Vượt qua những khó khăn nội tại, các HTX đang dần thích ứng với xu hướng chung trong sản xuất và cung ứng hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Liên kết tiêu thụ
Với chất lượng tốt, quy trình sản xuất sạch, sản phẩm bưởi da xanh của HTX bưởi da xanh Bến Tre (Bến Tre) luôn là một trong những mặt hàng hút khách mỗi dịp Tết. Hiện HTX có thể cung cấp bưởi có cả cành và lá loại 1A, 2A, 2B để trưng Tết; bưởi 1A, 2A để phục vụ biếu Tết hoặc bưởi loại 3A, 2B, 3B để ăn trong những ngày đón năm mới.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch HĐQT HTX bưởi da xanh Bến Tre cho biết, không chỉ có diện tích của các thành viên, HTX còn liên kết với hàng trăm hộ dân để hình thành chuỗi giá trị bưởi da xanh bền vững. Chính vì vậy, trong dịp Tết Nhâm Dần, HTX có thể cung ứng hàng trăm tấn bưởi đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, mẫu mã đẹp mắt.
Điểm mới năm nay là HTX bưởi da xanh Bến Tre đã thiết kế mẫu hộp quà, gồm combo 2 trái bưởi da xanh loại 1 với thương hiệu “Cô gái bưởi hồng” để khách có thể mua làm quà biếu thể hiện tính sang trọng, cao cấp. Bên cạnh đó, trong giỏ quà của HTX còn có các sản phẩm chế biến từ nông sản phối kèm làm quà Tết như: mứt tắc mật ong, rượu nho… Đây cùng là những sản phẩm của HTX hoặc được HTX liên kết với các HTX bạn trong và ngoài tỉnh như HTX nho Evergreen (Ninh Thuận) hay HTX thanh long Thanh Bình (Bình Thuận) nhằm hỗ trợ, đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ đặc sản OCOP địa phương cũng như giúp người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm đạt chất lượng.
HTX bưởi da xanh Bến Tre tự tin với đầu ra cho trái bưởi vào dịp Tết Nguyên đán không chỉ bởi chất lượng vượt trội mà còn vì cả nước đã bước vào thời kỳ bình thường mới. |
Tại HTX trái cây Tiền Giang (Tiền Giang) chuyên sản xuất các loại đặc sản trái cây nổi tiếng như sầu riêng, bưởi da xanh, hồng xiêm, ổi nữ hoàng… theo tiêu chuẩn VietGAP. Để phục vụ thị trường Tết năm nay, HTX đã thực hiện bán bưởi theo các combo như combo bưởi da xanh theo size quả, combo cam lòng vàng, combo hồng xiêm nguyên cám, combo táo xuân Phì Điền, combo cam canh Lục Ngạn hoặc combo tổng hợp các loại quả.
Để làm được điều này, ngoài liên kết với các HTX trồng cây ăn trái ở Tiền Giang, HTX còn liên kết với một số HTX ở Hòa Bình, Bắc Giang để đa dạng sản phẩm, xây dựng được các combo hàng hóa với giá cả đa dạng, phù hợp. Hiện, ngoài các cửa hàng ở Tiền Giang, HTX còn xây dựng được hệ thống cửa hàng, liên kết được với các nhà phân phối ở nhiều tỉnh thành phố như Hà Nội, TP. HCM... nên việc vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng rất thuận lợi.
Ông Bùi Thế Dũng, Chủ tịch HĐQT HTX trồng cây ăn trái ở Tiền Giang, cho biết việc thiết kế combo bán Tết và theo nhu cầu người dân đặt hàng là cách thúc đẩy đầu ra cho nông sản và kích cầu mua sắm của người dân dịp cuối năm.
Trong bối cảnh bình thường mới, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản sẽ ngày càng phát huy được hiệu quả. Người dân hợp tác với HTX hay HTX hợp tác với HTX, doanh nghiệp sẽ giúp chuỗi giá trị thêm rộng mở và bền vững, đồng thời giúp các nhà phân phối có được nguồn nguyên liệu tốt hơn cung ứng cho thị trường. Từ đó, hạn chế những rủi ro trong khâu đầu ra cho người dân, HTX.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Co.opmart Hà Nội, cho biết các HTX cần chú trọng mở rộng quy mô, thích ứng thị trường thông qua nhiều giải pháp khác nhau, từ tăng thành viên đến việc kết hợp với các HTX khác trong cùng lĩnh vực để mở rộng kinh doanh và hợp tác trong các hệ sinh thái. “Khi HTX liên kết cùng nhau sẽ tạo ra những đầu mối lớn từ đó thuận lợi cho siêu thị, doanh nghiệp thu mua, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, giao thông tại một số vùng sản xuất chưa phát triển”, bà Dung chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Bảo cho biết thêm, vào dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sẽ tăng nên các HTX đều cần nguồn vốn, số lượng hàng lớn. Năm nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường có nhiều biến động hơn, vấn đề giao hàng, vận chuyển cũng khó khăn hơn. “Tuy nhiên, việc liên kết với các HTX khác sẽ giúp HTX giảm được tình trạng phải bỏ vốn lớn để nhập hàng và chủ động tiếp cận thị trường, ký hợp đồng lớn với nhà phân phối”, ông Bảo cho biết.
