Bà Lê Thị Loan, Giám đốc HTX Nuôi trồng, thu mua, xuất nhập khẩu thủy hải sản Loan Hoan (Hà Tĩnh) cho biết, nếu như mọi năm, mặt hàng ngao của HTX đưa ra thị trường rất tốt thì năm nay, dù gần đến Tết nhưng hàng hóa bán ra chưa như mong đợi. Điều này buộc HTX phải thận trọng trong sản xuất kinh doanh vào những tháng cuối năm.
Lo lắng sức mua yếu
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc HTX Nông sản dược liệu Mạnh Hương (Lào Cai), cho biết do sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nông đặc sản ở địa phương như thịt trâu, bột nghệ… nên mọi năm từ tháng 10 trở đi, các thành viên HTX luôn trong tư thế làm không kịp trả đơn hàng cho khách. Nhưng năm nay, dù đã đẩy mạnh tiếp cận khách hàng bằng nhiều cách như trực tiếp và trực tuyến thì đầu ra vẫn chưa được như cùng kỳ của mọi năm. Chẳng hạn như thịt trâu gác bếp 3 tháng cuối năm, mỗi tháng HTX có thể xuất 600-700kg nhưng năm nay, hết tháng 10 HTX chỉ tiêu thụ được khoảng 200 kg.
Không chỉ vào thời điểm hiện nay mà nhiều HTX cũng cho rằng, lực bán nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm từ đầu năm đến nay đều giảm. Thậm chí có HTX dù đã đẩy mạnh tham gia các hội chợ ở các tỉnh thành nhưng chỉ có người vào tham quan gian hàng, còn lượng mua hàng không lớn, thậm chí doanh thu không đủ bù chi phí đầu tư trong những ngày diễn ra hội chợ. Chính vì vậy mà nhiều HTX đang lo lắng rằng mục tiêu kinh doanh năm sau cao hơn năm trước có khả năng khó thành hiện thực.
Người tiêu dùng cân đối chi tiêu tạo áp lực cho HTX trong sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm. |
Sự lo lắng của các HTX về lực cầu thị trường cũng đã được chứng minh thông qua số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam khi cho biết, có đến 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính, tăng khoảng 7% so với giai đoạn bình thường mới sau dịch Covid-19.
Số liệu này đã cho thấy, dù Tết Nguyên đán là thời điểm mua sắm lớn trong năm nhưng những khó khăn của người tiêu dùng trong nền kinh tế hiện nay nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng sức mua chung của thị trường. Dự báo của Kantar cũng cho rằng, thị trường Tết 2024, người tiêu dùng sẽ không chi tiêu ồ ạt mà sẽ mua sắm cầm chừng, kể cả trong thời gian cao điểm.
Thận trọng trong sản xuất kinh doanh
Trước bối cảnh thị trường đang đi theo hướng nghiêng về người mua, các chuyên gia cho rằng bất kỳ một hoạt động nào của các HTX, nhất là những HTX đang sản xuất, kinh doanh theo hình thức bán lẻ cũng cần có hiểu biết sâu sắc về chuyển dịch trong xu hướng hành vi của người tiêu dùng.
Theo đó, ở bất kỳ thời điểm nào, giá cả luôn là điều quan tâm hàng đầu đối với người tiêu dùng trong nước. Đặc biệt hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, người tiêu dùng có thể dễ dàng so sánh giá từ nhiều địa chỉ bán hàng khác nhau. Do đó, làm sao để giá cả hàng hóa vừa bảo đảm hài hòa, vừa hỗ trợ khách hàng sẽ là ưu điểm cạnh tranh cho các HTX trong giai đoạn này.
Một điều cần lưu ý đó là trong cao điểm sản xuất kinh doanh, các HTX, doanh nghiệp đều phải tập trung cao độ để đảm bảo doanh thu, lợi nhuận. Và dù vô tình hay cố ý thì vẫn có thể xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thực tế trong năm nay, đã có những vụ việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm như ngộ độc bánh Mì Phượng (Quảng Nam), ngộ độc bánh bông lan của một doanh nghiệp ở TP HCM. Điều này đã nói lên rằng dù các đơn vị kinh doanh đã xây dựng được thương hiệu thì những thực phẩm được sản xuất theo hình thức thủ công khi vào cao điểm buôn bán cũng khó tránh khỏi những thách thức về an toàn vệ sinh thực phẩm. Những vụ việc như thế này dù thỉnh thoảng mới xảy ra, nhưng trong mỗi vụ, số người bị ngộ độc thực phẩm có thể rất lớn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu và sức mua của HTX tại thời điểm đó cũng như sau này.
Tuy nhiên, theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nếu các HTX vẫn thực hiện sản xuất và kinh doanh theo quy trình. Các nguyên liệu từ đầu vào đến đầu ra được truy xuất nguồn gốc rõ ràng sẽ giúp giảm thiểu được rủi ro và nâng cao trách nhiệm trước cộng đồng, người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh cho rằng, dù sức mua của người tiêu dùng có giảm đi chăng nữa thì HTX vẫn luôn đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu. HTX cũng sẽ tập trung vào kinh doanh phân phối những mặt hàng thiết yếu, giữ mức giá bán ra ổn định và thực hiện liên kết với các HTX, nhà phân phối khác để thực hiện các chương trình giảm giá, hỗ trợ phí ship, tặng quà…
Vừa lo lắng làm sao để thu hút khách hàng nhưng các HTX cũng không khỏi lo lắng khi vào cuối năm, nhu cầu đầu tư lớn nhưng làm sao để bảo đảm nguồn vốn sản xuất kinh doanh cuối năm cũng là vấn đề quan tâm của các HTX.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện lãi suất bình quân của những khoản vay mới bằng VND đã giảm khoảng 2 - 2,2% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, ở góc độ là các đơn vị sản xuất kinh doanh với quy mô nhỏ và vừa, các HTX vẫn mong muốn lãi suất vay giảm thêm để có thể hỗ trợ HTX vào cao điểm cuối năm.
Bà Lê Thị Loan, cho biết HTX đang vay ngân hàng Agribank và ACB Hà Tĩnh với số tiền lên đến 4 tỷ đồng. "So với đầu năm hiện lãi suất cho vay đã giảm nhưng với chúng tôi như vậy là còn khá cao. Các thành viên đều mong muốn lãi suất cho vay tiếp tục giảm để hỗ trợ HTX tái đầu tư sản xuất vì hiện từ đầu năm đến nay, thị trường đầu ra cho con ngao rất khó khăn, nuôi trồng lại bị tác động mạnh của thời tiết" bà Loan nói.
Theo các chuyên gia, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tại một số ngân hàng đã giảm, chỉ còn khoảng 6%/năm nhưng HTX vẫn khó khăn khi tiếp cận tín dụng. Trong khi trên cả nước đã có đến 30.000 HTX, nhu cầu về vốn để HTX mở rộng sản xuất kinh doanh là không hề nhỏ, nhất là vào cao điểm cuối năm.
Chính vì vậy, trong bối cảnh sức cầu yếu, kinh tế khó khăn, đặc biệt là lãi suất các khoản vay cũ còn cao, thì thay vì giảm lãi suất cho vay trong thời gian ngắn từ 6-12 tháng, các ngân hàng nên xem xét giảm lãi suất cho HTX vay dài thời hạn hơn, khoảng 24 tháng để không gây áp lực cho HTX, giúp HTX có thời gian cân đối nguồn vốn.
Huyền Trang