Việt Nam có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp để trồng ớt, với các vùng nông nghiệp phong phú từ Bắc vào Nam. Những giống ớt đa dạng như ớt chỉ thiên, ớt sừng, và ớt chuông đều phát triển mạnh mẽ, cho năng suất cao và chất lượng tốt. Đây là nền tảng vững chắc để ngành nông nghiệp ớt Việt Nam phát triển và hướng đến xuất khẩu.
Từ những con số nổi bật
Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), Việt Nam xuất khẩu được 1.435 tấn ớt trong tháng 5 với kim ngạch đạt 3,3 triệu USD, giảm 25,8% so với tháng trước. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu ớt lớn nhất của Việt Nam trong tháng đạt 1.273 tấn, chiếm 88,7%.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, nước ta xuất khẩu 6.511 tấn ớt và thu về hơn 16 triệu USD, tăng 10,1% về lượng và tăng mạnh 36,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Xét về thị trường, Trung Quốc giữ vững vị trí thị trường xuất khẩu lớn nhất với 5.791 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Lào giữ vị trí thứ 2 với 461 tấn, tăng 15,8% so với tháng 5/2023.
Trong năm 2023, xuất khẩu ớt đạt kim ngạch 20 triệu USD, tương ứng với 10.173 tấn, tăng mạnh 107% so với năm 2022.
![]() |
Xuất khẩu ớt được đánh giá là mang lại lợi ích kinh tế và góp phần nâng cao vị thế của nông sản Việt trên thị trường quốc tế. |
Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành xuất khẩu ớt Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Sự gia tăng về nhu cầu tiêu thụ ớt trên toàn cầu, cùng với việc Việt Nam không ngừng cải thiện chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn cho nông dân và các HTX.
Rõ ràng, ớt là loại thực phẩm thiết yếu trong hầu hết các gia đình. Nhu cầu về ớt trên thị trường quốc tế đang tăng mạnh, đặc biệt là ở các nước có nền ẩm thực đa dạng như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, và các quốc gia châu Âu. Việt Nam, với lợi thế về chất lượng và giá cả cạnh tranh, đang trở thành nguồn cung cấp ớt quan trọng trên thị trường toàn cầu.
Hiện, nông sản Việt Nam đang được xuất khẩu đến hơn 185 quốc gia, vùng lãnh thổ và ngày càng có sức hấp dẫn lớn với các đối tác quốc tế. Việc chủ động xây dựng vùng trồng đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và chủ động sản xuất theo yêu cầu thị trường đang giúp nông sản Việt vươn xa, người dân ổn định thu nhập.
Đến cơ hội tận dụng tiềm năng để bứt phá
Trao đổi với VnBusiness, anh Võ Trí Quang Nguyên – Giám đốc HTX Cây giống bonsai Long Phước (Xã Long Phước - Huyện Long Thành - Đồng Nai) cho biết, nắm bắt nhu cầu thị trường tiêu dùng trong nước và quốc tế, nhận thấy được những giá trị lớn từ trồng ớt, HTX đã bàn bạc, nghiên cứu và triển khai mô hình trồng ớt theo tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn sinh học, tạo bước đệm cho bà con nông dân cùng làm giàu và phát triển kinh tế địa phương.
Hiện sản phẩm ớt tươi của HTX đang xuất khẩu đi Đức, Pháp, Canada. Quy mô chưa lớn nên HTX đang làm việc với một số địa phương trên địa bàn tỉnh để tìm diện tích đất lớn, phù hợp, trong đó có mục tiêu hợp tác với nông dân nhân rộng mô hình ớt hữu cơ theo hướng xây dựng những vùng trồng quy mô từ 25ha trở lên. HTX có đội ngũ cố vấn cũng như kỹ thuật sẵn sàng hướng dẫn cho nông dân và các đối tác thành viên theo lối cầm tay chỉ việc; nông dân được hỗ trợ tất cả các vật tư đầu vào, kết nối đầu ra cho sản phẩm.
Cuối năm 2022, gia đình chị Nguyễn Thị Hiền (Yên Bái) trồng thí điểm hơn 1ha giống ớt sừng xanh Hàn Quốc. Chỉ sau hơn 2 tháng trồng và chăm sóc, mô hình đã cho thu hoạch đạt năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt toàn bộ đầu ra sản phẩm ớt sừng xanh được một doanh nghiệp thu mua xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Được biết, đến nay, gia đình chị đã đầu tư hơn 400 triệu đồng nhân rộng được 3ha mô hình trồng ớt sừng xanh Hàn Quốc, trong đó 2ha giống ớt ngọt và 1ha giống ớt cay. Với 3ha trồng ớt từ đầu vụ thu hoạch đến nay, gia đình đã thu được hơn 20 tấn ớt xanh các loại.
"Dự kiến, từ nay đến hết vụ ớt sản lượng thu hoạch đạt hơn 60 tấn. Giống ớt sừng xanh Hàn Quốc cho trái to, khoảng 40 quả/kg, năng suất bình quân đạt trên 1 tấn/sào. So với giá trị kinh tế ớt sừng xanh Hàn Quốc mang lại lợi nhuận cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa", chị Hiền nói.
Thực tế, để phát triển diện tích và chất lượng quả ớt, thời gian qua các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân và HTX trong việc phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu. Các chương trình hỗ trợ về vốn, kỹ thuật canh tác, và bảo quản sau thu hoạch đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh của ớt Việt trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, các hiệp hội ngành hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối nông dân với các đối tác nước ngoài, tìm kiếm thị trường mới và giải quyết các rào cản thương mại.
Mặc dù có nhiều cơ hội, ngành xuất khẩu ớt cũng đối mặt với không ít thách thức. Các yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm từ thị trường quốc tế, cạnh tranh gay gắt với các quốc gia xuất khẩu khác, và biến đổi khí hậu đều là những vấn đề cần được giải quyết.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, để vượt qua các thách thức này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa nông dân, HTX và các cơ quan chức năng. Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong canh tác và chế biến, cùng với việc đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng, sẽ giúp nâng cao chất lượng và tính bền vững của sản phẩm ớt Việt Nam.
Các chuyên gia khuyến nghị, ớt Việt Nam sẽ ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, vì thế nông dân, HTX cần chú trọng đầu tư vào quy trình sản xuất, lựa chọn giống tốt, áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng nguồn thu.
Lê Hồng