Gia đình ông Phạm Hữu Danh, thành viên Tổ hợp tác cây chôm chôm ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung, có 2,5 ha chôm chôm Thái sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tỷ phú nông dân ở ấp Lạc Sơn
Ông Danh rất tâm huyết với phương pháp sản xuất này, bởi "làm VietGAP không chỉ đảm bảo an toàn cho người lao động, thân thiện với môi trường, mà còn đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm đảm bảo được chất lượng".
Trồng chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP giúp nông dân ấp Lạc Sơn làm giàu. |
Hơn hết, ông và những hộ tham gia mô hình hy vọng trái chôm chôm khi đạt chuẩn VietGAP sẽ bán được với giá cả ổn định hơn, không phải phụ thuộc vào thương lái như hiện nay.
Cách đây 2 năm, sau thời gian triển khai dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình tiên tiến sản xuất chôm chôm, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, Tổ hợp tác cây chôm chôm ấp Lạc Sơn đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 16,5 ha.
Qua quá trình áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, vườn chôm chôm Thái của các thành viên Tổ hợp tác phát triển tốt, ít bị nhiễm sâu bệnh hại. Nhờ vậy, năng suất của các hộ tham gia mô hình đạt từ 15-20 tấn/ha, cao hơn so với sản xuất đại trà trên 10%. Chi phí đầu tư mua thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm từ 20-30%.
Hiện nay, trên địa bàn ấp Lạc Sơn có khoảng 360 hộ dân đang sinh sống và áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, giúp cho nhiều hộ có thu nhập khá. Không những vậy, Lạc Sơn còn là ấp có nhiều tỷ phú xuất thân từ làm nông nghiệp.
Dù trải qua những thăng trầm do giá cả nông sản lúc tăng, lúc giảm sâu, song những tỷ phú nông dân trong ấp Lạc Sơn đều biết cách vượt qua, khai thác các lợi thế để vẫn đảm bảo thu nhập cao, tạo ra việc làm cho các lao động trên địa bàn.
Điển hình như ông Trương Chí Kiên, vốn trước kia chỉ làm thuê, làm mướn, nhưng đến nay đã có hơn 3 ha đất chuyên trồng chôm chôm, sầu riêng chuyên canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng VietGAP, lợi nhuận thu được hơn 1 tỷ đồng/năm.
Hoặc như ông Phạm Văn Ray chọn phát triển nông nghiệp sạch theo mô hình phối hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt. Hiện, ông Ray đã có trong tay gần 30 ha đất và trang trại chăn nuôi, thu lời hàng tỷ đồng mỗi năm. Ông cũng góp sức cùng địa phương làm đường, hỗ trợ đất, xây dựng nhà tình thương cho một số hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong ấp, xã.
Xã Quang Trung còn được xem là là “cái nôi” của nghề làm chuối sấy, đặc sản nổi tiếng của Đồng Nai. Xã có vùng nguyên liệu để làm chuối sấy khá lớn với khoảng hơn 800 ha diện tích trồng giống chuối truyền thống.
Vai trò lớn của kinh tế hợp tác
Từ nghề làm chuối sấy, một số hộ gia đình trong xã Quang Trung phát triển thành doanh nghiệp, tiêu thụ từ 8-10 tấn chuối mỗi ngày. Phần lớn nguồn chuối nguyên liệu để sản xuất chuối sấy đều được làm từ giống chuối bơm của địa phương.
Trồng cây đinh lăng được kỳ vọng giúp mang lại thu nhập cao cho thành viên HTX Thuận Thiên. |
Ông Nguyễn Minh Đại, nông dân trồng chuối có kinh nghiệm nhiều năm nay tại ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung cho biết, gia đình ông có 2,6 ha đất trồng chuối, toàn bộ chuối trong vườn là chuối bơm và chuối sứ.
Với diện tích này, trong đó đa số là chuối bơm, mỗi năm ông Đại thu hoạch được khoảng 35 tấn chuối, cung cấp cho cơ sở sản xuất chuối sấy tại địa phương.
Cách đây 2 năm, HTX thương mại, dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thuận Thiên đã được thành lập ở xã Quang Trung. Sau khi đi vào hoạt động, HTX đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH nông nghiệp Thiên Đường thí điểm trồng đinh lăng dưới tán cây lâu năm.
Đến nay, mô hình này đang mang lại tín hiệu khả quan. Đây là cơ sở góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã. Theo tính toán, sau 3 năm trồng, trên mỗi ha đinh lăng với 30.000 cây sẽ cho thu 36 tấn lá và 180 tấn cành, thân và rễ, sẽ giúp thành viên HTX có thể thu lời khoảng hơn 2 tỷ đồng/ha.
Hiện, HTX Thuận Thiên đang có hướng vận động các thành viên và bà con nông dân trên địa bàn xã Quang Trung mở rộng diện tích trồng cây đinh lăng dưới tán cây lâu năm lên khoảng 100 ha trong các năm tới.
Ngoài ra, ở xã Quang Trung còn có các HTX đang hoạt động ổn định và hiệu quả như HTX rau an toàn Lê Lợi 2, HTX thương mại - dịch vụ - nông nghiệp Nông Việt Phát, HTX nông nghiệp Phương Nam, HTX thương mại - dịch vụ Quang Trung.
Từ hiệu quả của những mô hình trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng chuối và chế biến chuối sấy, cũng như vai trò lớn của mô hình kinh tế hợp tác đã giúp xã Quang Trung đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014.
Đến năm 2019, UBND tỉnh Đồng Nai đã công nhận xã Quang Trung đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của xã vào khoảng 13 - 16%; thu nhập bình quân đầu người vào năm ngoái đạt trên 63 triệu đồng.
Thanh Loan