Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện đang phát triển gần 45 mô hình HTX liên kết với hơn 2.600 hộ thành viên sản xuất ổn định, bền vững trên diện tích 2.600ha các loại cây trồng như: rau, hoa các loại, cà phê, chè, lúa, trái cây, dược liệu, dâu tằm, ca cao, mắc ca.
5 giải pháp liên kết bền chặt
Ông Mai Văn Khẩn - Chủ tịch HĐQT HTX Tân Tiến, cho biết điều kiện tự nhiên ở Đà Lạt phù hợp để phát triển sản xuất theo hướng sạch, bền vững, nhưng không phải cứ đầu tư là có lãi. Muốn sản xuất hiệu quả phải có cách làm sáng tạo, đầu tư hợp lý, và quan trọng nhất là phải biết liên kết trong cả đầu vào lẫn đầu ra.
Để sản xuất hiệu quả phải có cách làm sáng tạo, đầu tư hợp lý, và quan trọng nhất là phải biết liên kết trong cả đầu vào lẫn đầu ra |
“Năm 2009, chúng tôi thành lập Tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ rau ở phường 12, Đà Lạt với 15 hộ thành viên, mỗi hộ sản xuất vài nghìn mét vuông các loại rau. Đến năm 2012, chúng tôi mở rộng quy mô hoạt động thành HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến. Và năm 2016, chúng tôi chuyển đổi mô hình hoạt động kiểu mới theo Luật HTX 2012, tăng lên 20 hộ thành viên...”, Chủ tịch HĐQT Mai Văn Khẩn - điển hình nông dân xuất sắc toàn quốc năm 2018, cho biết.
Năm 2019, HTX Tân Tiến đạt diện tích canh tác 40ha; tổng sản lượng tiêu thụ rau các loại 2.600 tấn; doanh thu 22,5 tỷ đồng; thu nhập bình quân người lao động 7 - 8 triệu đồng/tháng. |
Theo đó, HTX Tân Tiến đã liên kết với 20 hộ thành viên trong TP Đà Lạt sản xuất ổn định hơn 40ha rau nhà kính công nghệ cao theo chuỗi khép kín từ khâu chọn giống gieo trồng đến khâu thu hoạch, tiêu thụ theo hợp đồng.
Cụ thể, HTX đã thực hành liên kết sản xuất hiệu quả gồm 5 giải pháp: Cải tạo đất bằng các chế phẩm sinh học hữu cơ; mở rộng hệ thống tưới nhỏ giọt; đảm bảo vườn ươm cây giống sạch từ vật liệu giá thể, nguồn nước đến các thiết bị, máy móc vận hành; nâng cao kiến thức và kỹ thuật sản xuất cho người lao động; thường xuyên tập hợp hộ thành viên để chuyển giao quy trình sản xuất công nghệ cao gắn với thị trường.
Kết quả, HTX Tân Tiến đạt tổng sản lượng rau các loại từ 1.900 tấn năm 2017 tăng lên 2.100 tấn năm 2018 và hơn 2.500 tấn vào năm 2019. Thị trường tiêu thụ rau sản xuất liên kết tại HTX Tân Tiến đã và đang phát triển tại các hệ thống siêu thị như Mega Market, KFC, siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối ở các đô thị lớn trong nước...
Kết thúc năm 2019 vừa qua, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến, Đà Lạt đạt tổng doanh thu khoảng 22,5 tỷ đồng, trong đó hộ thành viên HTX trừ tất cả chi phí còn lại đạt thu nhập bình quân 300 triệu đồng/ha/năm.
Cách làm sáng tạo
Các chuyên gia môi trường cho rằng, việc nhà nhà, người người ở Đà Lạt thực hiện sản xuất theo hướng công nghệ cao, đầu tư nhà kính để nâng cao hiệu quả sản xuất đã vô tình làm gia tăng nhiệt độ lên trung bình 3 - 5 độ C so với khu vực khác trong cùng điều kiện thời tiết.
Liên kết sản xuất áp dụng công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định |
Chủ tịch HĐQT HTX Tân Tiến Mai Văn Khẩn ví von: “Lẽ ra Đà Lạt chính là cái hồ điều hòa, cái máy lạnh của cả thành phố cũng như vùng ven, nhưng do nhà kính phủ trắng xóa mà lại dần tăng nhiệt độ từng năm thì sẽ ra sao?”.
Để hạn chế tình trạng này và góp phần bảo vệ môi trường, khi đầu tư xây dựng nhà kính, các thành viên HTX Tân Tiến đã nghiên cứu và quyết định xây dựng theo kiểu bán không gian - chỉ tập trung vào phần mái, còn xung quanh sẽ thiết kế mô tơ có thể cuốn màng kính ở hai bên hông cao lên hoặc bao bởi màng lưới, bảo đảm có thể trao đổi không khí bên trong và bên ngoài.
Do xây dựng nhà kính bán không gian giúp HTX không phải làm lỗ thông khí, trong khi nhiệt độ khu vực sản xuất không bị tăng cao theo thời gian. Rau màu được “hít thở” khí hậu mát mẻ trong lành vốn có của Đà Lạt sẽ mang đặc trưng, hương vị riêng và hạn chế nhiễm nấm trong quá trình trồng.
Đồng thời, việc lựa chọn đúng kích thước, độ dày của màng nhà kính với từng địa hình, môi trường sản xuất cũng được HTX chú trọng.
Với địa hình sản xuất bằng phẳng nên HTX lựa chọn màng kính có kích thước lớn tránh phải nối trong quá trình xây dựng và giúp tăng thời gian sử dụng lên 3 - 4 năm, hạn chế tình trạng thay mới nhiều, vì đây cũng là một thứ chất thải làm ô nhiễm môi trường nếu không được sử dụng và xử lý phù hợp.
Hiện nay, HTX không áp dụng trồng rau màu trong nhà kính toàn bộ. Chỉ một phần diện tích được trồng một số loại rau có giá trị cao được đầu tư nhà kính như cải bó xôi, rau bina, dưa chuột, đậu Hà Lan, dưa lưới, còn những loại rau thông thường như rau cải, dền, bắp cải, cà rốt, hành tây, các loại rau gia vị… được trồng ở điều kiện thời tiết bình thường và áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Các thành viên HTX cho biết, điều kiện khí hậu ở Đà Lạt nhìn chung rất thích hợp để phát triển các loại cây rau màu nên không cần lạm dụng nhà kính. Nếu nhà kính quá nhiều khi có mưa lớn, nước không thoát được sẽ gây ngập úng.
Hiện nay, tất cả quy trình sản xuất của HTX đều được ghi chép cụ thể để các nhà quản lý và khách hàng có thể nắm bắt. HTX cung cấp rau theo các đơn đặt hàng hàng ngày hoặc hàng tuần; sản phẩm được sơ chế, đóng gói và có nguồn gốc truy xuất rõ ràng.
Ngoài 20 thành viên, HTX còn liên kết với 30 hộ dân trên địa bàn cùng nhau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 12.000 tấn rau củ các loại.
HTX Tân Tiến cũng đang đẩy mạnh liên kết với các đối tác Nhật Bản, Hà Lan để tìm thêm những giống cây mới phù hợp đưa vào sản xuất. Mong muốn của HTX là tiếp tục phát triển mô hình sản xuất theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, lại nâng cao được lợi nhuận cho thành viên.
Đức Nguyễn