Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Hợp tác xã Việt Nam (11/4/1946 - 11/4/2023), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đánh giá cao sự nỗ lực với tinh thần dám nghĩ, dám làm của các Liên hiệp HTX, HTX, tổ hợp tác trên cả nước vì đã có những đóng góp không nhỏ vào phát triển phong trào kinh tế tập thể, HTX nói riêng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước.
Liên kết sản xuất kinh doanh theo mô hình kinh tế tập thể, với nòng cốt là HTX đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện hàng trăm năm nay. Đặc biệt, những quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại đều có hệ thống HTX rộng khắp.
Một cây làm chẳng nên non…
Ngay như Nhật Bản, trước đây người dân nước này cũng có lúc tồn tại mô hình giống như HTX nhờ người hợp cùng nhau sản xuất. Mô hình này từng bước phát triển và đến nay, trong nền kinh tế vẫn tồn tại song song 2 hình thức hoạt động là: Kinh doanh nông nghiệp mang tính cá nhân là các hộ gia đình tự sản xuất, tự tìm đầu ra cho sản phẩm và kinh doanh nông nghiệp theo đoàn thể (có đăng ký tư cách pháp nhân, hoạt động với quy mô lớn và có khả năng xuất khẩu).
Từ năm 2020 trở lại đây, mô hình kinh doanh nông nghiệp liên kết theo đoàn thể ở quy mô lớn (từ 5.000 man trở lên, tương đương gần 10 tỷ VND) tăng nhanh chóng. Theo các chuyên gia, mô hình kinh doanh nông nghiệp theo đoàn thể ở Nhật Bản tương đối giống với mô hình HTX ở Việt Nam và một số nước trên thế giới.
Hiện nay, 98% nông dân Nhật đã tham gia hơn 600 HTX, trong đó tập trung vào HTX đa chức năng (có các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp) và HTX nông nghiệp (sản xuất theo quy trình, khi bán hàng ra đều ghi logo Liên hiệp HTX nông nghiệp Nhật Bản, sau đó ghi tỉnh sản xuất).
Với hình thức này, HTX Nhật Bản được quản trị dân chủ, mỗi HTX có quy chuẩn riêng và được quản trị hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, mô hình HTX ở Nhật đang có vai trò không nhỏ trong việc tạo giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm nông nghiệp. Chính vì vậy mà đến nay, cả thế giới đều coi thịt bò Nhật là hảo hạng, dưa lưới Nhật là số 1.
Cũng giống như Nhật Bản, ở Việt Nam có thời kỳ mô hình HTX phát triển rất mạnh, thậm chí có nhiều HTX đạt đến quy mô toàn xã như HTX nông nghiệp Đại Phong (Quảng Bình), HTX nông nghiệp Vũ Thắng (Thái Bình)…
Tuy nhiên, vì những suy nghĩ, mệnh lệnh hành chính, “đánh kẻng ra đồng”..., đã dẫn đến những cái nhìn lệch lạc về mô hình HTX kéo dài đến tận ngày hôm nay.
Nhưng, càng đi sâu vào quá trình tái cơ cấu nông nghiệp càng thấy rằng, kinh tế tập thể, HTX có vai trò rất quan trọng trong sản xuất. Bởi HTX chính là cứu cánh, là điểm tựa cần thiết cho việc tổ chức lại nền sản xuất truyền thống theo kiểu “đèn nhà ai nấy rạng, ruộng nhà ai nấy cày”.
Khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có những đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. |
Ông Nguyễn Trọng Huê, Giám đốc HTX Macca Eahleo (Đắk Lắk), cho biết là người đang quản lý HTX gắn liền với nền nông nghiệp hàng hóa của thành viên và người dân, ông luôn trăn trở làm sao để đưa các sản phẩm nông nghiệp của địa phương có thể chế biến sâu bằng những công thức khác nhau từ rau, củ, quả, hạt… để nâng cao chất sản phẩm và thu nhập cho người dân.
“Qua những vấp ngã và thất bại trong sản xuất, tôi luôn biết ơn mô hình HTX vì đã giúp tôi thỏa đam mê phát triển nông nghiệp với những sản phẩm đặc trưng của địa phương”, ông Huê chia sẻ.
Còn ông Lê Văn Việt, Chủ tịch HĐQT HTX Xuyên Việt (Hải Dương) tâm sự rằng “HTX chính là hướng đi đúng đắn cho Xuyên Việt trong ngày hôm nay và mai sau”.
Có thể thấy, khi các thành viên trong HTX cùng chung sức, chung lòng thì sức mạnh tập thể đã được phát huy. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, để vượt qua nền nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính cạnh tranh, cần đặt sự phát triển HTX trong nội hàm cấu trúc chính kinh tế của từng địa phương. Bởi HTX không chỉ đơn thuần là vì kinh tế vì phân chia lợi ích, mà còn hướng đến những giá trị cao hơn cho kinh tế nông nghiệp, chuỗi ngành hàng, giá trị gia tăng, kinh tế tuần hoàn…
Phát huy sức mạnh tập thể
Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Hợp tác xã Việt Nam (11/4/1946 - 11/4/2023), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đánh giá cao sự nỗ lực với tinh thần dám nghĩ, dám làm của các Liên hiệp HTX, HTX, tổ hợp tác trên cả nước vì đã có những đóng góp không nhỏ vào phát triển phong trào kinh tế tập thể, HTX nói riêng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước.
Tính đến 31/12/2022, cả nước có 29.021 HTX, 125 liên hiệp HTX, 123.241 tổ hợp tác. Các HTX thu hút 6,93 triệu thành viên, chủ yếu là hộ gia đình ở địa bàn nông thôn và 2,58 triệu lao động.
Đặc biệt, trong năm 2022, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng GDP toàn ngành vẫn đạt 3,36%, là mức cao nhất trong nhiều năm gần đây. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế tập thể, HTX. Đặc biệt là nhiều HTX nông nghiệp đã đẩy mạnh thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng công nghệ số, liên kết với doanh nghiệp để phát triển chuỗi giá trị hàng hóa như HTX chuối Viba (Hòa Bình), HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh (Tuyên Quang), HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng (Hà Nam)…
Trước những đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã khẳng định: Phát triển kinh tế tập thể, HTX chính là phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong phát triển kinh tế xã hội, hướng đến mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Kinh tế tập thể, HTX là mô hình kinh tế của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, là con đường để đưa người dân đến gần hơn với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương và nỗ lực phấn đấu vươn lên của các HTX, trong thời gian tới, kinh tế tập thể, HTX ở Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Huyền Trang