Ông Lê Quý Hòa Bình, Quản lý chứng nhận nông nghiệp – Công ty TNHH Control Union Việt Nam, cho biết từ 20/1/2024, rất nhiều quy định mới về tiêu chuẩn hữu cơ Mỹ đã thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn.
Tác động tới xuất khẩu
Cụ thể yêu cầu về ghi nhãn và truy xuất nguồn gốc của thị trường này cũng chi tiết hơn. Trước đây, một số loại bánh truyền thống như bánh rán, bánh xá xị (bánh bao) không phải ghi nhãn nhưng nay cũng phải tuân thủ điều này thì mới được xuất sang Mỹ.
Thị trường này cũng quy định chặt chẽ về việc kiểm tra đột xuất ít nhất 5% các hoạt động chứng nhận, kiểm toán cân bằng khối lượng và kiểm tra truy xuất nguồn gốc.
Do đó nhiều HTX, doanh nghiệp Việt đang băn khoăn việc khi hàng hóa xuất sang Mỹ rồi có xuất sang được châu Âu không? Nhưng theo ông Lê Quý Hòa Bình, ở một nước thứ 3 như Việt Nam, điều này hiện nay là không được vì muốn xuất khẩu sang Mỹ, hàng hóa, nông sản của HTX và doanh nghiệp phải đánh giá theo tiêu chuẩn Mỹ và muốn xuất qua châu Âu, hàng hóa phải đạt tiêu chuẩn châu Âu.
Điều này có thể khiến HTX, doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn nhưng đó là yêu cầu mà thị trường này hướng đến nhằm đảm bảo sự minh bạch và tránh gian lận trong sản xuất và kinh doanh hàng hóa.
Nhiều quy định mới của thị trường nhập khẩu buộc nông dân, HTX phải thích ứng. |
Còn đối với EU, tháng 5 vừa qua, thị trường này đã có quy định mới về nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài. Cụ thể là từ ngày 3/6/2024, các đơn vị có liên quan tới hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam vào EU đều phải khai báo dữ liệu vào Hệ thống kiểm soát hàng hóa nhập khẩu (ICS2) trước khi hàng đến thị trường này.
Điều này áp dụng cả đối với hàng hóa quá cảnh qua bất kỳ quốc gia EU nào. Các đơn vị vận tải cũng cần cung cấp các thông tin về hàng hóa đến ngành chức năng của thị trường này trước khi hàng cập bến.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc công ty TNHH chứng nhận phù hợp Mekong Cert, cho biết, từ năm 2024 tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu RE 848/2008 được áp dụng, thay thế những tiêu chuẩn trước. Với yêu cầu mới này, cây trồng phải được sản xuất trên đất, còn cây trồng trên chậu, thùng chứa không được chứng nhận.
Song song đó, danh sách đầu vào phải tuân thủ theo tiêu chuẩn mới với nhiều thứ có sự hạn chế. Ngay như thuốc bảo vệ thực vật hiện được quy định nghiêm ngặt hơn.
Đối với nhóm nhà sản xuất, thành viên phải là nông dân và nằm trong giới hạn về quy mô doanh thu, diện tích đất không quá 5ha (ngoài trời), 0,5ha đối với nhà lưới đối với mỗi thành viên. Nhóm nhà sản xuất tối đa 2.000 thành viên/nhóm, có tư cách pháp nhân. Nông sản nếu không bán qua nhóm sẽ không được chứng nhận hữu cơ). Thành viên cũng phải trong cùng 1 khu vực địa lý.
Như vậy, các yêu cầu, quy định kỹ thuật về xuất khẩu hàng hóa của các thị trường nhập khẩu luôn có sự thay đổi và thay đổi theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn, nghiêm ngặt hơn.
Việc các tiêu chuẩn xuất khẩu hàng hóa thay đổi cũng gây ra không ít thách thức cho các HTX, doanh nghiệp như phí chứng nhận, chi phí sản xuất tăng đáng kể. Trong khi hầu hết các tiêu chuẩn xuất khẩu hàng hóa ở nhiều nước hiện nay đều yêu cầu về sản xuất bền vững, thân thiện môi trường, chứng chỉ xanh, fair trade, sử dụng lao động công bằng.
Đi liển với đó, HTX cũng phải tổ chức lại chuỗi cung ứng là điều không hề dễ, nhất là đối với những HTX đang gặp khó khăn trong quản lý.
Hiểu và thay đổi
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, các quy định xuất khẩu thay đổi theo hướng ngày càng chặt chẽ, phức tạp nên việc hiểu để tuân thủ đúng quy định này đối với nông dân, HTX là không hề đơn giản.
Do đó, rất cần có sự vào cuộc của các bên liên quan để các HTX, nông dân có thể hiểu rõ về các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, các biện pháp phòng vệ thương mại… Bởi nếu không hiểu đúng và không thay đổi thì chính nông dân, HTX sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực.
“Cần nắm bắt các quy định, xu hướng thị trường để có sự điều chỉnh phù hợp và có hướng tiếp cận thị trường một cách kịp thời. HTX, doanh nghiệp Việt Nam cần có những tính toán cụ thể để chuyển đổi mô hình sản xuất một cách phù hợp để bắt kịp những quy định của các nhà nhập khẩu”, Giám đốc công ty TNHH chứng nhận phù hợp Mekong Cert, cho biết.
Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH phát triển và tư vấn môi trường DACE, cho rằng thị trường quốc tế luôn có những khó khăn và thách thức đan xen, nhất là những thách thức từ thay đổi, cập nhật theo các tiêu chuẩn mới.
Do đó, các HTX, nông dân cần đẩy mạnh chuẩn hóa giống cây trồng vật nuôi, chuẩn hóa tiêu chuẩn kỹ thuật từng vùng sản xuất. Đi liền với đó, HTX cần quan tâm đầu tư nhà máy sản xuất đủ năng lực kết hợp với xây dựng thương hiệu quốc gia
Ngay trong sản xuất, cần chú trọng đến hoàn thiện các tiêu chuẩn bền vững. Chẳng hạn như khi thu hoạch quế, HTX không được chặt rừng vì rừng giúp giảm kim loại nặng, hạn chế tác động tiêu cực từ môi trường. Đây là điều được các thị trường nhập khẩu hiện nay rất quan tâm.
Không những vậy, ông Hiếu cũng cho rằng tại các thị trường phát triển như EU, Mỹ, Anh… xu hướng sử dụng sản phẩm chế biến sẵn, sản phẩm cho người ăn kiêng đang rất phổ biến.
Chẳng hạn như thực phẩm hữu cơ, sản phẩm cho người ăn chay, sản phẩm cho người ăn kiêng… đều được đánh giá có đầu ra thuận lợi nhưng đi kèm với đó là những tiêu chuẩn cụ thể.
Do đó, HTX và doanh nghiệp Việt cần chú trọng đến sản xuất và cung ứng thực phẩm nông sản mang tính chuyên biệt, có sự đầu tư với những quy định riêng biệt nhưng cũng phức tạp hơn.
Đặc biệt, nếu HTX có điều kiện thì nên sản xuất và đạt các chứng nhận hữu cơ quốc tế. Bởi không chỉ người tiêu dùng trong nước mà người tiêu dùng quốc tế hiện nay cũng đang tin tưởng vào các chứng nhận hữu cơ quốc tế hơn.
Huyền Trang