Cuộc gọi điện mời phỏng vấn để kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) đã bị từ chối. Vị doanh nhân trẻ, là giám đốc của một tập đoàn lớn, và cũng là thành viên trong ban điều hành của một hội doanh nghiệp tại Hà Nội, nói vội rằng: "Giờ các doanh nhân trong Hội đều đang tập trung tập trung đi viếng Cụ Giáp, nên có lẽ sẽ không kịp trả lời phỏng vấn Báo rồi. Rất thông cảm cho Hội lần này, các doanh nhân đều muốn dành trọn những ngày trọng đại và thiêng liêng này để hướng tới Cụ với lòng thành kính nhất…".
Trong số những người đã kiên trì cả hàng giờ đồng hồ đứng dưới cái nắng vàng hiu hắt trời Thu trên cung đường Điện Biên Phủ - Hoàng Diệu, ít ai biết đến những vị giám đốc này, những người điều hành doanh nghiệp lớn, quản lý hàng nghìn nhân viên. Bỏ lại những hợp đồng kinh doanh, những dự án có trị giá hàng chục tỷ đồng, bỏ lại cả những lo toan, khó khăn còn dang dở của thương trường khắc nghiệt, những doanh nhân ấy đã muốn được một lần làm một người Việt Nam bình dị như bao người Việt Nam khác. Họ sẽ kiên nhẫn xếp hàng, chờ tới lượt để đi đến ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, được một lần thắp nén tâm nhang ngưỡng vọng tới vị Đại tướng huyền thoại của Nhân dân, người không chỉ làm nên Lịch sử Dân tộc, mà còn là tấm gương sáng cho bao thế hệ về những bài học Sống và Chiến đấu.
Có vị doanh nhân chia sẻ vừa tham dự Chương trình kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 do Câu lạc bộ Nhà Công thương Việt Nam tổ chức, được nghe bức tâm thư cuối cùng mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi cho cộng đồng Doanh nhân Việt Nam, nên càng thấm thía hơn những giá trị, tâm huyết và niềm hy vọng mà Người đã dành cho các doanh nhân. Đặc biệt, những lời nhắn gửi rất thân tình, sâu sắc cùng sự căn dặn hết sức ý nghĩa đối với các doanh nhân nơi thương trường mà Đại tướng đã gửi gắm trước khi đi xa càng đáng trân trọng và có giá trị to lớn. Cùng với đó, chính là sự tự hào, là tinh thần, trách nhiệm to lớn mà Đại tướng đã tin tưởng: "Doanh nhân Việt Nam đã và đang ngày càng khẳng định vai trò là "nhạc trưởng" tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước".
Giữa cái ồn ào, náo nhiệt của phố xá Hà Nội, dường như, ai cũng giấu trong lòng những suy tư, những nỗi niềm và giá trị sống, chiến đấu bất hủ mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại cho đời. Tâm hồn người doanh nhân đứng trong dòng người ấy cũng tĩnh lặng lạ thường, để có thể suy nghĩ nhiều hơn về những giá trị mà vị Tướng huyền thoại của Dân tộc đã gửi gắm. Những lời căn dặn đầy trăn trở của Đại tướng như quanh quẩn đâu đây trong suy nghĩ trầm tư của người doanh nhân: "Mong các đồng chí sẽ giữ vững ý chí vươn lên theo tinh thần luôn luôn đổi mới, luôn luôn sáng tạo, nghĩ những điều chưa ai nghĩ, làm những việc chưa có tiền lệ, với ý thức vượt khỏi những ràng buộc của lối mòn... không ngừng mở rộng tầm nhìn, phát triển thị trường, xây dựng doanh nghiệp vươn tới trình độ khu vực và quốc tế trong thời đại Hồ Chí Minh, xứng danh với truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc".
![]() |
Có lẽ, là người Việt Nam đã sống và trưởng thành cùng quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển của dân tộc, không có ai không biết đến những trận đánh "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy. Thậm chí, tài điều hành và nghệ thuật quân sự lỗi lạc của Đại tướng còn có sức ảnh hưởng lớn cuộc sống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời bình. Trong đó, với thương trường và giới doanh nhân, không thể phủ nhận những triết lý quân sự tài năng của Người cũng đã mang lại những bài học có giá trị to lớn và sâu sắc. Những bài học điều binh, khiển tướng của Đại tướng đã được doanh nhân Robert Grant đưa vào cuốn Phân tích chiến lược đương đại để làm những bài học vận dụng trong xây dựng chiến lược kinh doanh.
