Trong cuộc làm việc vừa qua với một mô hình HTX chuyên kinh doanh chợ truyền thống là Liên hiệp HTX Việt Nam (VCU), Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết: "Nhiều HTX, liên hiệp HTX chợ được thành lập, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm tiểu thương và những người làm việc liên quan, góp phần thúc đẩy các mô hình kinh tế hộ của vùng”.
Phải cạnh tranh gay gắt
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh nhìn nhận mặc dù các trung tâm thương mại mọc lên rất nhiều nhưng chợ truyền thống vẫn có một vị thế riêng. “Tại Việt Nam thì thương mại truyền thống vẫn là cơ bản và cốt lõi. Hiện, số lượng chợ trên cả nước là hàng chục nghìn, nhất là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới với gần 10.000 xã hiện nay, tiêu chí mỗi xã phải có một chợ”.
Việc giao chợ cho HTX đầu tư, khai thác đang là mô hình kinh doanh thay thế và ngày càng thể hiện những lợi thế không thể bỏ qua |
Do vậy, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh đánh giá cao việc VCU tham gia đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực chợ không chỉ là lĩnh vực kinh tế, mà còn là nhiệm vụ chính trị, ổn định xã hội, góp phần chuyển dịch kinh tế xã hội vùng nông thôn.
Hiện nay, việc cho phép mô hình HTX tham gia ban quản lý chợ diễn ra dễ dàng và thuận lợi hơn so với việc cho tư nhân đấu thầu các loại hình chợ, vì mô hình quản lý mới đảm bảo duy trì được nguồn vốn của Nhà nước. Nếu HTX bị giải thể, nguồn vốn của Nhà nước không bị mất đi mà được giao lại cho địa phương quản lý theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, nhờ chủ động về nguồn tài chính nên các HTX sẽ thuận lợi hơn khi tiến hành nâng cấp, đầu tư trang thiết bị, điều hành quản lý chợ, không còn tình trạng trông chờ, phụ thuộc vào nguồn ngân sách của nhà nước.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ nhiều HTX, liên hiệp HTX tự nguyện tập hợp các HTX, tự góp vốn để thành lập, tự mày mò tìm kiếm cơ hội đầu tư và kết nối thị trường tiêu thụ nông sản và khi cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn để được tham gia đầu tư xây dựng chợ lại tồn tại không ít khó khăn.
Ông Lê Quang Trung, Tổng giám đốc VCU cho biết, việc đấu thầu các dự án xây dựng chợ gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn, trong khi mục tiêu của VCU lại là chung tay gỡ khó để tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản, giúp cho các HTX thành viên và các đơn vị liên kết cũng như người dân tăng thêm lợi ích, yên tâm sản xuất.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh tham quan cơ sở vật chất của VCU |
“Tạo gói kích thích”
Cũng gặp không ít khó khăn về đầu tư, quản lý khai thác nhưng đến nay, HTX dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Cường đã đưa chợ Hòa Cường (TP Đà Nẵng) đi vào hoạt động ổn định với gần 300 tiểu thương kinh doanh thường xuyên.Là người tâm huyết với mô hình kinh doanh chợ, ông Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Hòa Cường cho biết: “Trước đây, HTX hoạt động thiếu nhạy bén, chỉ hoạt động trong phạm vi an toàn nên chưa tạo hiệu quả cao”.
Theo ông Đức, từ khi được áp dụng mô hình quản lý trực tuyến tại chợ và mở thêm dịch vụ kinh doanh gạo đã tạo điều kiện cho thành viên phát triển kinh tế và thực sự có những chuyển biến tích cực trong hoạt động của mình về việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tìm hướng đi tích cực để mang lại giá trị kinh tế cho thành viên.
Ngoài ra, khi việc quản lý chợ được giao cho HTX khai thác, đầu tư, mô hình hội đồng quản trị của HTX được áp dụng. Theo đó, hình thức vay vốn thông qua hoạt động tín dụng nội bộ đã được HTX áp dụng tốt, góp phần hạn chế, ngăn chặn được tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen liên quan đến bảo kê vẫn thường xuất hiện ở các chợ truyền thống.
Bà Nguyễn Thị Ánh Như, tiểu thương ngành hoa tại chợ Hòa Cường cho biết: “HTX cho chị em vay tín chấp khoảng từ 20-50 triệu đồng để mở rộng kinh doanh với lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng. HTX cũng chú trọng đến công tác đào tạo, tổ chức cho chị em học tập các nghiệp vụ bán hàng, chăm sóc khách hàng, tìm hiểu các nghiệp vụ về hoa; kết nối giao thương giữa các hộ kinh doanh hoa với các nông dân trồng hoa, trao đổi, phổ biến kiến thức để chăm sóc hoa đẹp, tươi lâu hơn...”.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh: “Người dân vẫn tìm mua hàng ở các chợ truyền thống vì sự tươi ngon, giá cả thấp và linh hoạt. Khi giao mô hình quản lý chợ cho các HTX sẽ hạn chế được những bất cập của chợ truyền thống liên quan đến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ… và quan trọng hơn là giảm gánh nặng tài chính đối với ngân sách địa phương khi không phải trả lương cho cán bộ, để từ đó có nguồn vốn bổ sung cho xây dựng và nâng cấp chợ hàng năm”.
Và để hỗ trợ các HTX trong thời gian bắt đầu đầu tư, khai thác chợ, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng có thể xem xét thêm các chính sách ưu đãi, chẳng hạn như cho phép các HTX được vay vốn thông qua chương trình kích cầu đầu tư, vay vốn từ Quỹ hỗ trợ HTX. Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ của địa phương cũng rất quan trọng như miễn thuế, giảm tiền thuê đất trong thời gian nhất định, cho thuê nhà trả góp hoặc hỗ trợ về mặt bằng hoặc bán chỉ định đất để HTX làm trụ sở hoạt động.
Long Biên