Định đánh giá: “QHTPT HTX là kênh thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của KTTT, HTX. Tạo ra một nguồn sinh khí mới, như giải được cơn khát về vốn, giúp các HTX đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh. Quỹ HTPT HTX có thể nghiên cứu cho các HTX, THT vay vốn ngắn hạn giúp duy trì sản xuất, tạo đầu ra thường xuyên cho thị trường”.
Cần thêm nguồn lực để “tiếp sức” cho HTX
Nhưng không phải HTX nào cũng có cơ hội được vay vốn của QHTPTHTX như HTX Xuân Hoà và HTX Linh Phát kể trên. Thực tế, còn rất nhiều HTX trong cả nước đang gặp khó khăn về đồng vốn để phát triển nhưng chưa thể tiếp cận được vì đồng vốn của Quỹ eo hẹp.
Dây chuyền sản xuất bánh đa nem, mì gạo tự động của HTX Xuân Tiến cho năng suất 5 tạ/ngày. |
Trên thực tế, với số vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước cấp, hoạt động cho vay của QHTPT HTX đã chứng minh hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội. Nguồn vốn này không mất đi mà được quay vòng liên tục, phục vụ phát triển KTTT, HTX có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, bản thân Quỹ cũng eo hẹp về nguồn vốn, cơ chế, chính sách chậm ban hành nên Quỹ cũng rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm” khi chỉ được đáp ứng phần nhỏ nhu cầu vay vốn của HTX.
Cũng phải nhắc lại vào năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/2017/QĐ-TTg, trong đó mục tiêu năm 2020, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX do ngân sách nhà nước cấp từ nguồn chi đầu tư phát triển đạt 1.000 tỷ đồng. Nhưng đến hết tháng 7-2020, Quỹ mới được ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ 450 tỷ đồng.
Ông Phạm Công Bằng– Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cho biết, với số vốn điều lệ được cấp 450 tỷ đồng, Quỹ đã sử dụng để cho vay các HTX với hiệu suất sử dụng vốn cao, đến hết ngày 31/7 dư nợ đạt 361 tỷ đồng (chiếm 80,2% vốn điều lệ), dư nợ đến ngày 30/9 đạt 447 tỷ đồng (chiếm 99,3% vốn điều lệ). Như vậy, đến ngày 30/9, vốn điều lệ được cấp đã được sử dụng hết cho các HTX vay vốn theo mục tiêu hoạt động của Quỹ, nếu không được bổ sung vốn điều lệ, hàng trăm dự án đầu tư của các HTX đủ điều kiện cho vay nhưng không có nguồn để đáp ứng.
Ông Phạm Công Bằng cho rằng, thước đo hiệu quả hoạt động của các HTX không nằm ở doanh thu, lợi nhuận mà quan trọng nhất là cách HTX hỗ trợ thành viên, nâng đỡ người lao động yếu thế trên "đôi vai" của HTX. Tuy nhiên, các HTX đang khó tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng do vướng mắc về tài sản bảo đảm.
Rõ ràng, Quỹ ra đời đã chứng minh được hiệu quả và là nguồn tháo gỡ khó khăn về tín dụng từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, Quỹ bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, đặc biệt là chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn và đa dạng về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của HTX, thành viên do những nguyên nhân khách quan như: nguồn vốn eo hẹp, cơ chế cho vay bó hẹp về phạm vi, đối tượng, hoạt động của Quỹ Trung ương và Quỹ địa phương chưa đồng bộ, thống nhất...
Kỳ 2: Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX (Kỳ II): Để không ai bị bỏ lại phía sau...
Xuân Mai