Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Liên minh HTX Việt Nam ngày 21/6/2018 |
Thưa Chủ tịch, xin Chủ tịch cho biết về tình hình phát triển của kinh tế hợp tác (KTHT), HTX trên cả nước nói chung và của Liên minh HTX nói riêng trong năm qua.
Phát triển KTHT, HTX là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, có vai trò và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội đất nước, đã được khẳng định trong Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ V, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX; Kết luận của Bộ Chính trị số 56-KL/ TW ngày 21/2/2013; Luật HTX 2012 và hệ thống các văn bản, nghị quyết liên quan.
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ cùng sự nỗ lực của cả hệ thống Liên minh, trong năm 2018 tình hình xây dựng HTX đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Năm 2018, số lượng HTX, Liên hiệp HTX và tổ hợp tác (THT) đều tăng từ 8,2 - 25,4% so với năm 2017; 57/63 tỉnh, thành phố tăng số lượng HTX.
Tính đến hết năm 2018, cả nước có 22.456 HTX, trong đó, có 13.712 HTX nông nghiệp, tỷ lệ hoạt động có hiệu quả gần 50%, thành lập mới 1.851 HTX nông nghiệp; 7.563 HTX phi nông nghiệp, thành lập mới 162 HTX; 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, tăng 4 quỹ so với năm 2017.
Cả nước có 74 Liên hiệp HTX ở 36 tỉnh, thành phố, tỷ lệ hoạt động có hiệu quả gần 50%, thành lập mới 15 Liên hiệp HTX và 103.435 THT đăng ký hoạt động (THT nông nghiệp chiếm 67,2%), tăng 7.840 THT so với năm 2017.
Các HTX có tổng số 6.950.000 thành viên, tăng 95.500 thành viên so với năm 2017; tổng số lao động thường xuyên 2.480.000 người; tổng giá trị tài sản là 87.000 tỷ đồng, tăng 9.100 tỷ đồng so với năm 2017; hầu hết các HTX bảo toàn vốn và tăng doanh thu. Liên hiệp HTX có 571 HTX thành viên, hoạt động chủ yếu là tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều Liên hiệp HTX có quy mô lớn, quản trị hiện đại như Liên hiệp HTX thương mại Tp.HCM (Saigon Co-op) có 28 HTX thành viên, 102 siêu thị, 3.000 cửa hàng liên kết. THT thu hút khoảng 1 triệu thành viên, tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần xóa đói, giảm nghèo, tập dượt sản xuất tập thể, chuyển thành HTX; có nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả như hội quán ở Đồng Tháp, THT trong các làng nghề ở Hà Tĩnh, CLB sản xuất ở Hà Nội…
Có thể thấy, khu vực KTHT, HTX và các thành viên đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, cung ứng hàng hóa tiêu dùng cho ổn định giá cả thị trường ngày càng tăng, là thành tố quan trọng đóng góp tích cực cho tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Các HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp là đầu mối liên kết với các doanh nghiệp hình thành các chuỗi giá trị ở thị trường trong nước và toàn cầu.
Phần lớn các HTX sản xuất nông sản an toàn cung ứng ra thị trường. Các THT, HTX là “bà đỡ” tạo việc làm cho các lao động tay nghề thấp, tuổi cao chuyển về từ các khu công nghiệp. Các THT, HTX, Liên hiệp HTX ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần nâng cao trình độ sản xuất, tạo việc làm và thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển hệ thống chính trị, củng cố an ninh quốc phòng.
Hệ thống Liên minh HTX, từ Trung ương đến địa phương, đã làm tốt các nhiệm vụ, chức trách là đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên, đóng vai trò nòng cốt, chủ yếu trong việc thành lập mới HTX, THT, Liên minh HTX cũng như giám sát hoạt động của HTX.
Hệ thống Liên minh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tư vấn hỗ trợ và cung ứng các dịch vụ cho HTX, tham gia, phối hợp có hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về KTHT, HTX; thành viên Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX ở trung ương và địa phương; hợp tác quốc tế với vai trò là thành viên của Liên minh HTX quốc tế, khu vực châu Á - Thái Bình Dương...
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo |
Như vậy, có thể thấy HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị là một hướng đi đúng và rất cần thiết trong nhiệm vụ xây dựng 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả mà Thủ tướng Chính phủ giao cho các cấp, các ngành trong đó có Liên minh HTX. Chủ tịch có thể phân tích rõ hơn về vai trò của HTX trong chuỗi giá trị này?
Chuỗi giá trị là liên kết chặt chẽ giá trị gia tăng của các hoạt động, quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ nào đó. Trong đó diễn ra các hoạt động cần và đủ để tạo ra một hoặc một nhóm sản phẩm cùng các hoạt động phân phối, tiêu thụ sản phẩm để tổng giá trị được gia tăng ở mỗi công đoạn của chuỗi giá trị.
