Mới đây, UBND TP.HCM đã quyết định công nhận 3 xã ở huyện Hóc Môn là Bà Điểm, Nhị Bình và Tân Xuân đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020.
Những bước tiến mới
Như vậy, cùng với xã Xuân Thới Đông đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao hồi năm 2019, đến nay có 4/10 xã của huyện Hóc Môn được TP.HCM công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn nâng cao. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2020 có 10/10 xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn nâng cao.
![]() |
Huyện Hóc Môn có những bước tiến mới trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn nâng cao. |
So với các huyện của TP.HCM thì Hóc Môn có nhiều lợi thế nhất trong xây dựng nông thôn mới do liền kề với quận trung tâm, thuận lợi về hạ tầng giao thông, phát triển hiệu quả các HTX kiểu mới và các mô hình nông nghiệp đô thị. Do đó, "đường đến đích" nông thôn mới nâng cao của huyện được cho là gặp nhiều thuận lợi.
Tính đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 63,7 triệu đồng, tăng 31% so với năm 2015. Một trong những kết quả nổi bật khác là đến nay, Hóc Môn đã hoàn thành trước 2 năm so với chỉ tiêu chương trình giảm nghèo bền vững đề ra.
Trong gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, mặc dù diện tích đất sản xuất trên địa bàn giảm dần do đô thị hóa, nhưng huyện Hóc Môn luôn tăng cường công tác tuyên truyền vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị, mang lại giá trị kinh tế cao.
Trong năm 2020, Hóc Môn tiếp tục xây dựng mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, phấn đấu 100% xã nông thôn mới có HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.
Một số HTX kiểu mới trên địa bàn huyện Hóc Môn thời gian qua được ghi nhận hoạt động khá hiệu quả, có sức lan toả. Điển hình như HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Bò sữa Đông Thạnh ở xã Đông Thạnh, chuyên thu mua và tiêu thụ sữa bò tươi của người dân trên địa bàn xã một số xã của huyện Hóc Môn, một số phường của quận 12.
Hiện, HTX đang thu mua sữa bò của 78 hộ chăn nuôi, tiến hành chế biến thành sữa chua, váng sữa, sữa tươi thanh trùng và cung cấp cho thị trường, với sản lượng thu mua bình quân 6 tấn sữa/ngày.
Hoặc như HTX Thương mại - dịch vụ - sản xuất nông nghiệp Mai Hoa ở ấp 4, xã Xuân Thới Sơn hồi năm ngoái được UBND TP.HCM tôn vinh sản phẩm rau an toàn VietGAP.
HTX khẳng định dấu ấn
Với 20 thành viên sản xuất rau, củ, quả sạch trên diện tích 20 ha, HTX Mai Hoa hiện cung cấp sản phẩm cho các hệ thống siêu thị Vinmart, nhà trẻ, nhà hàng, các cửa hàng tiện ích tại TP.HCM và các địa phương lân cận.
Hoặc như HTX Ngã Ba Giồng ở xã Xuân Thới Thượng hiện có hơn 18 ha đất nông nghiệp, thu hút được gần 30 thành viên. HTX cung cấp đa dạng các loại rau củ, từ các loại rau xanh đến bầu, bí, dưa leo… Các mặt hàng rau củ của HTX có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn như Vinmart, Co.op Mart, các trường học..., trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường hơn 3 tấn rau củ các loại.
![]() |
Mô hình trồng rau của HTX theo tiêu chuẩn VietGAP ở Hóc Môn. |
Việc triển khai canh tác của HTX Ngã Ba Giồng theo tiêu chuẩn VietGAP đã giải quyết được một phần việc làm cho lao động địa phương, mức lương trung bình của mỗi thành viên là 6 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, còn có thể kể đến các mô hình nông nghiệp như cơ sở giống cây kiểng Bảy Châu (xã Trung Chánh), HTX giống cây kiểng, bonsai ở Tân Hiệp, xương rồng Ngọc Long ở xã Thới Tam Thôn, cũng liên tục có nhiều sản phẩm mới đáp ứng thị trường.
Trong chăn nuôi heo, bò sữa, heo rừng lai… có các trại chăn nuôi heo Tiền Phong (Tân Thới Nhì), cơ sở chăn nuôi của chị Hường ở Tân Hiệp, anh Thuận ở Đông Thạnh… với quy mô gần 100 con, khép kín từ khâu chế biến thức ăn, vắt sữa, thu mua sơ chế sữa bò… Hoặc các cơ sở cung cấp giống lươn, ếch, cá… của anh Trần Kim Sơn ở xã Tân Xuân; các giống động vật quý, hiếm ở xã Xuân Thới Đông, ở xã Đông Thạnh…
Trong 10 năm tới, huyện Hóc Môn hướng tới mục tiêu đạt hệ thống các tiêu chí để trở thành quận của TP.HCM. Song song đó, lĩnh vực nông nghiệp của Hóc Môn sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao.
Thanh Loan