Sau khi học xong THPT, anh Tuất đã đi nhiều nơi, làm nhiều nghề để mưu sinh và anh đã tìm hiểu được nhiều công việc, nhiều mô hình và cách làm kinh tế hay ở nhiều địa phương. Anh nhận ra rằng: Ở quê mình cũng có thể làm giàu.
Nhận thấy làng Phú Lợi có nghề chế biến nước mắm gia truyền, thơm ngon nức tiếng bao đời nay ở xứ Nghệ. Anh Tuất đã nung nấu ý định làm giàu từ chính nghề truyền thống quê mình.
Làm giàu từ chính quê hương
Làng Phú Lợi hiện có hơn 100 hộ làm nước mắm lâu năm, nhưng lại sản xuất theo hướng nhỏ lẻ, mỗi người làm một cách, vì thế hương vị cũng khác nhau… Vì vậy, anh muốn tập hợp những người trẻ trong làng lại, cùng nhau giữ gìn hương vị truyền thống, chắp cánh thương hiệu nước mắm Quỳnh Dị vươn xa. “Với tôi, nước mắm Quỳnh Dị đã trở thành phần không thể thiếu trong bữa cơm gia đình. Trước đây, tôi cũng như nhiều người dân địa phương đều lo sợ nước mắm truyền thống bị thất truyền, đời con cháu sau này chỉ được thưởng thức qua những câu chuyện kể”, anh Tuất tâm sự.
Năm 2013, anh cùng những người bạn của mình mạnh dạn đứng ra thành lập Tổ hợp tác (THT) thanh niên sản xuất nước mắm Quỳnh Dị với 5 thành viên, đều là những thanh niên đam mê nghề truyền thống quê hương trong làng.
Với phương châm lấy chất lượng, chữ tín là hàng đầu, các anh, các chị đã tuân thủ và sáng tạo trong quy trình làm nước mắm, bảo đảm VSATTP, không sử dụng phụ gia độc hại… nên nước mắm làm có màu vàng sóng sánh, mùi thơm đặc biệt, không thể lẫn lộn với các loại nước mắm ở nơi khác.
Để sản phẩm nước mắm truyền thống Quỳnh Dị đến được với khách hàng và người tiêu dùng, THT đã chuẩn bị các bước để hoàn thiện sản phẩm, như: đánh giá tiêu chuẩn chất lượng, đóng chai ghi rõ nguồn gốc, tham khảo thị trường để đưa ra sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý, hình thành các cơ sở đại lý tiêu thụ hàng hóa… THT cũng đầu tư một số trang thiết bị để bảo quản sản phẩm được tốt hơn. Cuối năm 2013, THT được Tỉnh đoàn Nghệ An hỗ trợ 20 triệu đồng. Đây không chỉ là vật chất đơn thuần mà còn là niềm động viên rất lớn để THT mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ.
Năm 2014, THT mở rộng quy mô sản xuất gấp đôi ban đầu. Những bạn hàng đã dần quen với thương hiệu “Nước mắm thanh niên Quỳnh Dị” nên tìm đến với cơ sở nhiều hơn. Nước mắm do THT làm vẫn giữ được hương vị truyền thống, nhưng có thêm những hương vị mới, Mỗi ngày, cơ sở đều thuê từ 2 - 3 công nhân, với mức lương trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. Chưa kể những vụ mùa, cơ sở phải thuê tới 10 - 12 lao động, đỉnh điểm có ngày cơ sở thuê tới 15 lao động. THT đã trực tiếp tạo công ăn, việc làm cho những lao động nông nhàn tại địa phương.
![]() |
Cơ sở sản xuất nước mắm của THT
Mô hình THT tiêu biểu
Cũng trong năm 2014, THT thanh niên sản xuất nước mắm Quỳnh Dị vinh dự nhận được Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về Mô hình CLB, THT thanh niên tiêu biểu toàn quốc.
Anh Tuất nhẩm tính: “Mỗi năm THT thu mua 30 - 40 tấn cá làm nước mắm, sản phẩm làm ra tới đâu đều có khách hàng về tận cơ sở để lấy, thu về khoảng 300 - 350 triệu đồng”. Anh Tuất cho biết riêng trong dịp Tết Bính Thân vừa qua, THT bán ra thị trường 1.500 lít nước mắm, thu về hơn 90 triệu đồng. Ngoài sản xuất nước mắm, THT còn sản xuất mắm tôm. Mỗi năm THT thu mua 15 tấn tôm và moi biển để sản xuất mắm tôm.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, THT cũng thường xuyên tổ chức sinh hoạt với các hộ gia đình sản xuất nước mắm trong làng để trao đổi, thảo luận, chia sẻ cho nhau nhiều kinh nghiệm trong chọn nguyên liệu, bảo quản, bảo đảm vệ sinh, cách lọc nước mắm… để bảo đảm chất lượng nước mắm thơm, ngon, giữ gìn được hương vị nước mắm truyền thống và quan trọng là khẳng định được thương hiệu nước mắm trên thị trường để mọi người tin tưởng, sử dụng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, các thành viên trong THT còn là những thanh niên năng động, biết tập hợp, phát huy sức mạnh đoàn kết trong thanh niên địa phương. THT cũng đã được BCH Đoàn phường Quỳnh Dị lựa chọn để nhân rộng cho các đoàn viên, thanh niên tại địa phương học tập, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Anh Hồ Sỹ Vương - Bí thư đoàn phường Quỳnh Dị, cho biết: “THT ra đời, đã mở ra một hướng đi mới cho thanh niên địa phương, dựa trên những điều kiện thuận lợi hiện có của địa phương, phát huy các nghề truyền thống, cùng góp vốn thành lập các mô hình kinh tế. Đây là mô hình tiêu biểu cho thanh niên xung kích lập thân lập nghiệp, chung tay, chung sức xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị trong giai đoạn hiện nay”.
Hồng Quân