Thích ứng và tận dụng thị trường
Không chỉ liên kết cùng nhau tiêu thụ sản phẩm, các tổ hợp tác, HTX cũng nhanh chóng nắm bắt tâm lý khách hàng và nhu cầu thị trường để có kế hoạch rõ ràng trong sản xuất, kinh doanh.
Ông Lê Văn Tý, Giám đốc HTX làng nghề mai vàng Phước Định (Đồng Tháp) cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên năm nay sức mua có giảm. Nắm bắt được điều đó, HTX đã bàn bạc cùng thành viên và nhà vườn tính toán sản lượng cung ứng ra thị trường, lên kế hoạch sản xuất phù hợp với thực trạng mỗi hộ thành viên cũng như tình hình thực tế.
“Năm nay, việc mua bán mai vàng tại làng mai Phước Định giảm đáng kể. Tuy nhiên, khi thích ứng với trạng thái bình thường mới, bà con đã chủ động giảm 50% diện tích. Hiện, HTX và các hộ liên kết chỉ có khoảng 550 gốc mai cổ, 4.000 gốc mai trung và 25.000 gốc mai kiểu, bonsai cùng các loại kiểng khác khoảng 2.500 gốc để phục vụ thị trường tết Nhâm Dần”, ông Tý cho biết.
Tổ hợp tác trồng quýt chậu xã Vĩnh Thới năm nay đẩy mạnh bán hàng online để phục vụ khách dịp Tết Nguyên đán. |
Nếu như những năm trước, các hộ ngoài bán tại vườn còn đem mai bán ở các chợ hoa kiểng truyền thống dịp Tết Nguyên đán thì năm nay chỉ khoảng 20 -30% số hộ trồng mai bán ở các chợ. Thay vào đó, các hộ thúc đẩy bán hàng online để hạn chế công vận chuyển, đáp ứng tâm lý hạn chế ra ngoài của người dân.
Ông Lưu Văn Khiêm, thành viên tổ hợp tác trồng quýt chậu xã Vĩnh Thới (Đồng Tháp) cũng cho biết năm nay, dịch bệnh ảnh hưởng nên lượng khách hàng đến mua trực tiếp giảm nên tổ hợp tác thúc đẩy bán hàng online.
“Khi ai có nhu cầu thì các thành viên sẽ chụp ảnh gửi cho họ chọn, nếu ưng ý chậu nào thì sẽ chuyển khoản để mua. Hiện, hình thức bán hàng này khả quan hơn so với bán trực tiếp tại chợ vì ngày nào cũng có khách đặt”, ông Khiêm chia sẻ.
Tuy giảm số lượng nhưng các HTX đã chủ động đa dạng sản phẩm, chú trọng các loại sản phẩm có giá thành vừa phải, phù hợp với sự thay đổi trong nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Tại HTX hoa đào Quảng Lạc (Lạng Sơn), thay vì tập trung bán đào cây, đào chậu như mọi năm, năm nay HTX đẩy mạnh cắt cành để cung cấp những cành đào cắm lộc bình, đào cầm tay. Hiện, sản phẩm này của HTX được người dân khá ưa chuộng.
Hay như HTX nông nghiệp Trường Xuân (Đắk Lắk), ngoài hai sản phẩm chủ lực là nhãn hương chi và vải u hồng, các thành viên còn nuôi thêm 350 con lợn rừng (tương đương 750 tấn thịt) để phục vụ thị trường. HTX cũng khảo sát giá thị trường, thực hiện không tăng giá để có thể tiếp cận với nhiều khách hàng.
Theo các cơ quan chức năng, nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần trung bình tăng từ 15-20%, tùy từng sản phẩm. Năm nay, thị trường xuất khẩu Trung Quốc có những khó khăn nhất định nên việc tập trung vào thị trường nội địa là cách thích ứng linh hoạt của các HTX, tổ hợp tác. Bên cạnh đó, thị trường trong nước có dư địa rất lớn trong dịp Tết Nguyên đán, chính vì vậy, các HTX, tổ hợp tác biết tận dụng cơ hội này thì không chỉ giúp mở rộng đầu ra với giá thành tốt mà còn hỗ trợ cho khâu quảng bá, liên kết chuỗi…
Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, cuối năm là dịp tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước. Lúc này, nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối mong muốn kết nối được với các HTX, tổ hợp tác để có nguồn hàng chất lượng với khả năng cung ứng lớn. Đây là tín hiệu vui, niềm hy vọng của các HTX nhằm phục hồi và đưa sản xuất kinh doanh thích ứng linh hoạt với tình hình mới.
Huyền Trang