Sinh ra và lớn lên ở làng nghề truyền thống Việt Cường (Đồng Hỷ, Thái Nguyên), tuổi thơ của anh Nguyễn Văn Ba gắn liền với những thùng bột dong, cối xay, xoong nồi và những tấm vỉ tre phơi miến, mà cuộc sống của gia đình anh vẫn khó khăn thiếu trước, hụt sau… Lớn lên với ý chí của thời trai trẻ, anh đã xin phép bố mẹ, lên đường “Nam tiến” để làm giàu.
Trăn trở tìm lối đi
Nguyễn Văn Ba đã từng làm nhiều nghề, như sửa chữa, kéo dây điện, nhưng không hợp khả năng và vẫn… chẳng đủ ăn. Sau nhiều đêm trăn trở, anh nghĩ tại sao làng mình có nghề truyền thống mà không phát huy. Vậy là anh quyết định về làng, với quyết tâm đi lên bằng chính nghề truyến thống.
Khi bắt tay vào công việc mới thấy hết sự khó khăn vất vả, đúng như câu thành ngữ “vạn sự khởi đầu nan”. Nguyễn Văn Ba thiếu từ đồng vốn cho đến các công cụ sản xuất thủ công đơn giản, phải sắm sửa lại từ đầu, miến làm ra năng xuất thấp, mẫu mã không đẹp, chỉ bán quanh quẩn tại chợ xã, chợ huyện, lời lãi chẳng được bao nhiêu.
Những ngày ở miền Nam, ra chợ anh thấy miến dong của họ là ra mẫu mã và bao bì đẹp, trông thật bắt mắt, nên bán được số lượng rất lớn; nhất là trong những dịp lễ Tết… Anh ao ước có một nhà máy để sản xuất miến với quy mô lớn, nhưng thiếu vốn, không có máy móc, kỹ thuật…
Qua tìm hiểu, tư vấn, anh thấy mô hình HTX với nhiều người góp vốn, góp sức vào sản xuất là phù hợp nhất. Được sự giúp đỡ và tư vấn của Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, anh bàn bạc với anh em trong gia đình và rủ thêm một số bạn bè, hàng xóm để thành lập HTX.
Năm 2007, HTX Miến Việt Cường ra đời, lúc đầu chỉ có 7 xã viên và vốn góp được hơn 10 triệu đồng. Có HTX, sản lượng miến làm ra đã tăng lên, song mức tiêu thụ vẫn rất chậm. Qua tìm hiểu thị trường, anh thấy miến bán trên thị trường có màu trắng tinh sẽ tiêu thụ được nhiều hơn. “Làm ra miến trắng không khó, chỉ cần thêm vào chất tẩy trắng là được, nhưng như vậy sẽ không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”, anh Nguyễn Văn Ba cho biết.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định vẫn giữ vững cách làm miến với màu tự nhiên truyền thống, nhưng phải tìm cách vươn ra thị trường lớn như Tp.Thái Nguyên, Hà Nội và đưa được miến vào các siêu thị lớn. Muốn vậy, việc đầu tiên là phải hướng dẫn công nhân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình làm miến sạch, lọc kỹ bột bằng nước sạch và đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu bao bì cho sản phẩm.
Từ khi có bao bì và thương hiệu, sản phẩm của HTX tiêu thụ được nhiều hơn, kể cả các tỉnh ngoài. Với mẫu mã đẹp, chất lượng miến ngon, có thương hiệu, địa chỉ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm miến sạch của HTX được người tiêu dùng tin dùng.
Khi lượng tiêu thụ miến ngày một nâng cao thì phương pháp sản xuất thủ công không đủ cung cấp cho thị trường trong tỉnh, chứ chưa nói vươn ra được tỉnh ngoài.
Không ngừng cải tiến, sáng tạo
Trước tình hình đó, Giám đốc Nguyễn Văn Ba bàn bạc cùng HĐQT HTX đầu tư nghiên cứu, cải tiến quy trình sản xuất miến thủ công; bắt đầu bằng việc chế tạo máy khuấy bột, máy ép miến bằng thủy lực.
Trực tiếp Giám đốc Nguyễn Văn Ba xung phong nhận trách nhiệm sáng tạo này. Tuy nhiên, khi bắt tay vào công việc, anh không biết bắt đầu từ đâu. Qua tìm hiểu, anh biết một số nơi có dây chuyền sản xuất bún, miến hiện đại, anh đến tận nơi tìm hiểu. Nhưng dây chuyền sản xuất của họ quá hiện đại, HTX lại không có nhiều tiền để mua máy. Vậy là, anh mày mò tìm cách làm dây chuyền đơn giản nhưng vẫn hiệu quả.
Sau hàng chục lần cải tiến, sửa chữa, thử nghiệm thất bại, có lần phải đổ đi hàng trăm kg bột dong loại tốt, tiếc đứt ruột… cuối cùng, anh cũng tìm ra được bí quyết để thành công, sản lượng miến đã tăng lên gấp mấy chục lần.