Với đặc điểm nông nghiệp nước ta đang chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ theo hướng áp dụng công nghệ cao, khai thác tiềm năng và lợi thế của địa phương, tiến lên nền sản xuất hiện đại, an toàn, bền vững và hiệu quả, việc xây dựng tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị với vai trò nòng cốt là các HTX nông nghiệp là yêu cầu bức thiết để mở ra hướng đi mới nhằm cơ cấu lại nông nghiệp có hiệu quả.
Với HTX, sản xuất nông nghiệp sẽ tránh được hiện tượng mang tính nhỏ lẻ, phân tán, manh mún, thiếu vốn, tập quán canh tác lạc hậu, gói gọn trong khu dân cư, không theo một quy trình sản xuất thống nhất nào nên sản phẩm thường bị thương lái ép giá.
Việc hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sẽ nâng cao giá trị gia tăng, thu nhập của các cá nhân và thành phần tham gia, tạo ra sức mạnh về đầu tư, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất sản phẩm với số lượng, chất lượng cao và ổn định cung cấp theo hợp đồng.
Nhờ HTX, mối liên kết lớn giữa sản xuất và tiêu thụ tránh thông qua các khâu trung gian (liên kết dọc) tạo thị trường ổn định minh bạch và tránh bị ép giá, ép cấp làm thiệt hại cho người sản xuất.
Thông qua HTX, các hợp đồng sản xuất, cung cấp nguyên liệu giữa hộ sản xuất và doanh nghiệp thực hiện minh bạch, công bằng và tránh sự tranh mua, tranh bán trong phân phối thu nhập (thông qua giá) cho từng khâu trong chuỗi sản xuất.
Có thể thấy, việc phát triển theo chuỗi giá trị, với hạt nhân là HTX sẽ giúp tăng cao chuỗi giá trị nông sản Việt, đưa nền nông nghiệp Việt Nam bước sang một giai đoạn mới, tiếp tục bứt phá phát triển theo chiều hướng hội nhập sâu rộng vào chuỗi nông sản toàn cầu nhờ tiết giảm đáng kể về mặt chi phí tài chính trong kinh doanh; đồng thời giúp cải thiện tính linh hoạt, hiệu quả thời gian và chất lượng dịch vụ.
Có HTX và thông qua doanh nghiệp, người dân sẽ được hỗ trợ đầu vào, nắm vững kỹ thuật sản xuất, có vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp, hình thành vùng nguyên liệu sản xuất và đặc biệt là bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Với sự hỗ trợ của HTX, người dân còn xác định được những sản phẩm mà xã hội cần, trực tiếp sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Thực tiễn tại các HTX xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi thành công, chi phí đầu vào thấp hơn 8 - 12% so với trước đó, chất lượng sản phẩm cao hơn, doanh thu tăng gấp 2 lần, thu nhập của thành viên tăng 36% do chi phí đầu vào giảm, giá bán sản phẩm tăng…
Hơn nữa, với Quyết định 461 của Thủ tướng, việc xây dựng 15.000 HTX nông nghiệp hiệu quả sẽ đồng nghĩa với việc hình thành được hệ thống đồng trục cho gần 9 triệu hộ nông dân cùng các HTX, các doanh nghiệp tạo chuỗi khép kín, như hoàn chỉnh chu trình sản xuất từ khu vực tổ chức sản xuất, vùng nguyên liệu, chế biến và xúc tiến thương mại, trên cơ sở đảm bảo mục tiêu chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp.
Đến nay, việc triển khai xây dựng HTX gắn với chuỗi giá trị của hệ thống Liên minh đã có những thành tích gì và có khó khăn, vướng mắc gì, thưa Chủ tịch?
Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế tập thể và các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao, năm 2018, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã huy động các nguồn lực để hỗ trợ, xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị.
Trong năm 2018, Liên minh đã triển khai hỗ trợ, xây dựng 77 mô hình HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm tại 57 tỉnh, thành phố; mỗi HTX được hỗ trợ 220 - 250 triệu đồng và vay vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, tư vấn đào tạo cán bộ, mua nguyên liệu, máy móc, thiết bị, đầu tư cơ sở chế biến, xúc tiến thương mại và đầu tư; trong đó, hỗ trợ cho 11 HTX tiểu thủ công nghiệp, 66 HTX nông nghiệp.
Việc hỗ trợ đã giúp HTX nâng cao năng lực quản trị, tăng tài sản, thành viên là hộ nghèo sản xuất hàng hóa, từng bước thoát nghèo; các HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, chi phí sản xuất đầu vào giảm 5 - 10%, giá cả đầu ra tăng hơn 10%, sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cung ứng ra thị trường; chương trình xây dựng chuỗi giá trị của Liên minh HTX Việt Nam tác động đến các tỉnh, thành phố bổ đã sung chính sách hỗ trợ, giao cho Liên minh HTX tỉnh, thành phố xây dựng HTX theo chuỗi giá trị.
