Nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, quy mô nhỏ của các hộ nông dân, chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn đã đẩy mạnh hình thức cho vay theo tổ nhóm và HTX để mở rộng quy mô từng khoản vay, đồng thời nâng cao khả năng giám sát, quản lý vốn vay và giảm chi phí giao dịch. Tuy nhiên, tỷ lệ HTX, tổ hợp tác (THT) được vay vốn tín dụng thời gian qua là rất thấp.
Khó do không có tài sản thế chấp
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, tính trong 3 năm (từ tháng 7/2013 - 6/2015) cả nước chỉ có 8,83% HTX nông nghiệp được hỗ trợ vay vốn tín dụng và 5,77% HTX nông nghiệp được tiếp cận với Quỹ hỗ trợ HTX.
Phân tích những bất cập từ chính sách tín dụng khiến cho các HTX khó tiếp cận vốn vay, Ts. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEFR), cho biết trong số các HTX được vay vốn từ các ngân hàng thương mại (NHTM), chủ yếu được vay các khoản tín dụng ngắn hạn với số tiền nhỏ, để đáp ứng nhu cầu hoạt động thường xuyên của HTX. HTX nông nghiệp rất khó tiếp cận các khoản tín dụng dài hạn từ các NHTM, do ngân hàng đòi hỏi HTX phải có tài sản thế chấp.
Cần đơn giản các thủ tục và điều kiện cho HTX vay vốn
Ts. Thành dẫn chứng, chẳng hạn với Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn (thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010) quy định về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển HTX được vay ưu đãi nhằm sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết.
Theo đó, HTX, Liên hiệp HTX ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản thế chấp tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án vay theo mô hình liên kết. Tuy nhiên, thực tế HTX vẫn bị ngân hàng yêu cầu phải nộp sổ đỏ mới được vay vốn.
Ngân hàng vẫn xét tài sản của HTX như là một trong những điều kiện để bảo đảm HTX được vay vốn, nhưng HTX thường không có tài sản, hoặc tài sản được Nhà nước giao quản lý (kênh mương, trạm bơm…) thì không được coi là tài sản thế chấp. Ts. Thành cho rằng đang thiếu sự hướng dẫn thực hiện Nghị định này, nhất là hướng dẫn cách tính giá trị của dự án, phương án vay theo mô hình liên kết là một trong những nguyên nhân khiến THT, HTX khó tiếp cận vốn vay.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, nhận định việc các HTX khó tiếp cận được nguồn vốn vay không hoàn toàn có nguyên nhân thuộc về phía ngân hàng. Ngân hàng có nhiều vốn nhưng khó cho vay, bởi đa số các HTX không đáp ứng được những điều khoản, thủ tục cho vay.
Cần đơn giản các thủ tục, điều kiện
Bên cạnh những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các NHTM, tiếp cận với vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cũng gặp khó khăn. Hiện cả nước có khoảng 38 tỉnh, thành phố thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và do Liên minh HTX tỉnh quản lý. Ở Đồng Nai, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX được thành lập nhờ nguồn vốn ngân sách của UBND tỉnh là 30 tỷ đồng, để cho HTX và xã viên vay vốn. Tại An Giang, UBND tỉnh hỗ trợ thành lập Quỹ với số vốn 5 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ HTX nông nghiệp, với điều kiện là HTX phải có dự án, phương án SX-KD hiệu quả, được Sở NN&PTNT và Liên minh HTX thẩm định tính khả thi của dự án, phương án SX-KD của HTX.
Một số HTX được vay vốn ở quỹ này với lãi suất ưu đãi, thủ tục và điều kiện vay đơn giản. Tuy nhiên, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX hiện nay có số vốn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của các HTX. Bên cạnh đó, quy định mới tại Chương 4, Điều 24, Điểm 4 của Nghị định 193 về hướng dẫn thực hiện Luật HTX 2012 thì Quỹ hỗ trợ phát triển HTX chỉ tổ chức bảo lãnh tính dụng, hỗ trợ lãi suất vay vốn của HTX, Quỹ sẽ không cung cấp các khoản vay cho HTX nữa. Điều này sẽ càng khiến các HTX khó tiếp cận được vốn vay.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn của các THT, HTX, cần đơn giản các thủ tục và điều kiện vay vốn. Thay vì yêu cầu phải có sổ đỏ đất và các tài sản thế chấp khác, cần xem xét các điều kiện khác có thể bảo đảm thế chấp để vay vốn ngân hàng. Cho phép DN, HTX, THT, hộ nông dân, trang trại được sử dụng trang thiết bị, cơ sở hạ tầng nhà kính… làm tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng.
Thu Hường