![]() |
Giám đốc Nguyễn Văn Ba kiểm tra chất lượng đóng gói sản phẩm miến dong sạch Việt Cường
Tuy nhiên, một khó khăn mới đặt ra là HTX rất thiếu dụng cụ và sân phơi. HTX đã xây một lò sấy miến để giảm bớt công đoạn đem phơi thủ công dài ngày, nhưng đều không mang lại hiệu quả.
Một lần nữa, HĐQT lại phải ngồi lại để tính toán, góp thêm đất mới để mở rộng sân phơi lên 6.000 m2 và 1.000 m2 nhà xưởng. Nhưng để làm hết diện tích sân phơi này mà phải vận chuyển, đi phơi bằng thủ công thì mất rất nhiều lao động, không hạ được giá thành sản phẩm. Giám đốc Nguyễn Văn Ba một lần nữa lại mày mò nghiên cứu, tự chế tạo ra hệ thống dây chuyền sản xuất miến tự động bằng băng tải inox sạch sẽ, vệ, sinh, nâng công xuất sản xuất miến từ 300 kg/ngày lên 1 tấn/ngày.
Hình thành chuỗi giá trị
Để bảo đảm được lượng bột dong sản xuất miến quanh năm, nhất là các dịp lễ Tết, HĐQT và Giám đốc Nguyễn Văn Ba phải lặn lội lên các tỉnh miền núi xa xôi như Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Hà Giang để ký hợp đồng thu mua dong trong các hộ nông dân có sản lượng lớn, các THT, HTX để cung cấp bột dong bảo đảm chất lượng cho HTX.
Trong hợp đồng kinh tế có cam kết HTX đầu tư một phần giống, phân bón cho các hộ nông dân trồng dong giềng và thu mua bột với giá cao hơn thị trường từ 2 - 3%... Nhờ vậy, HTX đã bảo đảm được hàng nghìn tấn bột sản xuất trong cả năm…
Để mở rộng thị phần tiêu thụ sản phẩm, HTX đã liên hệ ký kết nhiều hợp đồng với các siêu thị và các nhà phân phối lớn trong cả nước, như Saigon Coop, Intimex (Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Đăk Lăk), Dabaco Bắc Ninh, Fivimax và Harpro Hà Nội… Để vào được các siêu thị lớn như trên, HTX đã đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, thiết kế mẫu mã bao bì đẹp và bảo đảm nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật chế biến sạch.
HTX đã áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kinh doanh, nhờ đó công tác quản lý được nhanh chóng, chính xác, kiểm tra được hệ thống tài chính công khai, minh bạch, bảo đảm cho sự phát triển lành mạnh và bền vững.
Kinh nghiệm phát triển và mở rộng thị trường
Qua gần 10 năm xây dựng, phát triển sản xuất và tiếp cận thị trường, đến nay, HTX đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012, có 15 thành viên góp vốn trên 6 tỷ đồng và trên 20 người lao động thường xuyên. Doanh thu hàng năm của HTX đạt trên 10 tỷ đồng, bước đầu thu lãi ròng trên 2 tỷ đồng/năm và nộp ngân sách mỗi năm trên 100 triệu đồng. Lương của công nhân đạt trên 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Sản phẩm miến sạch Việt Cường hiện đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và tin dùng. Hiện ở mỗi tỉnh, HTX đều có một nhà phân phối.
Chia sẻ về kinh nghiệm thành công, Giám đốc Nguyễn Văn Ba phấn khởi cho biết: “Kinh nghiệm của HTX là tranh thủ sự lãnh đạo, giúp đỡ của lãnh đạo địa phương, chấp hành nghiêm chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, tăng cường liên kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ với DN, HTX… Đặc biệt là nội bộ phải đoàn kết nhất trí, chung sức, chung lòng góp sức, góp tiền, đất đai để phấn đấu vươn lên làm giàu bằng chính sức lực và trí tuệ của mình. Sản xuất, giao dịch phải giữ chữ tín, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không làm ăn gian dối, manh mún”.
Giám đốc Nguyễn Văn Ba cũng cho biết hiện thị trường đầu ra của HTX không khó. Sản phẩm miến của HTX đưa ra đến đâu, thị trường tiêu thụ hết đến đó, khả năng phát triển mở rộng thị trường còn rất lớn. Vừa qua, HTX đã làm thêm mặt hàng mỳ gạo, tiêu thụ cũng rất tốt và đã phát triển hai chi nhánh sản xuất mỳ Việt Cường, sản lượng 100 tấn/năm, tạo công ăn việc làm thêm cho 15 lao động.
HTX đang làm đề án để vay vốn của Quỹ hỗ trợ HTX của Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên và Liên minh HTX Việt Nam để nâng cấp sân phơi lên 2 tầng hoặc làm mái che di động để có thể làm miến quanh năm, không sợ những ngày mưa phải nghỉ việc.
Đối với xã viên và người lao động, HTX luôn coi trọng công tác động viên thi đua khen thưởng, khuyến khích những công nhân có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất. Riêng Giám đốc Nguyễn Văn Ba đã được tặng thưởng nhiều Bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam; Bằng Lao động sáng tạo của Trung ương Đoàn và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…
Bích Hường