Sáng 28/8, tại Hà Nội, Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, HTX và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam, chia sẻ tại Diễn đàn, một số đại biểu đề xuất cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các chính sách của Nhà nước, đồng thời tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho các HTX và doanh nghiệp nông nghiệp, coi phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là chiến lược lâu dài để bảo đảm sự bền vững cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Tiêu thụ sản phẩm vẫn là "bài toán" không chỉ đối với doanh nghiệp lớn mà còn là thách thức lớn đối với các HTX (Trong ảnh: Quầy trưng bày sản phẩm nước cốt nhàu của Hợp tác xã Hán Thị (Bắc Ninh) tại Diễn đàn) |
Bên lề sự kiện, bà Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc HTX Thương mại và dịch vụ Bản Việt, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ với VnBusiness: "Liên kết với nông dân đem lại nhiều thuận lợi trong ổn định nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, tiêu thụ sản phẩm vẫn là "bài toán" không chỉ đối với doanh nghiệp lớn mà còn là thách thức đối với các HTX quy mô vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ hiện nay".
Đồng quan điểm, ông Nghiêm Xuân Thuyên, Giám đốc HTX dược liệu Hán Thị, tỉnh Bắc Ninh bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng tạo điều kiện hỗ trợ cho thuê đất lâu dài để ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, các sản phẩm từ HTX khi đưa ra thị trường sẽ được hỗ trợ liên kết với các doanh nghiệp và Liên minh HTX, tăng cường xúc tiến thương mại giúp đem những sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng.
Về vấn đề phát triển chuỗi giá trị nông sản hiệu quả để nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng, trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu đến cạnh tranh trên thị trường quốc tế, việc tìm kiếm các giải pháp để phát triển chuỗi giá trị nông sản một cách hiệu quả đã trở thành nhiệm vụ cấp bách. Việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị từ người nông dân, HTX đến doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu này:
“Để phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản trong tái cơ cấu nông nghiệp phải đẩy mạnh phát triển liên kết giữa các HTX, HTX với doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, viện nghiên cứu, chính sách...
Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước đang có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số HTX) với các hình thức liên kết chuỗi giá trị phát triển đa dạng theo các công đoạn trong chuỗi giá trị nông sản.
Một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay là mối liên kết giữa các tác nhân trong cùng một khâu (liên kết ngang), cũng như giữa các khâu (liên kết dọc) trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo (Trong ảnh: Quầy sản phẩm canxi hữu cơ từ vỏ trứng gà của Công ty cổ phần đầu tư DDA Việt Nam) |
“Có thể nói, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản một cách tốt nhất và nâng cao giá trị cho nông sản Việt thì việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp. Điều này nhằm đáp ứng cho thị trường quốc tế đang tiếp tục mở rộng cho Việt Nam với gần 20 FTA đã ký kết và đàm phán, cũng như đáp ứng nhu cầu cho thị trường trong nước với quy mô hơn 100 triệu dân”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cần nhìn nhận một thực tế là vẫn còn nhiều mặt hạn chế và thách thức nhất định cho việc phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản. Và một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay là mối liên kết giữa các tác nhân trong cùng một khâu (liên kết ngang), cũng như giữa các khâu (liên kết dọc) trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo.
Trong đó, ở một số ngành hàng nông sản, mối liên kết ngang giữa các hộ nông dân thông qua hình thức tổ hợp tác và HTX thậm chí mới dừng lại ở việc chia sẻ kinh nghiệm sản xuất hoặc để tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ từ chương trình, dự án trong và ngoài nước, chưa thực hiện được hình thức cung ứng và tiêu thụ tập trung. Hoặc như trong khâu sơ chế biến chỉ mới dừng lại ở mức độ thỏa thuận không chính thức về phân vùng thu mua nguyên liệu, chưa hình thành liên kết ngang để thống nhất giá cả và chất lượng.
Thêm vào đó, liên kết giữa các tổ hợp tác/HTX trong một số ngành hàng cũng chỉ mới dừng lại ở chỗ liên kết mang tính thời vụ, chưa mang tính chia sẻ rủi ro và lợi ích, do vậy vẫn chưa đạt được tính bền vững cao. Nhìn chung, các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ vẫn chưa thật sự vững chắc.
Không những vậy, số HTX xây dựng được thương hiệu sản phẩm chưa nhiều, giá trị cạnh tranh trên thị trường chưa cao. Chưa có nhiều HTX có năng lực tổ chức liên kết, phát huy vai trò cầu nối thật sự hiệu quả, có khả năng lan tỏa trong phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Chính vì thế, trong tái cơ cấu nông nghiệp, để chuỗi giá trị nông sản Việt phát triển bền vững và hiệu quả đòi hỏi phải khắc phục mặt những hạn chế cố hữu này. Nhất là cần liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Đồng thời, cần củng cố và phát triển các tổ chức sản xuất tập thể và các mối liên kết dọc giữa các tác nhân trong chuỗi.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng khẳng định, liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững. Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, doanh nghiệp và nông dân hợp tác với nhau. Đồng thời, việc xây dựng các chuỗi liên kết theo mô hình "từ nông trại đến bàn ăn" sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng giá trị gia tăng. Cùng với đó, hoàn thiện, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp, đặc biệt là các HTX kiểu mới…
“Để ngành nông nghiệp Việt Nam không ngừng phát triển, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững trong chuỗi giá trị nông sản; góp phần xây dựng, nâng tầm nông sản Việt trên thị trường thế giới, đây là nhiệm vụ không chỉ của riêng ngành nông nghiệp mà cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, HTX đến người nông dân”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Hồng Hương