Mới đây, Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết, thông qua kết quả của việc triển khai đề án xây dựng và phát triển HTX nông nghiệp đã hỗ trợ các mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản nông sản cho 43 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ trên 3 tỷ đồng.
Vốn lớn cho sản xuất sạch
Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ các HTX nông nghiệp nâng cao chất lượng hoạt động. Bên cạnh đó, nguồn vốn còn hỗ trợ các HTX đầu tư, ứng dụng máy móc, thiết bị vào các khâu sản xuất, bảo quản nông sản.
Các HTX nông nghiệp ở Đồng Nai đang khát vốn phục vụ sản xuất sạch (Ảnh: Tư liệu) |
Ngoài ra, Nhà nước còn có nhiều chính sách hỗ trợ các HTX xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và tích cực giải quyết khó khăn để giúp các HTX tiếp cận được với các nguồn vốn hỗ trợ và nguồn vốn vay tín dụng.
Mặt khác, nguồn kinh phí hỗ trợ còn giúp đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị, sản xuất của các thành viên, cán bộ HTX. Mục tiêu là các HTX lớn mạnh, phát huy được vai trò là cầu nối trong các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ của nông dân và doanh nghiệp.
Có thể thấy, việc hỗ trợ tài chính với các HTX nông nghiệp là rất cần thiết trong lúc này khi còn nhiều HTX vẫn "khát" vốn để phục vụ cho các hoạt động sản xuất sạch, thân thiện môi trường cũng như mở rộng thị trường.
Điển hình như trường hợp HTX thương mại - dịch vụ nông nghiệp Tà Lài (xã Tà Lài, huyện Tân Phú). Giám đốc Trần Quang Trung cho rằng, HTX rất cần những khoản vay ưu đãi để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cũng như phát triển thị trường, đưa sản phẩm bưởi da xanh vào các siêu thị lớn.
Hoặc như HTX nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (TP Long Khánh) đang triển khai thực hành sản xuất theo chuẩn VietGAP nên cũng rất cần có nguồn vốn vay ưu đãi.
Tương tự, bà Đỗ Thị Minh Thơm - Giám đốc HTX nông sản sạch Bàu Tre (huyện Long Thành), cho hay, HTX vẫn chủ yếu vay vốn dựa trên tài sản thế chấp. Do HTX mới được thành lập khoảng 3 năm nay nên cần có nguồn vốn để phát triển sản xuất nông sản sạch theo hướng VietGAP.
Thực tế cho thấy, với quy định vay vốn dựa trên tài sản thế chấp, nhiều HTX trong tỉnh Đồng Nai rất khó tiếp cận các dòng vốn vay lãi suất ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.
Cần giảm bớt yêu cầu khắt khe?
Nhiều HTX mong muốn tiếp cận các khoản vay với lãi suất ưu đãi nhưng còn bị ràng buộc ở các điều kiện khắt khe về báo cáo tài chính, năng lực sản xuất, tính hiệu quả của mô hình…
Như chia sẻ của ông Phạm Nhất Huy, đại diện HTX dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), HTX thường xuyên có nhu cầu vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất. Hiện, HTX đang vay khoảng 25 tỷ đồng với lãi suất thông thường từ 10-11%/năm.
Trong đó, đa phần các khoản vay này là vay thế chấp tại các ngân hàng dựa trên tài sản thế chấp là cơ sở hạ tầng, tài sản, bất động sản của HTX…
Các HTX chăn nuôi thường xuyên có nhu cầu vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất (ảnh: Tư liệu) |
Ngoài các HTX nông nghiệp "khát" vốn, theo phản ánh hiện có nhiều HTX ở Đồng Nai muốn vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường (BVMT) tỉnh để đầu tư cho các dự án về môi trường. Tuy nhiên, nguồn vốn của Quỹ BVMT có hạn nên không đáp ứng hết nhu cầu của các doanh nghiệp, HTX.
Đồng Nai là địa phương rất coi trọng công tác BVMT, do đó các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh buộc phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu theo quy định của cơ quan quản lý trước khi xả thải ra môi trường.
Đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải, khí thải, xe chuyên dụng vận chuyển rác sinh hoạt đòi hỏi tổng nguồn vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng, nên các doanh nghiệp, HTX rất cần nguồn vốn vay ưu đãi từ các quỹ, ngân hàng.
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, nguồn Quỹ BVMT của tỉnh có hạn nên sẽ ưu tiên cho những HTX, doanh nghiệp nhỏ vay để mua xe chở rác, ép rác chuyên dụng để góp phần BVMT, mỹ quan trong quá trình vận chuyển rác đến các khu xử lý.
Thanh Loan