Chị Nguyễn Thị Hằng, ở xóm Sen 1 cho biết, trước đây gia đình chị có 500 m2 đất trũng trồng ruộng lúa nhưng cho hiệu quả kinh tế rất thấp. Từ 2 năm nay, chị Hằng đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen, đạt được lợi nhuận cao hơn.
HTX phát triển nghề trồng sen
Theo chị Hằng, trồng sen cho thu hoạch nhiều thứ: ngó sen, hoa sen, gương sen, củ sen… Cây sen trồng khoảng 40 ngày là có thể thu hoạch ngó sen, khoảng 30 ngày tiếp sau đó, sen bắt đầu ra bông thì hái hoa sen để bán. Những hoa sen chưa hái bán sẽ tiếp tục phát triển, hạt chín thì thu hoạch gương sen bán cho HTX Sen quê Bác.
Trồng sen mang lại thu nhập cao hơn 3 - 4 lần so với trồng lúa |
Với một sào Trung Bộ, năm ngoái, gia đình chị Hằng bán được 3 triệu đồng tiền hoa sen, bán gương sen được 6 triệu đồng, trừ chi phí còn thu lãi hơn 8 triệu đồng.
Chị Hằng cho biết, sen là loại cây dễ trồng, không tốn công chăm sóc nhiều. Trồng sen chỉ mất 4-5 tháng kể từ khi đưa vào trồng, chăm sóc và thu hoạch, nếu được mùa và không bị sâu bệnh phá hoại sẽ cho hiệu quả kinh tế 3 - 4 lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích.
Tại làng Kim Liên, HTX Sen quê Bác ra đời vào cuối năm 2018 với 7 thành viên. Đến nay, HTX đã thu hút được hơn 20 thành viên tham góp vốn, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là trồng và chăm sóc, cung ứng các giống sen; chế biến sâu các sản phẩm về sen. Hiện, HTX đã có nhiều loại sản phẩm: trà lá sen, trà ướp bông sen, trà tim sen, trà liên tử, hạt sen sấy giòn, củ sen muối chua ngọt, gạo làng sen.
Anh Phan Kim Tiến, thành viên sáng lập HTX Sen quê Bác cho biết, từ khi ra đời, HTX được tiếp quản 4ha diện tích ao hồ tại Kim Liên để trồng sen. Để lựa chọn các loại sen phù hợp với khí hậu, chất đất, tạo vẻ đẹp, đồng thời đa dạng, phong phú các giống sen, trong hơn 2 năm qua, HTX đã thử nghiệm trồng thành công 52 giống sen được đưa về từ mọi miền đất nước và nhập từ nước ngoài, trong đó 15 giống nội địa, 37 giống ngoại. Trong đó, nhiều giống sen quý hiếm được trồng thành công như: sen ngàn cánh, sen đỏ Bắc Kinh, sen Quan Âm…
HTX Sen quê Bác đã đầu tư hệ thống máy móc chế biến sâu các sản phẩm từ cây sen: máy sấy, máy hấp, máy ủ, máy đóng bao bì, máy hút chân không... Để có đủ nguyên liệu phục vụ chế biến, HTX liên kết với các hộ dân địa phương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng sen. HTX hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm bón và bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, ngoài vùng nguyên liệu hoa sen do HTX trực tiếp đầu tư trồng 12,5 ha, còn có 45 hộ dân liên kết được HTX đã cung ứng nguồn giống trồng sen với diện tích 20 ha. HTX bao tiêu thu mua toàn bộ sản phẩm do người dân trồng sen, từ lá, bông, gương.
Anh Tiến cho hay, hiện với tổng diện tích nguyên liệu hơn 30 ha vẫn chưa đủ đáp ứng nguyên liệu đầu vào cho HTX. Vì vậy, kế hoạch thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục phát triển liên kết thêm nhiều hộ nông dân mở rộng diện tích trồng sen ở xã Kim Liên và mở rộng ra nhiều xã ở huyện Nam Đàn.
