Trước kia, Ân Thi vốn là huyện sản xuất nông nghiệp, chịu sự ảnh hưởng rất lớn của thời tiết, khí hậu. Nhưng nhờ sự sáng tạo, cần cù trong lao động, sản xuất kinh doanh với ưu thế tuyến đường QL 38 đi qua đã tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình, các HTX phát triển.
Trụ cột từ HTX
HTX sản xuất và nhân giống nấm Nam Hàn (xã Phù Ủng) là đơn vị tiêu biểu chú trọng sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Với diện tích 6.000 m2, HTX chuyên sản xuất các loại nấm rơm, nấm yến Hàn Quốc, nấm sò vua…
Việc đầu tư máy móc hiện đại giúp HTX hoàn thiện quy trình sản xuất nấm theo công nghệ sinh học, khép kín, không phụ thuộc vào thời tiết và mùa vụ vì thế quá trình sản xuất đạt được hiệu quả cao.
Trung bình mỗi tháng, Nam Hàn cung cấp ra thị trường 5-10 tấn nấm các loại, thị trường chủ yếu là ở Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội. Với doanh thu mỗi năm đạt 3-5 tỷ đồng, HTX không chỉ yên tâm phát triển sản xuất mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức lương trung bình 4-5 triệu đồng/tháng.
Trồng nấm công nghệ cao là một trong những hướng phát triển kinh tế hiệu quả, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. |
Theo Ban giám đốc HTX, các loại nấm vốn là thực phẩm sạch, rất giàu dinh dưỡng, có thể thay thế thịt, cá và là nguồn dược liệu quý, nên đầu tư vào sản xuất, kinh doanh loại nông sản này không quá khó khăn về đầu ra. Chỉ cần chú trọng đầu tư sản xuất theo hướng hiện đại, bảo đảm chất lượng đi đôi với liên kết tiêu thụ thì hiệu quả sản xuất ngày càng được nâng cao.
Không chỉ HTX Nam Hàn, HTX Thủy sản Hạ Lễ (xã Hạ Lễ) cũng là đơn vị nổi tiếng với mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP. Để hỗ trợ thành viên, HTX đứng ra làm đầu mối mua trực tiếp thức ăn chăn nuôi từ các nhà máy (không qua đại lý trung gian), mỗi gia đình thành viên đã được chiết khấu 6 - 7% giá trị sản lượng.
Hoặc khi chung mua con giống đầu vào với số lượng lớn, giá mua cũng hạ hơn đáng kể. Ngoài ra, với tư cách pháp nhân của HTX, các gia đình thành viên sẽ được thuận lợi hơn trong tiếp cận với các nguồn vốn vay từ Nhà nước.
Nhờ tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, HTX đã tạo được sản lượng cá lớn, chất lượng tốt, dễ tiêu thụ sản phẩm, sớm ký được hợp đồng với các đầu mối bao tiêu cá, giúp các thành viên trong HTX chủ động kế hoạch, chủng loại, số lượng cá nuôi ngay từ đầu năm. Trung bình mỗi năm, lợi nhuận từ nuôi cá giúp HTX thu về 2,5 tỷ đồng.
Theo anh Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành HTX Thuỷ sản Hạ Lễ, Ân Thi là địa phương giáp với Thủ đô Hà Nội nên đầu ra cho nông sản của các HTX tương đối thuận lợi. Việc được tạo điều kiện phát triển theo chuỗi giá trị là điểm mạnh để các HTX hoạt động hiệu quả, bền vững.
20 xã và 1 thị trấn của huyện đều nhanh chóng về đích nông thôn mới nhờ chú trọng phát triển các mô hình HTX theo hướng hàng hóa. Mỗi xã đều có ít nhất 2 HTX hoặc 1 HTX, 1 tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị dựa vào việc tận dụng thế mạnh địa phương.
Qua thực tế hoạt động cho thấy sự phát triển của các HTX, tổ hợp tác mang lại những lợi ích kinh tế trực tiếp cho các thành viên tham gia, đồng thời tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, xây dựng nông thôn mới.
Hướng đến nông thôn mới nâng cao
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Ân Thi đã tổ chức chương trình thực hiện từ cấp huyện, xã, thôn. Cùng với đó, việc thành lập Ban chỉ đạo, các tổ chuyên môn và Văn phòng điều phối nông thôn mới đã góp phần nâng hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời triển khai nhiệm vụ để các cấp, các ngành và UBND các xã thực hiện, tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân.
Đến nay, hệ thống giao thông nông thôn được làm mới, mở rộng với tổng chiều dài trên 885km, cơ bản được cứng hoá đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Huyện xây dựng trên 400km kênh mương tưới tiêu mới, có 36/63 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được tăng cường đầu tư theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá.
Tuyến đường nông thôn mới tại xã Đào Dương, huyện Ân Thi. |
Để đạt được thành tích đó, UBND huyện Ân Thi đã chỉ đạo các Phòng, Ban chuyên môn của huyện phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới của tỉnh, Chi Cục phát triển nông thôn tỉnh, Liên minh HTX tỉnh…tổ chức trên 30 lớp tập huấn về công tác xây dựng nông thôn mới cho hơn 1000 người là thành viên Ban chỉ đạo, tổ giúp việc, các cán bộ và thành viên HTX… Từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong xây dựng nông thôn mới cũng như phát triển kinh tế hợp tác, HTX.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị - xã hội tích cực tham gia phát triển kinh tế xã hội. Song song đó, huyện tiếp tục biểu dương và nhân rộng các điển hình sản xuất, các HTX tiên tiến, phát huy tối đa nội lực của dân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn để huyện Ân Thi tiếp tục nâng cao các tiêu chí nông thôn mới.
Như Yến