Sả Java hay còn gọi là sả cỏ, có vị đắng, không ăn được, dùng làm nguyên liệu chiết suất tinh dầu và chủ yếu dùng trong công nghiệp dược phẩm. Tinh dầu sả thường dùng để sản xuất các sản phẩm làm đẹp như dầu gội đầu, chất khử mùi, giải độc rượu, xông hơi hoặc thậm chí pha vào nước để tạo dung dịch lau nhà có tác dụng đuổi muỗi hoặc tạo dung dịch sát khuẩn rửa nhà vệ sinh…
Chuyển đổi cây trồng
Sả Java là loại cây ưa nắng nóng, rất phù hợp với đất dốc, đất khô cằn của huyện Mường La.
Nhận thấy những đặc điểm đó, hai năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền địa phương đã khuyến khích, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng sả Java để lấy tinh dầu. Đây là một mô hình sản xuất khá hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Do phù hợp với điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, nên cây sả Java của xã Pi Toong phát triển khá tốt và đang được nhân rộng, làm nguyên liệu cung cấp cho HTX Sản xuất, chiết xuất tinh dầu, dược liệu và nông lâm nghiệp Mường La (gọi tắt là HTX Mường La).
Hiện cây sả được trồng tập trung trên các triền đồi dọc hai bên đường vào trung tâm xã. HTX đang có hơn 45 ha (25 ha đang cho thu hoạch, 20 ha trồng mới).
Theo những người nông dân ở đây, cây sả Java có ưu điểm phát triển tốt trên đất dốc, sinh trưởng nhanh, chịu hạn tốt, dễ chăm sóc, phù hợp với đất thời vụ hay nương trồng ngô sắn có năng suất thấp.
Khi mới trồng, mỗi tháng tưới nước 2 - 3 lần, không cần bón bất cứ loại phân nào, chỉ cần làm sạch đất, cuốc sâu 15 cm, trồng bằng tép giống già đã trồng được 2 năm tuổi là tốt nhất.
Thu hoạch sả lúc trời nắng, có thể để tươi hoặc phơi héo dùng làm nguyên liệu cất tinh dầu. Sau khi trồng 3 - 5 tháng thì thu hoạch lần đầu. Tiếp đó, cứ 45 ngày thu hoạch 1 lần. Như vậy, mỗi năm thu khoảng 5 - 7 lượt lá, năng suất trung bình 17,5 tấn lá/ ha/năm.
Mỗi tấn lá sả chiết xuất được 8,3 kg tinh dầu (giá thị trường hiện nay khoảng 400.000 đồng/kg). Đặc biệt, sả Java trồng 1 lần nhưng có thể cho thu hoạch trong 5 - 7 năm mới phải thay mới, chi phí sản xuất không quá lớn, lại cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp để phát triển và nhân rộng.
Tuy nhiên, hoạt động của HTX Mường La còn gặp không ít khó khăn, đó là vùng trồng nguyên liệu đa số là đồi núi, khó đưa máy móc thiết bị vào sản xuất; người dân chủ yếu thu hoạch theo cách thức thủ công…
Nhiều nông dân đã tham gia HTX, chuyển đổi và mở rộng diện tích trồng sả Java |
Tính đường xuất khẩu
Tinh dầu sả có nhiều công dụng như xông hơi, xông hương khử mùi, thanh lọc không khí, diệt khuẩn, diệt côn trùng, đuổi muỗi... cả trong ô tô, trong nhà, tại các trung tâm thương mại, cửa hàng, bệnh viện, trường học.
Tinh dầu sả có thể kết hợp với các mùi hương khác trong sản xuất nước hoa; có thể được sử dụng để làm giảm đau nhức chân, tay...
Nhận thấy triển vọng từ trồng sả, tháng 8/2018, HTX vận động nông dân tham gia HTX, chuyển đổi và mở rộng diện tích trồng sả Java. Với những thành viên chưa có vốn, HTX hỗ trợ 30 - 50% số tiền mua cây giống.
HTX cũng tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sả cho các hộ tham gia mô hình, ký hợp đồng thu mua sản phẩm cho các hộ dân theo giá thị trường và cam kết tối thiểu không dưới 1 triệu đồng/tấn.
Nhờ sự liên kết này, HTX có vùng nguyên liệu ổn định phục vụ hoạt động sản xuất tinh dầu, vừa bảo đảm đầu ra cho sản phẩm cây trồng, vừa ổn định thu nhập của các thành viên.
Để sản xuất tinh dầu, HTX đã chủ động tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất; đồng thời, đầu tư trang thiết bị, xây lò chiết xuất tinh dầu, tìm kiếm thị trường và tiến tới đa dạng sản phẩm, xây dựng thương hiệu “Sả Java Mường La” trên thị trường.
Đến nay, sản phẩm tinh dầu của HTX chủ yếu là tinh dầu dạng lọ có vòi xịt và lọ nắp đậy dùng cho đèn xông tinh dầu, giá bán dao động 150 - 250 nghìn đồng/ chai tùy loại. Doanh thu 3 tháng đầu năm 2019 của HTX đạt khoảng 300 triệu đồng, thu nhập bình quân các thành viên 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài các thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Tuyên Quang... HTX đang tính toán các điều kiện để xuất khẩu sản phẩm, nhằm đem lại nguồn thu ổn định cho các hộ thành viên, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Trước mắt, HTX mong muốn có thể mở rộng diện tích nhà xưởng và khu điều hành, đầu tư thêm trang thiết bị chiết xuất tinh dầu để đáp ứng hoạt động khi diện tích vùng nguyên liệu mở rộng.
Hồng Nhung