Những năm gần đây, thời tiết, khí hậu thay đổi bất thường, dịch bệnh nhiều ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất lúa của nông dân. Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, trừ chi phí đi người dân thậm chí không có lãi.
Bắt cây ra quả theo ý người trồng
Trăn trở trước thực tế đó, cán bộ HTX đi học hỏi các mô hình trồng trọt cho hiệu quả cao ở các địa phương lân cận. Sau khi rà soát những loại cây trồng đã có mặt tại địa phương, HTX cùng chính quyền xã đã quyết định chọn 2 loại cây là na bở và chuối tiêu để trồng mở rộng.
Người người, nhà nhà hợp nhau lại cải tạo đồng đất. Đất đồi được đưa xuống những khu vực đồng thấp hoặc thung lũng dưới chân núi. Sau đó, chuối, na mọc lên bạt ngàn, vườn nọ tiếp nối vườn kia chẳng khác nào rừng.
Ban đầu, chuối được trồng tự phát, thu hoạch rải rác quanh năm. Trung bình buồng đẹp bán được 200.000 đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại còn thấp, lãnh đạo HTX và một số thành viên đã học hỏi nhiều mô hình trồng chuối khác cùng với kinh nghiệm tích lũy, họ “bắt” cây chuối trỗ buồng vào mùa hè và cho thu hoạch vào dịp giáp Tết. Mỗi buồng chuối đẹp thu hoạch trong dịp cuối năm được thương lái mua với giá trung bình 1 triệu đồng, những buồng xấu hơn thì mua với giá dao động từ 500.000 đồng/buồng.
![]() |
Bà Lượt đang chăm sóc vườn chuối tiêu của gia đình mình (ảnh T.Vân) |
Bà Nguyễn Thị Lượt (thôn 9, xã Liên Khê) - một trong những thành viên tiên phong trong việc trồng chuối cho biết: "Hiện tại, nhà tôi canh tác khoảng 8 sào chuối lùn. Sản phẩm chuối Liên Khê hoàn toàn sạch, không phun thuốc trừ sâu hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Những năm chuối được giá, gia đình thu được từ 150-200 triệu đồng/năm. Cũng nhờ có nguồn thu nhập đều đặn này, kinh tế gia đình ngày càng ổn định, khá giả".
Tiếng tăm của chuối lùn Liên Khê cứ thế lan xa, vượt khỏi phạm vi thành phố mà theo chân thương lái sang Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nội...
Để bảo vệ sản phẩm của mình, HTX đã hoàn tất thủ tục và được cơ quan chức năng cấp thương hiệu cho sản phẩm chuối Liên Khê “Chứng nhận thương hiệu tập thể”.
Với cây na bở cũng vậy, HTX hướng dẫn người trồng na chủ động được số vụ trong một năm bằng việc cắt tỉa cành, thúc đẩy cây ra hoa, sau đó chủ động thụ phấn, khống chế số lượng quả. Vậy nên, sau mùa na chính vụ, nhiều thành viên vẫn có mùa na gối vụ bán với giá cao hơn.
Với phương pháp ghép cho cây con có 100% đặc tính của cây mẹ, đồng thời khả năng chống chịu sâu bệnh và hạn tốt hơn những cây khác. Sau khi trồng na từ 18 tháng trở lên, cây na bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên. Na chính vụ thường được thu hoạch từ cuối tháng 8 đến hết tháng 11.
Phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa
Ông Trịnh Văn Tân - thành viên HTX Liên Khê chia sẻ: "HTX hướng dẫn gia đình tôi trồng na theo hàng lối để dễ chăm sóc, bón phân đầy đủ để cây phát triển tốt. Biết áp dụng hoa học kỹ thuật vào chăm sóc, cây na cho thu nhập cao hơn các loại cây khác. Tới đây gia đình tôi sẽ trồng thay mới những gốc na già để cây phát triển tốt hơn".
![]() |
Thành viên HTX tranh thủ thụ phấn cho cây na bở vào buổi tối (Ảnh T. Vân) |
Trồng na một lần có thể thu hoạch trong hàng chục năm tiếp theo không phải trồng lại. Đặc biệt, quả na rất dễ bán tại thị trường trong nước, thu hoạch đến đâu bán hết ngay đến đó. Thậm chí, những năm gần đây, thương lái khắp nơi ồ ạt đổ về Thủy Nguyên “săn lùng” na bở, do diện tích trồng na bở của miền Bắc ngày càng thu hẹp.
Từ một xã miền núi của huyện Thủy Nguyên nhờ mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, cuộc sống của người dân nơi đây đã từng bước được cải thiện rõ rệt, có của ăn của để, con cái được học hành đến nơi đến chốn…
Thành công bước đầu trong việc quy vùng sản xuất cây na và chuối, nhưng ông Nguyễn Văn Hùng- Giám đốc HTX Liên Khê trăn trở: HTX mới chỉ thành công ở việc phát triển quy hoạch vùng trồng, lựa chọn cây trồng cho năng suất cao, sản phẩm sạch đạt chứng nhận VietGAP... Tuy nhiên việc bao tiêu sản phẩm đang dừng lại ở số lượng khiêm tốn: 30ha na... Hiện nay, HTX đang hoàn thiện hồ sơ để sản phẩm na bở Liên Khê đạt chứng nhận OCOP. Đồng thời tăng cường liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp để bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người trồng. Để làm được những việc như trên, HTX cần sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức tín dụng cho vay vốn... để đầu tư khu nhà xưởng sơ chế, kho lạnh bảo quản hoa quả sau khi thu hái... Có như vậy, HTX mới thực sự phát triển bền vững".
Thanh Vân