Nếu xem thương trường ngày nay như chiến trường xưa, có thể thấy rất nhiều lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam đang bị "thống trị" bởi các tập đoàn lớn của nước ngoài, cũng như đội quân hùng hậu của Pháp và Mỹ đã bao vây và đe dọa lực lượng quân đội nhỏ bé của Việt Nam. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam cũng không có nhiều tiềm lực, nguồn lực mạnh khi có đến 98% doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do vậy, khi Việt Nam hội nhập ra trường quốc tế, trên một sân chơi bình đẳng với những cạnh tranh khốc liệt, thậm chí là cuộc chiến "một sống - một còn" giữa doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn lớn quốc tế, đã có không ít lo ngại trước sức mạnh của các đối thủ lớn trên thế giới.
Ông Cao Sỹ Kiêm - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và cũng là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, là người hiểu rõ nhất những khó khăn của khối doanh nghiệp này khi biết những "yếu thế" của doanh nghiệp là cả về quy mô vốn, công nghệ, thị trường, kỹ năng quản lý… Do đó, ông Kiêm cho rằng việc chuyển hóa tư tưởng, tinh thần của Đại tướng thành lý luận thực tiễn để áp dụng trong hoạt động kinh tế là điều cần thiết.
Đó không chỉ là triết lý "lấy yếu thắng mạnh", tức là phát huy những thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam, lựa chọn thị trường ngách để giành thị phần, mà còn là triết lý "đánh chắc, thắng chắc". Thay vì đánh nhanh thắng nhanh có thể mang lại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp Việt, ông Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng các doanh nhân Việt cần nghĩ đến tư duy chiến lược phát triển bền vững, hiệu quả, chậm mà chắc. Thực tế, nhiều doanh nghiệp một thời phát triển hùng mạnh đứng trước nguy cơ phá sản vì đầu tư dàn trải, ồ ạt vào nhiều lĩnh vực, phát triển nóng là thực tế chứng minh cho chiến lược "đánh chắc, thắng chắc" luôn là cần thiết.
Ông Lâm Chí Quang - Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp ViệtNam (VEAM), người đã vận dụng khá tốt chiến lược này của Đại tướng, đã ví mỗi dự án đầu tư, mỗi thương vụ kinh doanh như một trận đánh. Do đó, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không nghiên cứu kỹ đối thủ "biết mình, biết ta" thì rất khó để thành công.
Trở lại câu chuyện của đoàn doanh nhân đã kiên nhẫn chờ hàng tiếng đồng hồ để vào ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, sau nhiều tiếng đồng hồ, đoàn đã vào đến ngôi nhà để có thể nói với Đại tướng lời hứa danh dự của những Doanh nhân - Chiến sỹ trong thời đại mới, thời đại cống hiến xây dựng kinh tế và phát triển đất nước.
Sau hàng giờ đồng hồ chờ đợi chỉ để được chắp tay vái lạy, nhìn lên di ảnh của Người trong ngôi nhà mà Người đã sống, song khoảng khắc ấy đã khiến không ít doanh nhân ngộ ra rằng: Thì ra, Đại tướng đã đi rồi, nhưng Người vẫn để lại cho Đời một bài học, đó là lòng kiên trì và nhẫn nại với mục đích và ước mơ của mình. Và nhiều Doanh nhân biết để xây dựng doanh nghiệp thành công, xây dựng đất nước giàu mạnh, thì cùng với sự sáng tạo, đổi mới, đó chính là sự bền bỉ và tự tin với "Con đường ta đã chọn"!
----------------------------
Ducan Townson, tác giả cuốn Những vị tướng lừng danh xuất bản ở London, đã viết: "Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Kutudôp, Giucôp…, những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh".
Tướng Peter Mac Donald, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh, đánh giá: "Từ năm 1944-1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính qui. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có".
Tướng Mỹ Westmoreland thừa nhận: "Ông Giáp có tất cả những đức tính của một thống soái quân sự lớn, đó là sự quả đoán, tính kiên quyết, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ và hành động, trí thông minh".
Nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay, trong tác phẩm Chiến thắng bằng mọi giá – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam, sau khi điểm qua quá trình chỉ huy quân đội của vị tổng tư lệnh, đã nhận xét: "Trong suốt thời gian đó, ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20 và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại…
Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ - (xuất bản năm 1993) viết: "Tài thao lược của Tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao… Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử".
TBKD