Xứng danh sản phẩm OCOP
Được biết, từ khi được triển khai ở tỉnh Nghệ An, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã hỗ trợ cho nhóm sản phẩm sen Kim Liên, đưa thành sản phẩm chủ lực của làng quê của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
HTX Sen quê Bác có đến 5 sản phẩm chủ lực được lựa chọn để tham gia OCOP |
Hưởng lợi từ chương trình, HTX Sen quê Bác có đến 5 sản phẩm chủ lực được lựa chọn để tham gia OCOP. Trong đó, có 2 sản phẩm đang xây dựng hướng đến xuất khẩu là kim chi sen và trà sen.
Theo anh Tiến, các sản phẩm của HTX bao gồm 3 nhóm: các loại trà sen; sản phẩm từ hạt, củ sen; và gạo làng Sen. Tất cả các sản phẩm đều được đóng gói đẹp mắt, có nhãn mác đầy đủ, đã tạo được thị trường tiêu thụ ở các thành phố lớn và nhiều tỉnh, chủ yếu qua kênh của các siêu thị, các nhà hàng, khách sạn.
Nhóm sản phẩm trà sen của HTX khá đang dạng. Để tạo ra sản phẩm trà ướp bông sen, HTX sử dụng những giống sen nổi tiếng ở Việt Nam, có hương thơm quyến rũ, như: Sen Bách Diệp (Hồ Tây), Sen Bạch Liên (Sen Huế), Sen Đồng Tháp, sen Tứ Thời và Newbrocad. Quy trình sản xuất trà ướp bông sen được thực hiện nghiêm ngặt.
Vào mùa sen nở, những bông sen to nhất còn đang hàm tiếu (chúm chím nở) sẽ được cắt vào khoảng 4 giờ sáng, khi chưa có ánh sáng mặt trời. Hoa sen được mang về cắm vào nước, sau đó nhẹ nhàng tách cánh hoa và bỏ vào khoảng 12g trà Shan Tuyết (loại Trà Tuyết Shan Mường Lống của huyện Kỳ Sơn được đánh giá là đặc sản thơm ngon nổi tiếng), rồi chụp bông hoa lại và quấn bằng dây giang để giữ hương. Ủ như vậy sau một ngày thì mở lá ra và đưa vào sấy thăng hoa; để sản phẩm tối ưu, công đoạn sấy mất 3 ngày 3 đêm.
Sấy thăng hoa là phương pháp sấy sản phẩm đưa về ngưỡng âm 45 độ C sau đó nâng nhiệt đột ngột trong môi trường chân không, từ đó nước sẽ chuyển từ thể rắn sang thể khí mà không qua thể lỏng, do vậy sản phẩm giữ được hương vị và màu sắc tốt nhất. Với công nghệ sấy này, người thưởng trà sẽ được thưởng thức gần như nguyên vẹn giá trị với hương vị trà và 80% màu sắc hoa.
Bên cạnh các sản phẩm trà tim sen, trà lá sen thì hạt sen sấy giòn là một sản phẩm hút khách của HTX Sen quê Bác. Từ xưa, hạt sen đã được biết đến với công dụng chữa mất ngủ, tác dụng an thần, ổn định huyết áp, phòng trị bệnh đau đầu. Tại HTX Sen quê Bác, hạt sen sau khi thu hoạch sẽ được bóc vỏ và xử lý vệ sinh, đưa vào buồng sấy thăng hoa trong môi trường chân không với tác nhân dầu. Nhờ được chế biến bằng quy trình sấy nhiệt, đóng gói khép kín theo tiêu chuẩn, không những đảm bảo nguyên vẹn hương vị đặc trưng và thành phần dinh dưỡng của hạt sen mà còn tạo ra những hạt sen đều, chắc, to và đẹp mắt. Do không dùng chất bảo quản, không dùng chất hỗ trợ tăng độ sáng màu, nên sản phẩm hạt sen sấy giòn của HTX vừa thơm ngon, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm. Với nhu cầu sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên ngày càng cao, hạt sen sấy đã trở thành món ăn vặt bổ dưỡng được nhiều người ưa thích.
Chu Khôi