Theo các HTX hoạt động trong lĩnh vực này, sản phẩm hữu cơ, organic... nhìn chung mặt bằng giá cao khiến người tiêu dùng không dễ tiếp cận, nhất là trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu như hiện nay. Điều này khiến HTX khó duy trì sản xuất, mở rộng sản xuất.
Bị tác động trước "bão táp" thị trường
Ông Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ số Bình Phước (tỉnh Bình Phước) cho biết, hồ tiêu đang trong thời kỳ giá thấp nên dù có sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế thì đầu ra của HTX cũng rất khó khăn. Chính vì vậy, với 8ha tiêu hữu cơ đang có, HTX chưa dám mở rộng diện tích.
“Xuất khẩu hàng hóa nói chung đang gặp khó do một số thị trường chủ lực phải đối mặt lạm phát nên dù là sản phẩm cao cấp cũng bị ảnh hưởng”, ông Hoàng chia sẻ.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, ông Nguyễn Huy Bình, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp thủy sản Thành Công (Đồng Nai) thông tin, dù đã liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo hướng bền vững nhưng tình hình xuất khẩu khó khăn khiến giá tôm đang giảm sâu. Nguồn tôm của HTX đến kỳ thu hoạch cũng đang trong ao vì doanh nghiệp chưa thu mua, làm tăng chi phí. Vì thế, thành viên đang nuôi cầm chừng, sợ càng nuôi càng lỗ.
Có thể thấy, việc sản xuất hữu cơ, organic... có nhiều tiềm năng nhưng đòi hỏi nguồn đầu tư lớn, do đó ngay các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng gặp khó chứ chưa nói đến các HTX vốn có quy mô nhỏ. Điều này dẫn đến chưa tối ưu quy trình sản xuất, làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến giá sản phẩm, nên đầu ra của HTX chưa thực sự rộng mở.
Bên cạnh đó, nếu nông sản được đầu tư đúng theo quy trình hữu cơ, organic thì giá không hề thấp, rất khó cạnh tranh với giá nông sản "chợ". Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc HTX chăn nuôi Hoàng Long (Hà Nội) cho biết, chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học thì ngay từ con giống, cám, thức ăn cũng đắt hơn với chăn nuôi thông thường. Điều này sẽ đẩy giá sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng lên ít nhất 20-30%.
Nông sản hữu cơ vẫn khó tiếp cận thị trường, nhất là khi người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu, |
Trước bối cảnh trên, nhiều HTX dù sản xuất theo hướng bền vững nhưng rất thận trọng trong sản xuất kinh doanh. Đa số HTX chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng, tính toán không mở rộng quy mô để hạn chế rủi ro. Có HTX thì xem xét mở thêm sản phẩm khác mà nhu cầu thị trường đang cần để tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích đất nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận.
Bởi theo các chuyên gia, thời điểm hiện nay là mùa thấp điểm của thị trường bán lẻ, cộng thêm người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên những đơn vị tập trung vào nông sản hữu cơ, nông sản cao cấp có thể khó tăng trưởng nhanh, mạnh như kỳ vọng.
Giữ thế chủ động
Việc khó khăn của thị trường mang lại áp lực cho các HTX đã rõ. Nhưng bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng những nông sản sản xuất bền vững nhưng hiện nay quy trình, đầu ra lại chưa thực sự bền vững. Hầu hết nông dân, HTX đều tự tổ chức sản xuất, tự tìm kiếm khách hàng, và hầu hết là tự xuất khẩu với nhiều khó khăn và rủi ro.
Chẳng hạn như việc HTX xuất khẩu nông sản nhưng đối tác đều yêu cầu gửi sản phẩm mẫu để kiểm tra làm tăng chi phí của HTX. Nhiều HTX xuất khẩu qua trung gian nên không tối ưu được chi phí, lợi nhuận và cả thương hiệu.
Đặc biệt, trong tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng trong nước và thế giới thắt chặt chi tiêu như hiện nay, các HTX sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức về nguồn vốn, tiếp cận khách hàng. Bởi sau một thời gian dài đầu tư cho quy trình sản xuất, chuỗi giá trị, mẫu mã..., HTX sẽ bị đuối sức trước những "cơn sóng" của thị trường. Làm sao có vốn để duy trì sản xuất, tái đầu tư là cả một vấn đề với các HTX.
Theo các chuyên gia, khu vực kinh tế tập thể, HTX đang tạo ra không ít sản phẩm nông sản tiêu biểu, có giá trị, chất lượng tốt nhưng trong điều kiện thị trường hiện nay, việc xuất khẩu nông sản của một số HTX sẽ gặp khó khăn, nhất là đối với những HTX có quy mô nhỏ, liên kết chưa bền chặt.
Để tháo gỡ phần nào khó khăn, có lẽ điều cần làm lúc này là hỗ trợ HTX định hướng sản xuất với số lượng, sản lượng cụ thể nhằm tạo thuận lợi cho các nhà thu mua. Đi liền với đó là cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm. Điều này đã được một số địa phương thực hiện khá hiệu quả đối với quả vải, quả xoài, từ đó giúp nông dân, HTX rộng đầu ra hơn ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Có ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh hỗ trợ các HTX bán hàng theo hình thức bán sỉ thay vì bán lẻ như hiện nay thì mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trực tiếp sản xuất nông sản.
Để làm được điều này, cần phát huy vai trò của các chợ đầu mối. Mỗi chợ đầu mối sẽ là nơi kiểm soát chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay chưa được phát huy.
Bên cạnh đó, cần hình thành các sàn giao dịch nông sản để kết nối và thúc đẩy hoạt động đàm phán, xúc tiến các giao dịch nông sản giữa đơn vị sản xuất nông sản, nhà bán sỉ với đơn vị thu mua, người tiêu dùng. Từ đây sẽ tạo ra sự minh bạch về giá cả, giảm khâu trung gian trong mua-bán nông sản. Các sàn giao dịch nông sản cũng là nơi trưng bày sản phẩm, cập nhật thông tin sản phẩm của HTX cũng như giá cả thị trường, nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế, giúp HTX chủ động trong sản xuất, quảng bá và tiếp thị sản phẩm.
Khi các HTX chủ động trong sản xuất, có thông tin thị trường thì sẽ có những tính toán cụ thể để hạn chế áp lực từ thị trường. Chỉ cần HTX tính toán để bán hàng được ở một vài thời điểm phù hợp cũng sẽ bảo đảm được lợi nhuận, hạn chế được áp lực thị trường thay vì bán nhỏ lẻ, tràn lan.
Huyền Trang