“Teo tóp” vì Covid-19
Tiền thân là các tổ sản xuất hàng cói, may thảm, xay xát... nhỏ lẻ từ thập niên 1960, đến nay, HTX chiếu cói xuất khẩu Đại Đồng (xã Kim Chính, huyện Kim Sơn) đã ngày một lớn mạnh, tạo việc làm và thu nhập cho gần 1.000 lao động địa phương. Các mặt hàng chủ yếu làm từ lục bình (bèo tây), cói để làm sản phẩm hàng giỏ mềm lục bình, cói ép màu, khung sắt lục bình. HTX liên kết với các làng nghề trên địa bàn huyện Kim Sơn, hoàn thành thành công đoạn cuối gồm: kiểm tra chất lượng, xử lý vệ sinh, đóng hàng và cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước để xuất khẩu.
Ông Trần Đăng Bằng, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc HTX cho biết, với gần 1.000 lao động từ các làng nghề trên địa bàn huyện Kim Sơn, năm 2019, doanh thu của HTX đạt khoảng 50 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động của HTX trở nên teo tóp, èo uột và hết sức khó khăn. Đến thời điểm này, do hạn chế nguyên liệu nhập về và hàng sản xuất ra không tiêu thụ được nên số lao động giảm xuống chỉ còn khoảng hơn 200 người. Hàng hoá không bán được, khó khăn về kinh phí nên cả 7 thành viên HTX buộc phải thế chấp sổ đỏ tài sản riêng để vay ngân hàng, duy trì hoạt động. Thời gian tới chưa biết HTX phải giải quyết như thế nào khi không có nguồn hàng, đơn hàng và khó khăn về kinh phí.
![]() |
Dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến các HTX sản xuất thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình (Ảnh: TL) |
“Từ năm 2019 trở về trước, các mặt hàng cói hoạt động tương đối ổn định, các sản phẩm tiêu thụ đều, thu nhập của lao động bình quân 3,4 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 12/2019 đến nay, do trùng vào dịp nghỉ Tết và nhất là ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên doanh thu của HTX chỉ đạt từ 4 - 5 tỷ đồng, bằng khoảng 10% năm 2019. Nguồn hàng không có, hàng làm ra không tiêu thụ được nên hầu hết người lao động đã gắn bó với HTX từ 5 - 7 năm trước buộc phải tạm dừng và không có thu nhập. Do vậy, chúng tôi kiến nghị với các bộ, ngành, Chính phủ có chính sách hỗ trợ vốn vay để tháo gỡ khó khăn cho các HTX”.
Đề xuất hướng “giải cứu”
Cũng rơi vào khó khăn không kém là HTX Vận tải Ôtô TP Ninh Bình. Ông Trần Quang Nhương, Giám đốc HTX cho biết, HTX thành lập từ năm 1995, chủ yếu là vận tải hành khách. Đến thời điểm này, HTX có hơn 60 thành viên với 70 đầu xe hoạt động vận chuyển khách tại 14 tuyến từ Ninh Bình đi Hà Nội, Lào Cai, Sơn La, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Sài Gòn... và ngược lại cùng 2 tuyến buýt nội tỉnh (TP Ninh Bình - Bái Đính và TP Ninh Bình - Yên Mô - Lai Thành).
“Sau Tết, lượng khách đã giảm khoảng 50%. Từ khi dịch Covid-19 diễn ra, tất cả các hoạt động vận tải của HTX đã đóng băng, không thực hiện được. Kể từ khi thành lập HTX đến nay, đây là thời điểm khó khăn nhất mà chúng tôi phải đối mặt. Để giữ chân người lao động, trong đó chủ yếu là các lái và phụ xe, dù hết sức khó khăn nhưng các thành viên đã phải thế chấp tài sản để vay ngân hàng lấy tiền duy trì hoạt động và chi trả cho người lao động. Hiện, HTX rất cần các cơ quan chức năng có sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ để giảm bớt khó khăn”, ông Nhương kiến nghị.
![]() |
Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các HTX vận tải tỉnh Ninh Bình (Ảnh: TL) |
Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, tính đến hết tháng 3/2020, toàn tỉnh Ninh Bình có 394 HTX, trong đó 299 HTX lĩnh vực nông nghiệp (218 HTX dịch vụ nông nghiệp và 81 HTX chuyên ngành); 56 HTX phi nông nghiệp, 39 quỹ tín dụng nhân dân. Nhìn chung, trong quý I/2020, doanh thu và lợi nhuận của các HTX có biến động mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cụ thể, các HTX lĩnh vực du lịch và 18 HTX vận tải thiệt hại nghiêm trọng, doanh thu giảm khoảng 70 - 80% so với cùng kỳ năm 2019; 3 HTX thêu ren xuất khẩu hàng đi Trung Quốc, từ Tết đến nay dừng không có đơn hàng để làm; 3 HTX sản xuất và xuất khẩu cói cũng sản xuất cầm chừng, giảm 60% doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước những khó khăn này, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình Lê Thị Tâm kiến nghị Liên minh HTX Việt Nam chỉ đạo Quỹ hỗ trợ HTX để các HTX được gia hạn, giảm lãi suất, cơ cấu lại nguồn vốn tháo gỡ khó khăn. Tham mưu đề xuất với Chính phủ, chính quyền các cấp có hỗ trợ cho các đơn vị bị ảnh hưởng trực tiếp về vốn, thiết bị máy móc để chế biến các sản phẩm nông sản, hỗ trợ lưu kho bãi. Vận động, kêu gọi các đơn vị có khả năng, năng lực hỗ trợ, giải cứu các sản phẩm nông sản thông qua khâu chế biến sâu; hỗ trợ tiêu thụ trong nước hiệu quả hơn…
Phạm Duy