Năm 2020, HTX Tuấn Tú phấn đấu đạt doanh thu trên 3,2 tỷ đồng, sản lượng măng tây đạt 65 tấn.
Trồng măng tây sạch, hốt bạc tỷ
Năm 1989, anh Hùng Ky sau khi tốt nghiệp lớp 12 tại Trường THPT Dân tộc nội trú Phan Rang, do gia đình quá khó khăn nên anh không có điều kiện học lên đại học. Anh về làng làm thuê kiếm sống rồi lập gia đình vào năm 1991.
Hoàn cảnh hai bên cha mẹ đều nghèo khó, vợ chồng anh đi chăn bò thuê. Sau hơn 10 năm chăn bò tích cóp được chút vốn liếng, anh về làng sang nhượng 2,4ha đất cát hoang hóa trên cánh đồng Nam Tuấn Tú trồng hoa màu. Nhờ cây cà rốt, củ cải trắng, đậu phộng trúng mùa được giá, anh Hùng Ky đầu tư khoan giếng lắp đặt hệ thống bơm tưới phun tiết kiệm nước. Từ đầu năm 2012, anh chuyển một phần đất canh tác sang trồng măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao vào canh tác cho thu nhập cao, cuộc sống gia đình ngày càng khá giả.
Hệ thống tưới tự động ứng dụng công nghệ cao HTX Tuấn Tú đang áp dụng trong trồng măng tây xanh (Ảnh tư liệu) |
Để chia sẻ kinh nghiệm, giúp bà con nông dân cùng thoát nghèo, anh Hùng Ky quyết định thành lập HTX. HTX Tuấn Tú được thành lập vào tháng 6/2016, hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, ban đầu chỉ có 13 thành viên, đến nay phát triển lên 63 thành viên. Hoạt động chính của HTX là trồng chuyên canh cây măng tây xanh trên diện tích 35ha theo mô hình cánh đồng lớn.
Trong năm 2019, các hộ thành viên HTX sản xuất đạt sản lượng 51,9 tấn măng tây xanh, tăng 19,5 tấn so với năm 2018. Sản phẩm măng tây xanh của HTX được doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua toàn bộ trị (trên 2,595 tỷ đồng), với giá 50.000 đồng/kg.
Triển khai nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh năm 2020, HTX Tuấn Tú tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng măng tây xanh lên 45ha, phấn đấu đạt sản lượng 65 tấn, đạt doanh thu 3,2 tỷ đồng, tăng lợi nhuận hoạt động kinh doanh của HTX đạt 250 triệu đồng.
Để nâng cao giá trị sản phẩm măng tây xanh, hiện HTX Tuấn Tú đẩy mạnh sản xuất măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, có kế hoạch mở rộng diện tích trồng măng tây xanh theo tiêu chuẩn hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để đưa các sản phẩm măng tây xanh vào hệ thống các siêu thị, nâng cao hiệu quả kinh tế cho thành viên HTX.
Chỗ dựa của nhiều bà con dân tộc Chăm
Thành công của HTX Tuấn Tú đang mở ra hướng đi ổn định cho nông dân vùng đồng bào Chăm trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu từ trồng cây măng tây xanh. HTX cam kết hỗ trợ thành viên trồng từ giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Măng tây xanh được công nhận là một trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận. Với giá thu mua tại chỗ khoảng 50.000 đồng/kg, năng suất bình quân 8-12 tấn/năm, người trồng đã có lãi từ 400 – 500 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng các cây rau màu khác.
Măng tây xanh đã trở thành cây trồng đặc thù của tỉnh Ninh Thuận, giúp nông dân làm giàu (Ảnh tư liệu) |
Tại làng Chăm Tuấn Tú, ông Từ Văn Hay là một trong những hộ có thu nhập khá giả nhờ mạnh dạn trồng cây măng tây xanh. Ông Hay cho biết: Trước đây gia đình trồng rau màu nhưng đầu ra không ổn định, thu nhập bấp bênh. Từ khi liên kết trồng măng tây với HTX, gia đình có thu nhập ổn định hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Chi phí trồng 1 sào măng tây xanh hết khoảng 45 triệu đồng (chủ yếu mua hạt giống nhập khẩu). Sau 8 tháng trồng bắt đầu thu hoạch đợt đầu tiên. Cây măng tây xanh có nhiều ưu điểm, tuy được xếp vào loại là cây rau nhưng măng tây xanh chỉ cần trồng 1 lần có thể thu hoạch liên tục trong vòng 7 – 8 năm nếu chăm sóc tốt. Hàng ngày chỉ cần tưới nước, kiểm tra sâu bệnh, buổi sáng hái măng, thu hoạch liên tục trong vòng 3 tháng, nghỉ 1 tháng để dưỡng cây.
Với những đóng góp tích cực của mình trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng địa phương, cùng nông dân làm giàu chính đáng, HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú nhiều năm liền được Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Ninh Thuận tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội...
Thanh Vân