Hiện ở vùng Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ) có 2.224 HTX, tăng 132 HTX so với năm 2016, thành lập mới có 346 HTX và giải thể 214 HTX. Trong đó, lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản có 1.266 HTX đăng ký hoạt động, chiếm 56,9% tổng số HTX.
Vẫn có điểm sáng HTX
Cùng với hàng loạt hoạt động tư vấn chính sách, Liên minh HTX 7 tỉnh Tây Bắc trong năm 2017 đã hướng mạnh các HTX chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Các HTX vùng Tây Bắc đã được các cấp ngành và Liên minh HTX hỗ trợ quảng bá thương hiệu, tìm đối tác thương mại, nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ, quản lý và tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, một số tỉnh đã hỗ trợ hiệu quả công tác xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm của các HTX như Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La…
Phần lớn các HTX nông lâm nghiệp vùng Tây Bắc chủ yếu cung cấp các dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất cho thành viên gồm các khâu dịch vụ đầu vào: Cung cấp nước tưới, làm đất, cung ứng giống, phân bón… đảm bảo điều kiện để thành viên, nông dân trên địa bàn tỉnh yên tâm sản xuất.
Một số HTX đã chủ động mở rộng các hoạt động dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch sản phẩm. Đặc biệt, các HTX sau tổ chức lại theo Luật HTX 2012 đã tiếp tục củng cố về mặt tổ chức, chủ động trong xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh. Xuất hiện một số HTX kiểu mới có mô hình tổ chức hoạt động hay, xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực địa phương có quy mô lớn.
Điển hình là các điểm sáng HTX Vĩnh Lại, HTX Thượng Nông (Phú Thọ), HTX 19/5 (Sơn La), HTX Dân Chủ (Hòa Bình), HTX Quý Hiền (Lào Cai), HTX Hưng Thịnh (Lai Châu), HTX Phú Đạt (Văn Yên, Yên Bái)…
Các điểm sáng HTX chủ động tham gia với cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở trong quá trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tiêu biểu có một số HTX tổ chức được các khâu liên kết tham gia chuỗi giá trị sản phẩm bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên như HTX Mì gạo Hùng Lô (Phú Thọ), hay HTX Thủy sản Pe Luông (Điện Biên)…
![]() |
Chăm sóc rau an toàn trên vùng cao Tây Bắc
Cần chính sách đặc thù
Trên một diễn đàn HTX vùng núi cao phía Bắc, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục KTHT và PTNT (Bộ NN&PTNT) đã nói, tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc, nông dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở khu vực này thấp nhất so với cả nước.
Cũng theo ông Trung, do hiệu quả hoạt động của các HTX còn thấp nên chưa khuyến khích được người dân tham gia vào các HTX. Một bộ phận HTX đã tổ chức lại theo Luật HTX 2012 mang tính hình thức. Các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới… chậm được tổng kết và nhân rộng.
Trong triển khai đề án phát triển 15.000 HTX kiểu mới trong nông nghiệp hiện nay, bên cạnh việc các cơ quan Trung ương rà soát các cơ chế, chính sách và bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với HTX vùng cao, mỗi tỉnh trong khu vực cần nghiên cứu xây dựng, nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới, nhất là cần tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Báo cáo Liên minh HTX 7 tỉnh Tây Bắc đã nhận diện: Những hạn chế cơ bản HTX nông nghiệp, ví như hoạt động còn yếu, chưa phát huy nguồn lực sẵn có, hiện còn nhiều HTX chủ yếu dựa vào nguồn cấp bù thủy lợi phí, hiện vẫn còn 17,8% số HTX đang hoạt động nhưng chưa chuyển đổi đúng Luật.
Hơn nữa, mối liên kết HTX – DN chưa chặt chẽ, thực trạng sản phẩm HTX phụ thuộc và bị thương lái ép giá tại chỗ không còn là nguy cơ mà đang xảy ra…
Liên minh HTX 7 tỉnh Tây Bắc kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm sửa đổi một số nội dung trong Luật HTX 2012, sớm có văn bản chỉ đạo các ngành có hướng dẫn, bố trí nguồn lực thỏa đáng để triển khai Quyết định 2261. Đặc biệt là việc triển khai xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Lưu Đoàn