Trong thỏa thuận Dự án "Chung tay phát triển HTX" giai đoạn 2013 - 2017 với Tổ chức Socodevi (Canada), năm 2013, Liên minh HTX tỉnh An Giang được Tổ chức quốc tế này tài trợ "cả gói", bao gồm hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí cho các khóa tập huấn nâng cao năng lực HTX và các hoạt động khác. Trong đó, đáng kể nhất là Chương trình xây dựng mô hình kiểu mẫu cho Liên hiệp HTX Nông nghiệp An Giang và 4 HTX, là HTX Phú Thạnh (huyện Phú Tân), HTX Hòa Thuận (huyện Châu Phú), HTX Thuận Quới (huyện Chợ Mới) và HTX Tân Hậu (thị xã Tân Châu).
Về kết quả Dự án "Chung tay phát triển HTX" trong năm 2013, với kinh phí Socodevi tài trợ gần 180 triệu đồng, Liên minh HTX tỉnh An Giang đã tổ chức 12 lớp tập huấn về Luật HTX 2012, công cụ quản lý và kỹ năng điều hành HTX… cho 730 lượt người. Ngoài 332 lượt cán bộ Liên minh HTX, cán bộ điều hành và thành viên của 56 HTX, thì điểm đặc biệt nhất là có sự tham gia của 398 lượt cán bộ chính quyền và nông dân trong tỉnh. Các chuyên đề tập huấn gắn liền với bối cảnh thực tiễn HTX của Socodevi đã giúp khu vực HTX và cộng đồng xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm về HTX; phổ cập những kiến thức cơ bản và kinh nghiệm hoạt động từ mô hình HTX Canada.
Đối với các hoạt động khác, Chương trình đặt mục tiêu xây dựng các HTX kiểu mẫu, để ưu tiên thực hiện công tác hỗ trợ, như tuyên truyền vận động chính sách HTX, xây dựng chiến lược phát triển HTX, tư vấn dự án sản xuất kinh doanh, hoạt động sổ sách tài chính…
Cửa hàng vật tư nông nghiệp mở mới theo dịch vụ HTX kiểu mẫu ở An Giang
Trong khuôn khổ Chương trình, cũng tổ chức thi tìm hiểu Luật HTX 2012 giữa 4 HTX kiểu mẫu, giúp cho các thành viên HTX hiểu rõ hơn về vai trò, quyền và nghĩa vụ của mình với tổ chức HTX. Đặc biệt, sau khi các thành viên HTX thấy rõ lợi ích khi tham gia HTX, đã cùng quan tâm, gắn kết để cùng nhau phát triển HTX bền vững.
Ông Lê Thành Lập, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang, cho biết ngoài sự hỗ trợ hàng trăm triệu đồng của Socodevi cho 2 dự án dịch vụ cụ thể ở Liên hiệp HTX Nông nghiệp An Giang và HTX Phú Thạnh (huyện Phú Tân), thì chương trình làm "điểm" HTX kiểu mẫu đã tạo điểm nhấn đáng kể, khi tổ chức cho 5 đơn vị tham gia (1 Liên hiệp HTX và 4 HTX đã nêu trên) đi thực tế đến tỉnh Sóc Trăng và học hỏi cách làm hay của HTX Bò sữa Evegrowth.
Trong nhiều thông tin và kinh nghiệm thu thập được, điều bổ ích nhất là tính hiệu quả của mô hình HTX Evegrowth có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, tách bạch giữa HĐQT (cơ quan quản lý) và Giám đốc (cơ quan điều hành). Kinh nghiệm quý tổ chức dịch vụ của HTX Evegrowth cho thành viên trong chăn nuôi bò sữa đã đem về áp dụng ở An Giang, kết quả thiết thực trước mắt ở HTX Hòa Thuận (huyện Châu Phú) đã xây dựng Dự án chăn nuôi bò sữa kiểu "Evegrowth" và đề nghị Socodevi hỗ trợ kỹ thuật, tài chính ban đầu.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh An Giang, với Chương trình "điểm" mô hình HTX kiểu mẫu, Tổ chức Socodevi đã hỗ trợ, tư vấn hoạt động và hỗ trợ tài chính, giúp các HTX tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ mang lại lợi ích cho thành viên và khẳng định vị thế HTX với các đối tác, với thành viên HTX. Bên cạnh sự trợ giúp cải thiện một bước về trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt HTX, chương trình cũng tạo đà nâng cao kiến thức và kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ tư vấn Liên minh HTX, ghi nhận đổi thay rõ nhất là sự trưởng thành hơn đối với lớp cán bộ trẻ của Liên minh HTX tỉnh An Giang…
Nhìn từ những khó khăn hiện tại của các HTX của An Giang, như vốn ít, dịch vụ đơn điệu, cán bộ HTX lớn tuổi, ít đổi mới, thành viên chưa gắn bó HTX…, mới thấy hết những chuyển biến tích cực của Chương trình "Chung tay phát triển HTX", mà Socodevi mang lại đối với khu vực HTX ở đây và 5 mẫu hình HTX kiểu mới. Những mô hình "điểm" này khi nhân rộng sẽ góp phần tích cực vào quá trình củng cố và phát triển HTX ở tỉnh An Giang thời gian tới.
Lưu Đoàn