Từ năm 2016 đến nay, nông dân huyện Mai Sơn đã chuyển đổi hơn 5.000 ha đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, lợi nhuận trên mỗi ha đất canh tác đạt từ 300 - 500 triệu đồng/năm.
Hình thành các HTX chuyên canh trái cây
Đến HTX Mé Lếch ở xã Cò Nòi, chúng tôi được chiêm ngưỡng những vườn na lúc lỉu quả. Ông Nguyễn Hữu Tứ, Giám đốc HTX Mé Lếch cho biết, HTX đã tập hợp được hàng chục hộ thành viên thuộc các dân tộc Mông, Thái, Mường, Kinh hợp tác canh tác trồng na trên diện tích đất 50 ha.
Mô hình trồng na ở HTX Mé Lếch |
HTX đảm nhiệm các khâu kỹ thuật, đầu ra quảng bá sản phẩm, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với thương lái. Đồng thời, HTX đăng ký tem nhãn sản phẩm chung, kiểm soát quy trình sản xuất và cấp tem nhãn truy xuất nguồn gốc cho các hộ dán lên từng quả na.
Nhờ có chứng nhận và tem, nên giá na xuất bán cao hơn so với sản phẩm không tem nhãn.
Tại đây, những giống na mới đem về, trồng chỉ 3 năm là đã cho thu hoạch, một đời cây na thu hoạch đến 20 năm tuổi. Bình quân 1 ha trồng na cho thu hoạch 14 - 20 tấn quả, đạt doanh thu 700 - 900 triệu đồng, lợi nhuận 400 - 500 triệu đồng.
Tại xã Cò Nòi còn có HTX bưởi, nhãn an toàn 8X Thống Nhất với 12 thành viên, với trên 30 ha đất trồng các loại cây ăn quả: nhãn, bưởi da xanh, bưởi Diễn, xoài Đài Loan, xoài Thái... Toàn bộ 10 ha diện tích trồng nhãn của HTX đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.
Ông Đoàn Thanh Thuận, Giám đốc HTX bưởi, nhãn an toàn 8X Thống Nhất cho biết, năm ngoái, HTX đã xuất ra thị trường hơn 100 tấn nhãn, 50 tấn xoài, 25 tấn bưởi..., bình quân mỗi thành viên thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Toàn bộ sản phẩm được HTX lo toàn bộ khâu tiêu thụ. Nhờ đầu tư chuyển đổi đất trồng ngô, sắn sang trồng nhãn nói riêng, cây ăn quả nói chung, thu nhập tăng lên gấp hàng chục lần.
Ông Lò Văn Biên, Bí thư Đảng ủy xã Cò Nòi cho hay, Cò Nòi có lợi thế địa hình tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho hình thành vùng sản xuất nguyên liệu lớn, quy mô tập trung. Trong những năm qua, xã Cò Nòi tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, khuyến khích thành lập các HTX, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm...
Cò Nòi hiện có 16 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, là đầu mối chuyển giao khoa học kỹ thuật, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất. Đến nay, trên địa bàn xã đã và đang hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, với trên 1.110 ha cây ăn quả, 2.445 ha cây mía, 23 ha cây chanh leo, hơn 20 ha dâu tây.
Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đời sống nhân dân từng bước cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo tại xã Cò Nòi giảm rất nhanh, đến nay chỉ còn hơn 4% hộ nghèo.
Chuyển đổi hơn 5.000 ha cây trồng
Trưởng phòng NN&PTNT Cầm Văn Thắng cho biết, huyện Mai Sơn có diện tích tự nhiên 142.670 ha, với 37.774 hộ dân, trong đó số hộ dân tộc thiếu số là 27.220 hộ, chiếm tỷ lệ 72,06%.
Từ năm 2016, huyện Mai Sơn thực hiện chủ trương của tỉnh Sơn La chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả sang những cây trồng cho giá trị kinh tế cao.
HTX bưởi, nhãn an toàn 8X Thống Nhất sắp bước vào vụ thu hoạch nhãn với hy vọng được mùa được giá |
Nếu như năm 2015, huyện Mai Sơn mới chỉ có 2.500 ha cây ăn quả thì sau gần 5 năm triển khai chuyển đổi, đến nay toàn huyện đã có 7.600 ha cây ăn quả các loại, gồm các loại cây chủ lực: 2.512 ha xoài; 2.237 ha nhãn, 439 ha cây có múi; 476 ha mận; 269 ha chanh leo; 945 ha sơn tra; 138 ha na dai…
Theo ông Thắng, hiện trên địa bàn huyện Mai Sơn có 108 HTX, gồm: 88 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 20 HTX hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại, tín dụng. Tổng vốn điều lệ bình quân của các HTX là 2,5 - 2,7 tỷ đồng.
Các HTX lĩnh vực nông nghiệp cơ bản hoạt động hiệu quả, giá trị trên 1 ha đất canh tác thu được khoảng 300 - 350 triệu đồng/năm. Điển hình như: HTX nông nghiệp Bảo Khánh, HTX Đoàn Kết Chiềng Mung, HTX Ngọc Lan, HTX Cam Nà Sản, HTX Mé Lếch Cò Nòi, HTX Thanh Sơn Cò Nòi… góp phần không nhỏ vào tăng tổng giá trị kinh tế hàng năm của huyện.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ngô sắn sang trồng cây ăn quả đã đưa lợi nhuận trên mỗi ha diện tích canh tác lên cao gấp hàng chục lần trước đây.
Sản phẩm trái cây hàng hóa không chỉ tiêu thụ trong nước, mà huyện và người dân đã nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu nhiều sản phẩm. Hiện nay, các sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn như: xoài, nhãn, bơ, thanh long... xuất khẩu sang 16 nước, trong đó có: Trung Quốc, Campuchia. Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Anh…
Đặc biệt, tháng 6 vừa qua, huyện Mai Sơn đã xuất khẩu lô 30 tấn xoài đầu tiên sang thị trường Mỹ. Đây là minh chứng cho những chính sách phát triển nông nghiệp hiệu quả của tỉnh Sơn La trong những năm qua và những nỗ lực của các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Hiện nay, nông dân ở Mai Sơn đang tập trung thu hoạch và tiêu thụ nhãn. Thời gian qua, huyện Mai Sơn đã tập trung hỗ trợ xây dựng các chuỗi sản xuất theo quy trình an toàn, tăng cường quản lý mã vùng trồng nhãn xuất khẩu; hỗ trợ các HTX về bao bì, tem nhãn, cơ sở hạ tầng để sơ chế sản phẩm, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản… Đồng thời, huyện giao HTX nhãn chín muộn Chiềng Mung làm đầu mối, phối hợp với HTX Thanh Sơn, HTX bưởi, nhãn an toàn 8X Thống Nhất, HTX Đoàn Kết, HTX Đại Phát tổ chức thu gom nhãn xuất khẩu.
Sản phẩm cây ăn quả bước đầu đã khẳng định được lợi thế trên mọi địa hình của huyện, từ cao nguyên đến đồi dốc, đồi đá, ngoài mục đích phát triển kinh tế, còn làm tăng độ che phủ, chống xói mòn, bảo vệ môi trường.
“Cũng từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân vươn lên làm giàu. Việc chuyển đổi trồng và phát triển vùng cây ăn quả đã tạo việc làm cho người dân địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện Mai Sơn đạt trên 35 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm, còn khoảng 17%”, ông Cầm Văn Thắng thông tin.
Chu Khôi