Đến nay, có rất ít các sản phẩm từ cây sen Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch. Gần đây nhất, mới chỉ có 15 tấn củ sen đầu tiên ở Đồng Tháp được xuất sang Nhật Bản. Một số sản phẩm lụa từ tơ sen tuy có giá trị kinh tế cao nhưng cũng xuất khẩu rất khiêm tốn. Còn lại hầu hết các sản phẩm khác như hạt sen, lá sen, hoa sen, ngó sen, tâm sen… sau khi sơ chế, chế biến cũng chỉ tập trung tiêu thụ nội địa.
Chưa tương xứng với tiềm năng
Ông Lê Hoài Đông, Giám đốc HTX Sen Việt (Đồng Tháp) cho biết, HTX có nhiều sản phẩm như trà tim sen, bột sữa sen, trà lá sen và cũng ký kết hợp tác kết nối xuất khẩu nhưng lượng hàng xuất khẩu các sản phẩm từ sen vẫn còn nhỏ giọt, thị trường tiêu thụ chính vẫn là trong nước.
Theo ông Lã Quang Khanh, Giám đốc HTX Làng nghề Sen (Hà Nội), hiện phần lớn sen của HTX là bán tươi, trong đó hoa sen phục vụ nhu cầu cắm hoa và ướp trà của chính HTX và một số HTX sản xuất trà ở Thái Nguyên.
HTX sen Vân Đài (Thái Bình) là mô hình tiêu biểu trong sản xuất sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch hiệu quả. |
Khảo sát cho thấy, thị trường Hà Lan, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc… có nhu cầu về các sản phẩm chế biến từ cây sen rất lớn. Trong đó, Nhật Bản có nhu cầu khoảng 100.000 tấn/năm; Trung Quốc vào khoảng 3 triệu tấn mỗi năm. Điều này là do xu hướng sử dụng các thực phẩm thực vật đang lên ngôi.
Vậy nhưng, nhìn vào ngành hàng sen trong nước, người dân, HTX, doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được hết tiềm năng của ngành hàng này để phục vụ xuất khẩu.
Lý do được đưa ra là nhiều HTX chuyên canh trong thời gian dài nên cây sen bị bệnh hại rất nhiều, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và lợi nhuận của thành viên. Điều này cũng khiến HTX chưa chủ động được sản lượng sen ổn định từ đó dẫn đến khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ, đầu tư chế biến và xuất khẩu.
Việc sản xuất bấp bênh trong những năm qua còn được cho là do sen vẫn chưa chính thức được công nhận là quốc hoa của Việt Nam dẫn đến hình ảnh loại cây này trên thị trường quốc tế vẫn còn mới mẻ.
Ông Trần Tiến Sỹ, Giám đốc HTX Sen Hào Thành (Hà Tĩnh) cho biết, cây sen vốn đa giá trị, được khẳng định trong thơ ca. Sen không chỉ sử dụng trực tiếp, chế biến thành các sản phẩm mà còn là nguyên liệu chế tác những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị nhưng đến nay vẫn chưa chính thức được công nhận là quốc hoa của Việt Nam.
Năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức bầu chọn quốc hoa, tỷ lệ chọn hoa sen đạt 81%. Tuy nhiên đến nay, chưa có một quyết định chính thức nào công bố lựa chọn hoa sen làm quốc hoa.
Lấp "khoảng trống" pháp lý
Theo đại diện của các HTX, nếu sen được chính thức công bố là quốc hoa sẽ không chỉ giúp các HTX, nông dân ở các địa phương trên cả nước có định hướng rõ ràng trong phát triển sen theo chuỗi, đưa cây sen trở thành một ngành hàng kinh tế quan trọng.
Đặc biệt, khi sen được công nhận chính thức là quốc hoa, thì đi liền với đó sẽ là kế hoạch cụ thể từ Nhà nước, bộ ngành, địa phương trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển hình ảnh, thương hiệu loại cây trồng này cũng như các sản phẩm chế biến từ sen trên thị trường quốc tế một cách cụ thể.
Có lẽ vì chưa được công nhận là quốc hoa nên hiện nay, cây sen vẫn chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia. Các tiêu chuẩn kỹ thuật về trồng cây sen mà các HTX đang áp dụng một phần do kinh nghiệm và một phần là do mỗi địa phương ban hành một quy chuẩn tạm thời. Điều này khiến các HTX không có sự thống nhất trong hành trình đưa cây sen vươn xa trên thị trường.
Ông Huỳnh Văn Dũng, Tổ trưởng Tổ hợp tác Sen Hưng Thạnh (Đồng Tháp), cho biết nếu có tiêu chuẩn kỹ thuật cho cây sen sẽ giúp người dân thuận lợi trong chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh cũng như mở rộng diện tích.
Theo các chuyên gia, việc lựa chọn sen là quốc hoa cần rất nhiều bước từ khảo sát, lý giải tính hợp lý, tác động xã hội… thông qua các cấp ngành từ địa phương đến Trung ương. Nhưng việc nông dân, HTX mong muốn hoa sen chính thức được công nhận là quốc hoa vốn cũng là mong mỏi của nhiều người dân, nhiều địa phương. Bởi sen Việt Nam đã bắt đầu vươn ra thị trường thế giới nhưng chưa xứng tầm với tiềm năng.
Việc công nhận sen là quốc hoa cũng giúp người dân, HTX, doanh nghiệp nâng cao ý thức trong bảo vệ, phát triển theo chuỗi giá trị, tránh tình trạng phát triển ở nhiều tỉnh thành trên cả nước nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu kết nối giữa các địa phương như hiện nay. Đồng thời, khi được công nhận là quốc hoa sẽ mở ra nhiều cơ hội trong quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại sen Việt Nam ra thế giới.
PGS.TS. Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho rằng, cần sớm công nhận hoa sen là quốc hoa hoặc nếu chưa thể, Nhà nước cần nhanh chóng ủy quyền cho một bộ ngành, cơ quan cụ thể có thể chịu trách nhiệm việc này.
Ngay trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) hiện nay cũng chưa quyết định hoa sen là quốc hoa. Điều này chưa thể khơi dậy hết tinh thần tự hào của người dân, HTX về hoa sen đối với bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, phát triển sen theo chuỗi giá trị với sự tham gia của các tổ hợp tác, HTX cũng là một hướng đi hiệu quả và là một trong những cách quảng bá sản phẩm, hình thành nhãn hiệu sen Việt Nam.
Để làm được điều này, các chuyên gia cho rằng cần xem xét để các chính sách phát triển nông nghiệp của Chính phủ như: Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về khuyến khích liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hay Nghị định số 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông, Quyết định 703/QĐ-TTg về nghiên cứu, sản xuất giống đi vào thực tiễn. Vì muốn đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị chuyên nghiệp, đa dạng sản phẩm thì điều kiện cần và đủ đối với các tổ hợp tác, HTX trồng sen là nguồn vốn và nguồn giống chất lượng.
Huyền Trang