Được thành lập năm 2009, HTX Thắng Lợi, nhưng phải đến năm 2015, HTX mới chính thức chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Đây là bước ngoặt và hướng đi mới cho sự phát triển của HTX.
Chăn nuôi khép kín
Bà Lý Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Thắng Lợi cho biết, HTX được thành lập nhằm giúp các thành viên liên kết với nhau phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm để tăng giá trị sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Mô hình chăn nuôi hữu cơ khép kín của HTX Thắng Lợi mang lại hiệu quả cao (Ảnh: TL) |
Trước đây, các hộ chăn nuôi theo hình thức riêng lẻ, chất lượng cũng như giá trị sản phẩm chưa thực sự cao nên thường bị các thương lái ép giá. Từ khi thành lập, cùng với duy trì sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, HTX Thắng Lợi mở rộng đầu tư xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi lợn rừng theo phương pháp hữu cơ.
HTX xác định thịt lợn hương rừng chất lượng cao là chiến lược phát triển kinh doanh. Lộ trình từ năm 2017 - 2022, HTX tập trung xây dựng khu chế biến thực phẩm sạch, chuỗi cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh, nhằm đảm bảo thịt lợn rừng sạch phục vụ người tiêu dùng, bảo vệ người chăn nuôi. Thức ăn để chăn nuôi lợn hương rừng là giun quế tự sản xuất, thức ăn sản xuất tại chỗ, rau tự trồng, không sử dụng thức ăn công nghiệp.
Trang trại chăn nuôi lợn của HTX có tổng diện tích 3,7 ha, biệt lập với khu dân cư, hệ thống nguồn nước, nguồn điện 3 pha bảo đảm, giao thông thuận tiện; là một quy trình chăn nuôi khép kín. Phân lợn được dùng để nuôi giun quế, phân của giun quế và nước thải rửa chuồng trại sau khi được xử lý dưới hầm biogas đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường được bón cho rau trồng tại trang trại làm thức ăn xanh cho lợn.
Với mô hình chăn nuôi khép kín này, HTX không sử dụng đến thức ăn chăn nuôi công nghiệp và các phụ gia chăn nuôi công nghiệp mà vẫn đảm bảo được sự tăng trưởng và phát triển tốt của đàn lợn, hạn chế thấp nhất dịch bệnh.
Hiện, HTX có gần 100 con lợn, trong đó có gần 30 con lợn nái; hằng năm, xuất bán ra thị trường 25 - 30 tấn lợi hơi, doanh thu từ 3 - 3,6 tỷ đồng. Ngoài ra, HTX còn cung cấp lợn giống hương rừng thuần chủng F1, 3 tháng tuổi cho người chăn nuôi và thu mua lại sản phẩm lợn thương phẩm 9 tháng tuổi, sau đó đưa về nuôi tại trang trại của HTX đến khi thành lợn thương phẩm rồi xuất bán ra thị trường.
Bên cạnh việc chăn nuôi lợn rừng chất lượng cao, HTX Thắng Lợi còn phát triển nuôi gà thương phẩm, bao tiêu sản phẩm cho thành viên và cung cấp sản phẩm sạch bán tại các cửa hàng của HTX và các siêu thị trên địa bàn tỉnh. Hiện, HTX có khoảng 7.000 con gà thương phẩm, mỗi năm xuất bán 2 lứa (mỗi lứa từ 2.000 - 3.000 con), doanh thu bình quân từ 400 - 600 triệu đồng/lứa.
Hướng chăn nuôi an toàn sinh học
HTX Thắng Lợi đã mang đến cách sản xuất mới cho bà con ở Hà Quảng (Ảnh: TL) |
HTX còn phát triển nuôi gà siêu trứng, cung cấp sản phẩm sạch đến các khu công nghiệp, trường học, siêu thị trên địa bàn tỉnh và các siêu thị lớn tại Tp. HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên.
HTX Thắng Lợi hiện có 20 thành viên đều là người dân địa phương. HTX tạo việc làm cho 17 lao động thường xuyên, thu nhập từ 4,5 - 5,5 triệu đồng/người/tháng và 20 - 25 lao động thời vụ.
Có thể khẳng định, mô hình liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm đã và đang từng bước đem lại hiệu quả tích cực, dần làm thay đổi thói quen, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ của một số hộ gia đình, mở ra hướng phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp; từng bước tạo nên những sản phẩm an toàn, chất lượng, khẳng định chỗ đứng trên thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Để người dân từng bước chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, huyện Hà Quảng đã chú trọng công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi cho người dân, xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, như: nuôi lợn, gà trên đệm lót sinh học; chuyển đổi tập quán chăn thả phân tán, nhỏ lẻ sang đầu tư phát triển các gia trại, HTX chăn nuôi vừa và nhỏ.
Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào địa phương để phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết, góp phần tạo việc làm cho người dân, bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Ngoài ra, huyện Hà Quảng còn hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động đầu tư con giống chất lượng, phòng, chống dịch bệnh, làm chuồng trại kiên cố, tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm, làm tốt công tác vệ sinh thú y, khử trùng tiêu độc, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ. Nhờ đó, trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh lớn, đàn gia súc, gia cầm không ngừng tăng qua các năm.
Các mô hình HTX nông nghiệp, dịch vụ như của HTX Thắng Lợi đã và đang góp phần xây dựng Hà Quảng - một huyện xa nhất của tỉnh Cao Bằng, có sức bật về phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội.
Minh Phạm