Sau hơn 10 năm triển khai, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá là "toàn diện, to lớn và có tính lịch sử".
Băn khoăn trong quá trình thực hiện
Dù đã triển khai trong một thời gian dài và qua hơn một năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 nhưng nhiều địa phương vẫn còn gặp những trở ngại nhất định.
Tại "Hội nghị quán triệt một số nội dung trọng tâm và các chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025" diễn ra sáng ngày 17/11, ông Huỳnh Thành Hữu, Phó Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Hậu Giang, cho biết trong bộ tiêu chí về 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, có tiêu chí 12.3 về tỷ lệ lao động làm việc trong ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn hiện chưa được Bộ Lao động Thương binh và xã hội hướng dẫn về tỷ lệ, quy định…
Kế hoạch triển khai và hướng dẫn thực hiện mô hình thí điểm Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 sẽ được tiến hành theo 7 bước: Đăng ký danh sách; phê duyệt danh sách; hướng dẫn nội dung xây dựng; phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật/Dự án xây dựng; triển khai xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện mô hình thí điểm.
Chính vì vậy, mặc dù tỉnh đã làm việc với Sở Lao động Thương binh xã hội nhưng cũng chưa thể triển khai vào thực tiễn, từ đó làm chậm quá trình xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, trong 10 hợp phần tiểu dự án của Chương trình phát triển kinh tế dân tộc thiểu số với bộ tiêu chí nông thôn mới đang chưa rõ ràng. Chẳng hạn như quy định tiêu chí giao thông được quy định rõ ràng trong bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nhưng lại không quy định trong 10 hợp phần tiểu dự án của Chương trình phát triển kinh tế dân tộc thiểu số.
Ngay tại điều 29 của Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT đã có quy định về triển khai hoạt động thông tin truyền thông trong xây dựng nông thôn mới như trong điều 47, Thông tư 53/2022/TT-BTC chỉ dẫn chiếu Thông tư số 15/2022/TT-BTC (Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số) mà không dẫn chiếu Thông tư 05/2022/TT-BNNPTNT.
“Điều này gây khó áp dụng, thực hiện, đó là chưa tính đến việc còn nhiều điều khoản giữa thông tư 05 và 53 chưa chặt chẽ”, ông Hữu nói.
Không chỉ khó khăn về các văn bản quy phạm pháp luật, nhiều địa phương cũng gặp lực cản trong thực hiện vì những đặc thù của địa phương nên quá trình triển khai chương trình nông thôn mới còn chưa hiệu quả.
Xây dựng nông thôn mới là giải quyết những điều đơn giản nhất, căn bản nhất mà người dân đang vướng mắc. |
Ngay trong chương trình OCOP, vẫn còn những địa phương chưa xác định được sản phẩm mang tính đặc thù để tiến hành đầu tư có trọng tâm, từng bước tạo dựng thương hiệu riêng cho xã hoặc vùng sản xuất.
Ông Lê Văn Đáng, Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết Chương trình OCOP yêu cầu khơi gợi tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng sản phẩm OCOP nhưng một số địa phương trong tỉnh hiện đang khó xác định sản phẩm tiềm năng. Trong khi chương trình du lịch nông thôn hiện, chuyển đổi số, khoa học công nghệ đều là những chương trình mới trong xây dựng nông thôn mới nhưng nguồn lực địa phương còn hạn chế.
Còn tại tỉnh Thanh Hóa, hiện nay vẫn còn 119 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới nhưng tất cả 119 xã này đều thuộc vùng miền núi, khó khăn.
Hay như tiêu chí về nước sạch tập trung quy định xã nông thôn mới phải có ít nhất 10% hộ dân được sử dụng nước sạch tập trung nhưng nhiều địa phương miền núi, địa hình khó trong việc dẫn nước sạch. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đã kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào cuộc nhưng các quy định lựa chọn nhà thầu, thủ tục hành chính hiện rất phức tạp.
Xây dựng mô hình quản lý cộng đồng
Xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025 hiện có 6 nội dung trọng tâm đó là: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP),Chương trình chuyển đổi số, Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, Chương trình phát triển du lịch nông thôn, chương trình khoa học công nghệ. Nếu các địa phương thực hiện hiệu quả các vấn đề này sẽ thúc đẩy và mang lại hiệu quả cho quá trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
Để làm được những điều này, các địa phương nếu linh hoạt trong huy động các nguồn lực, quyết tâm đồng hành cùng với người dân, và chính quyền địa phương thì không chỉ mang lại hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương mà còn giúp các chính sách, định hướng của Nhà nước đi vào thực tiễn.
UBND các tỉnh đăng ký xây dựng 1 mô hình thí điểm triển khai Chương trình OCOP trước ngày 30/11/2022. Bộ NN&PTNT phê duyệt danh sách mô hình trước ngày 20/12/2022.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới Lào Cai cho rằng, địa phương có thể lồng ghép chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới và chương trình chuyển đổi số chung của tỉnh, thành phố để hạn chế phải ban hành các văn bản, kế hoạch gây bất cập, trong khi nguồn nhân lực tại các địa phương hạn chế.
Bên cạnh đó, chương trình khoa học công nghệ có thể lấy các dự án, mô hình đang, sắp triển khai để gắn kết với chương trình khoa học công nghệ trong nông thôn mới để thu hút được các nguồn lực, tạo thuận lợi cho việc triển khai.
Trước thực tiễn ở các địa phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, đến thời điểm này, các văn bản của Trung ương đã gửi đến địa phương và thống nhất về 6 chuyên đề. Điều quan trọng là các cơ quan quản lý ở địa phương cần tích cực tham mưu cho địa phương để triển khai, tránh chồng chéo với các chương trình khác. Muốn làm được điều này, cần rà soát lại các văn bản để đảm bảo nguồn lực đến được các địa phương một cách kịp thời.
Về vấn đề triển khai các mô hình, nhất là trong chương trình OCOP ở giai đoạn này không dừng ở việc hỗ trợ, định hướng cho các chủ thể, HTX. Điều cần làm là làm sao để các chủ thể, HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo chuỗi và quảng bá sản phẩm OCOP.
Còn chuyển đổi số tuy là một chương trình mới nhưng muốn hiệu quả cần tập trung xây dựng các mô hình chuyển đổi số để hỗ trợ người dân áp dụng công nghệ, sau đó nhân rộng.
Để giải quyết tiêu chí nước sạch, các địa phương cần xây dựng các hồ trữ nước ngọt trong từng hộ dân. Điều này, một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã làm thực hiện khá hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, điều cần làm trong xây dựng nông thôn mới là giải quyết những điều đơn giản nhất, căn bản nhất mà người dân đang vướng mắc để nâng cao đời sống của nhân dân. Bởi nhiệm vụ của nông thôn mới là xây dựng những mô hình quản lý cộng đồng hiệu quả chứ không phải những mô hình phát triển kinh tế xã hội lớn lao của địa phương.
“Ngay như việc thông tin, tuyên truyền hướng dẫn người dân xây dựng nông thôn mới cũng phải thiết thực. Việc phát tờ rơi cũng cần chú trọng đến nội dung đơn giản, dễ hiểu để người dân dễ dàng tiếp cận và ứng dụng trong thực tiễn”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Tùng Lâm