Đến hết năm 2018, cả nước có hơn 1.300 HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn sản phẩm, ký kết hoạt động tiêu thụ sản phẩm dài hạn với doanh nghiệp. Tuy tỷ lệ HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị so với tổng số HTX ở các vùng kinh tế còn thấp, nhưng đang có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, việc xây dựng HTX gắn với chuỗi giá trị vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó nổi lên là việc hiểu biết về xây dựng chuỗi giá trị của các HTX còn yếu. Nhân lực, cơ sở vật chất, vốn đối ứng, năng lực quản trị và việc huy động các nguồn lực xây dựng chuỗi của HTX còn nhiều hạn chế. Vì thế, các tổ công tác của Liên minh HTX Việt Nam mất nhiều thời gian để củng cố năng lực quản trị HTX, tư vấn xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ và vốn, làm kéo dài thời gian triển khai các công việc hỗ trợ.
Bên cạnh đó, nguồn lực nhà nước phân bổ cho xây dựng HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị còn hạn chế; Nhà nước chưa có khoản mục ngân sách riêng để hỗ trợ HTX mà sử dụng kinh phí từ Chương trình Mục tiêu quốc gia nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, mức hỗ trợ chưa quy định cụ thể.
Vậy, Liên minh HTX Việt Nam có những dự định gì trong năm 2019, thưa Chủ tịch?
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế tập thể cũng như phát huy hiệu qủa, thành tích hoạt động của năm 2018, trong năm 2019 Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục hoạt động có hiệu qủa, xây dựng hệ thống vững mạnh, tiếp tục đóng vai trò nòng cốt và quan trọng thúc đẩy KTHT, HTX phát triển nhanh, bền vững.
Trong đó, Liên minh HTX Việt Nam đã đặt chỉ tiêu thành lập mới ít nhất 7.000 THT, 2.500 HTX và 25 Liên hiệp HTX. So với năm 2018, mỗi Liên minh HTX tỉnh, thành phố thành lập mới HTX tăng 10% tổng số HTX trở lên, thành lập 1 Liên hiệp HTX trở lên, HTX hoạt động có hiệu quả đạt từ 55% trở lên, tổng số cán bộ quản lý HTX có trình độ sơ cấp trở lên tăng 10%, số thành viên của HTX tăng 8%, thu nhập của thành viên HTX tăng 10% trở lên. Hệ thống Liên minh HTX Việt Nam và các tỉnh, thành phố hỗ trợ, xây dựng mới 200 mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị.
Phải bảo đảm rằng KTHT, HTX tiếp tục đóng góp tích cực cho tăng trưởng bền vững, đảm bảo công tác an sinh xã hội, ổn định chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Về phía Liên minh, năm 2019, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đoàn, Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam; đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Thường vụ, Thường trực, hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tăng cường liên kết hệ thống với phương châm “Đoàn kết, Kỷ cương, Bứt phá, Sáng tạo, Hiệu quả”.
Xây dựng hệ thống Liên minh HTX Việt Nam vững mạnh, tiếp tục đóng vai trò nòng cốt, quan trọng trong phát triển KTHT, HTX. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tài chính, tăng cường liên kết chặt chẽ hệ thống trong mọi hoạt động, nhất là hoạt động cung ứng dịch vụ cho HTX.
Thống nhất tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành theo quy định của Điều lệ. Bảo đảm công tác thông tin báo cáo kịp thời, chất lượng; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, viên chức và người lao động.
Huy động mọi nguồn lực để thực hiện một số giải pháp trọng tâm, bứt phá như đẩy mạnh công tác tư vấn, thành lập và hoạt động của các HTX, trong đó Liên minh HTX các tỉnh, thành phố phải đóng vai trò nòng cốt và quan trọng phát triển KTHT, HTX; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, xây dựng chủ trương và chính sách.
Liên minh HTX Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả, xem đây là giải pháp đột phá để tuyên truyền, tạo hiệu ứng tác động lan tỏa sinh động đến hiệu qủa của Luật HTX 2012, tạo điều kiện cho HTX huy động nguồn lực sản xuất.
Phấn đấu trong năm 2019, số HTX thành viên của Liên minh HTX tỉnh, thành phố tăng khoảng 20% so với năm 2018, chiếm 80% trở lên so với tổng số HTX của các tỉnh, thành phố; 100% Liên minh HTX các tỉnh, thành phố có Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, thực hiện quy định thông tin, báo cáo đúng thời hạn, chất lượng theo Quyết định số 1120/QĐ-LMHTXVN ngày 26/10/2018 của Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam; 30 - 50% cán bộ được tham gia đào tạo, đào tạo lại, chú trọng tư vấn, hỗ trợ xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, hệ thống pháp luật, chính sách của Nhà nước về HTX ngày càng được hoàn thiện, cùng với những tín hiệu mới đang tác động tích cực tới phong trào HTX, chúng ta có niềm tin rằng, HTX kiểu mới sẽ phát huy tiềm năng của mình, góp phần xứng đáng và toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội trong phát triển đất nước trong bối cảnh cạnh tranh phát triển ngày càng gay gắt của thời đại toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hồng Nhung ghi