Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ và Liên đoàn HTX CHLB Đức (DGRV) vừa phối hợp tổ chức thành công hội thảo quản lý và xử lý rủi ro trong hoạt động quỹ hỗ trợ phát triển HTX địa phương, thu hút các đoàn lãnh đạo Liên minh HTX địa phương và đội ngũ cán bộ quỹ này ở 13 tỉnh, thành phố, bao gồm Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang và Lạng Sơn.
Sức hấp dẫn từ hội thảo
Suốt 2 ngày diễn ra (ngày 7 - 8/5), hội thảo luôn cuốn hút vào những tình huống "muôn vẻ" phát sinh trên thực tiễn cho vay vốn HTX tại Việt Nam, được bổ sung làm rõ hơn từ những kỹ năng hoạt động tín dụng HTX của DGRV.
Hội thảo mang tính tập huấn, nên các chuyên gia DGRV (gồm ông Christinan Albrecht và ông Phạm Quang Vinh), đã cùng truyền đạt kiến thức, đồng thời phân tích từng phần kỹ năng nghiệp vụ tín dụng và quản trị rủi ro ở các quỹ hỗ trợ HTX.
Với phương ngôn "Không đợi đến khi thất thoát, chúng ta mới nghĩ đến cách giải quyết. Mà cần phải tìm hiểu những dấu hiệu cảnh báo thất thoát từ trước", chuyên đề của DGRV đi vào các nội dung giám sát khoản vay, nguyên nhân phá sản, dấu hiệu nhận biết sớm và phương pháp xử lý khoản vay có vấn đề, xác định tình hình khoản vay và cách chăm sóc toàn diện khách vay vốn…
![]() |
Hội thảo Phú Thọ về quản lý và xử lý rủi ro tín dụng quỹ hỗ trợ HTX
Theo ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc DGRV tại Việt Nam, hoạt động quỹ hỗ trợ phát triển HTX tất yếu phát sinh nợ xấu và nợ quá hạn, chừng nào còn hoạt động thì còn rủi ro. Trong khi kinh nghiệm hoạt động tín dụng ở CHLB Đức đặc biệt chú trọng phòng ngừa rủi ro, thì việc này các tổ chức tín dụng ở Việt Nam lại coi nhẹ, thường quan tâm "chống" hơn "phòng", thực tế khi để "cháy nhà" đôi khi buộc phải bó tay. Thế nên, trong hoạt động quỹ hỗ trợ phát triển HTX cần cảnh báo sớm những rủi ro tín dụng, không đợi đến khi khách hàng không trả được vốn vay, rồi phải xử lý nợ xấu.
Học hỏi nhiều kinh nghiệm
Hội thảo đặt nhiều câu hỏi tình huống tín dụng, chia nhóm nhỏ thảo luận cho ra câu trả lời là "sản phẩm trí tuệ" chung của từng nhóm, sau đó tổng hợp tìm kiếm giải pháp xử lý tối ưu trong các khâu nghiệp vụ tín dụng.
Là khách mời đến từ quỹ TDND mạnh ở tỉnh Phú Thọ, ông Phạm Kim Dương, Giám đốc Quỹ TDND Thanh Thủy, cho rằng bất kể khâu thẩm định nào đối với dự án vay vốn cũng đều quan trọng, chỉ để "lọt lưới" một khâu cũng có thể dẫn đến nợ xấu. Như bài học đắt giá ở một quỹ TDND, khi cho vay dự án chăn nuôi ở giữa khu dân cư, nhưng không để ý đúng mức khâu "bảo vệ môi trường", dẫn đến khách vay không làm ăn được và mất khả năng trả nợ.
Ông Bùi Văn Đông, Phó Giám đốc Quỹ hỗ trợ HTX tỉnh Vĩnh Phúc, trao đổi và phân tích kỹ năng tái cơ cấu nợ xấu, xử lý rủi ro tín dụng nhằm tránh tình huống xấu nhất phải khởi kiện ra tòa. Kinh doanh tín dụng khó tránh khỏi nợ xấu xảy ra. Trên thực tế, việc áp dụng phương án xử lý rủi ro tín dụng nào tùy thuộc quan điểm quỹ và nỗ lực trả nợ vay của khách hàng.
Về kinh nghiệm quản lý quỹ, bà Nguyễn Ngọc Bích, Phó Giám đốc Quỹ hỗ trợ HTX Tp. Hà Nội, chia sẻ nét mới ở Quỹ Hà Nội là thành lập thêm bộ phận giám sát nội bộ, độc lập tiền kiểm
chặt chẽ 2 lượt hồ sơ dự án vay trước trình duyệt và trước giải ngân. Ở vai trò khách quan hơn, bộ phận này cũng tham gia đôn đốc thu hồi nợ.
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ, cho rằng khi trực tiếp quản lý quỹ hỗ trợ phát triển HTX mới thấy hết được những khó khăn hoạt động tín dụng HTX. Vấn đề này cần được lãnh đạo Liên minh HTX chia sẻ trong chỉ đạo quỹ. Từ đó quan tâm huy động các phòng, trung tâm trực thuộc Liên minh chủ động phối hợp hoạt động quỹ, tạo mối liên kết toàn diện trong nội bộ cơ quan Liên minh HTX.
"Qua tham dự nhiều khóa đào tạo của DGRV, tôi ngày càng thấy việc đi học hết sức cần thiết, giúp các quỹ tổ chức hoạt động đi vào nền nếp. Thực tế ở Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Phú Thọ đến nay đã biết tăng cường giám sát các khoản vay, kiểm soát 100% hồ sơ vay vốn, thường xuyên kiểm tra khách hàng, nhất là việc củng cố hồ sơ pháp lý đối với các món vay tiềm ẩn phát sinh nợ xấu…", ông Nguyễn Thành Nam nói.
Lưu Đoàn