Có diện tích trồng rau lớn hàng đầu ở huyện Cẩm Mỹ, để hướng tới liên kết trồng rau sạch và ổn định đầu ra, Tổ hợp tác rau ấp 5, xã Xuân Tây đã được thành lập và chú trọng đến việc trồng rau theo tiêu chuẩn sạch.
Ấn tượng HTX Đông Tây
Ông Đặng Văn Hoằng, thành viên Tổ hợp tác, cho biết, tuy chưa đạt chứng nhận VietGAP, nhưng quy trình trồng và chăm sóc các loại rau ăn lá, củ quả tại Tổ hợp tác khá tiệm cận với các tiêu chuẩn của GAP.
![]() |
Các hộ nông dân trồng bắp cây nâng cao thu nhập nhờ liên kết với HTX Đông Tây. |
Cụ thể, theo ông Hoằng, đó là sử dụng thân cây bắp, rơm rạ để ủ đất, vừa tơi xốp vừa tiết kiệm phân bón; quá trình chăm sóc có sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, tuy nhiên đã giảm rất nhiều và thực hiện cách ly theo khuyến cáo.
Ông Hoằng cho biết thêm là nông dân trong xã tuyệt đối không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng. Do đó, các HTX, doanh nghiệp vẫn thu mua rau của nông dân và Tổ hợp tác ở xã Xuân Tây đưa vào siêu thị, bếp ăn tập thể và chế biến gia vị.
Ngoài trồng rau thì cây bắp cũng là cây chủ lực ở địa phương và đang phát triển tốt theo mô hình chuỗi giá trị.
Đóng chân trên địa bàn xã Xuân Tây có HTX Đông Tây (một trong những HTX nằm trong top các HTX nông nghiệp hiệu quả của tỉnh Đồng Nai) được xem là cầu nối cho hàng trăm hộ nông dân tham gia dự án cánh đồng lớn trồng bắp cây làm thức ăn cung cấp cho các trang trại nuôi bò Úc và xuất khẩu.
Đại diện HTX Đông Tây cho biết, nhờ quy hoạch phát triển cánh đồng lớn cây bắp của địa phương, HTX đã liên kết với nông dân phát triển vùng nguyên liệu sạch, đầu tư máy móc sơ chế cây bắp thành thức ăn chăn nuôi gia súc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Ngoài hoạt động ở xã Xuân Tây thì HTX Đông Tây còn tiến hành liên kết sản xuất, tiêu thụ với hàng trăm hộ trồng bắp ở các xã ở huyện Cẩm Mỹ như Xuân Đông, Xuân Tây, Bảo Bình, Sông Ray với diện tích khoảng 270 ha.
Các hộ này sẽ trồng bắp và đến khi bắp được khoảng 75 ngày, sẽ bán bắp nguyên cây cho HTX để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Giá cả đã được hai bên thỏa thuận từ đầu vụ và thường dao động từ 800 đến 1.000 ngàn đồng/kg. Lợi nhuận bình quân trên 1 ha mà các hộ dân thu được trong chuỗi này khoảng 80 triệu đồng/ha/năm.
Hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu
Có nguồn nguyên liệu ổn định, hiện HTX Đông Tây ngoài việc cung cấp thức ăn cho các trại bò trong nước, đã tiến hành xuất khẩu thức ăn chăn nuôi từ bắp sang Hàn Quốc, Nhật Bản với sản lượng gần 500 tấn/tháng. Những thị trường tiềm năng khác cũng đang được hợp tác xã tìm cách tiếp cận để mở rộng phạm vi xuất khẩu.
![]() |
Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiệu quả đã giúp Xuân Tây nâng giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha trồng trọt lên 170,2 triệu đồng/ha. |
Trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt của các dòng thức ăn cùng loại ở các thị trường trong và ngoài nước, HTX Đông Tây đang hướng tới nâng diện tích bắp nguyên liệu lên 500 ha, đồng thời áp dụng quy trình VietGAP cho toàn bộ vùng nguyên liệu để nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình.
Ngoài HTX nêu trên thì ở Xuân Tây còn có một số HTX như HTX dịch nông nghiệp Tâm An, HTX Lân Phượng, HTX Vĩnh Cường đang phát triển ổn định và hiệu quả trên lĩnh vực kinh doanh rau quả, vận tải hàng hoá, phân phối độc quyền các sản phẩm giống cây trồng, phân bón thuốc bảo vệ thực vật, rau củ, cây cảnh Bonsai...
Là địa phương với phần lớn diện tích là đất nông nghiệp, những năm gần đây xã Xuân Tây đã vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khuyến khích đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác.
Đồng thời, xã Xuân Tây còn khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh và nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm an toàn, sạch hoặc mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ.
Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiệu quả đã giúp Xuân Tây nâng giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha trồng trọt và chăn nuôi lên 170,2 triệu đồng/ha. Tỷ lệ hộ nghèo ở xã hồi năm ngoái chỉ còn chiếm 0,65%. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn trên địa bàn xã đến năm 2019 ước đạt 71,36 triệu đồng/người/năm
Việc phát triển các mô hình kinh tế hợp tác đã đóng góp lớn giúp xã Xuân Tây đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017 và đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2019. Và hiện nay xã đang quyết tâm lớn nhằm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2022.
Thanh Loan