VAPCF là tổ chức xã hội nghề nghiệp, được thành lập đúng quy định pháp luật, nhằm tập hợp, hỗ trợ hoạt động và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các quỹ TDND cơ sở trên cả nước.
Mất niềm tin hội viên
Theo các quy định, VAPCF còn là tổ chức liên kết tạo dựng hệ thống quỹ TDND hoạt động hiệu quả, lành mạnh, an toàn và phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển hệ thống và nền kinh tế đất nước.
Thế nhưng, theo nội dung lá đơn của các quỹ TDND và thực tế tìm hiểu đến nay, có thể thấy Hiệp hội đã đánh mất niềm tin của nhiều quỹ TDND ở Thái Bình và nhiều quỹ ở nhiều địa phương khác.
Trong đơn gửi Hiệp hội, ông Bùi Văn Đài - Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Đông Á (huyện Đông Hưng), bày tỏ: Trước khi chính thức trở thành hội viên VAPCF ngày 16/5/2011, Quỹ TDND Đông Á tự nhận thức việc gia nhập Hiệp hội là cần thiết, phù hợp nguyện vọng chung của hầu hết các quỹ TDND cơ sở toàn quốc.
Qua các sự việc diễn ra liên quan đến tổ chức và hoạt động, VAPCF đã làm mất đi lòng tin của Quỹ TDND Đông Á và không ít các quỹ trong cả nước. Quỹ TDND Đông Á nhận thấy Hiệp hội hiện nay không còn thể hiện đúng giá trị và bản chất, quyền lợi chính đáng của các thành viên chưa được bảo vệ và tôn trọng.
Bên huyện Kiến Xương, ông Phạm Xuân Hoài - Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Đình Phùng, đã phản ánh: Qua 10 năm VAPCF đi vào hoạt động, vai trò tác dụng của Hiệp hội chưa được thể hiện, không mang lại lợi ích cho thành viên.
![]() |
Tập đơn các quỹ TDND ở Thái Bình xin rút khỏi hội viên VAPCF
Thực hiện Nghị quyết HĐQT quỹ TDND Đình Phùng họp ngày 24/4/2017, Quỹ này đã thông qua toàn thể cán bộ nhân viên, cùng nhất trí làm đơn tự nguyện xin ra khỏi VAPCF.
Cùng huyện này, ông Nguyễn Quang Vĩnh - Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Thanh Nê, cho biết sau khi Đại hội nhiệm kỳ III của Hiệp hội, kể từ ngày 30/3/2016, Ban chấp hành VAPCF không thông báo kết quả đại hội để các hội viên được biết. Như vậy hiện nay, VAPCF hoạt động, như “rắn mất đầu”.
Thiếu tôn trọng hội viên
Lá đơn của Quỹ TDND Đông Á phản ánh 5 điểm bất cập trong hoạt động của VAPCF. Trước hết, các ý kiến tham gia của các quỹ hội viên không được Hiệp hội quan tâm giải quyết, đánh mất cơ hội tham góp ý chí và nguyện vọng của các quỹ hội viên để xây dựng Hiệp hội vững mạnh.
Sự thiếu dân chủ thể hiện rõ khi Hiệp hội lựa chọn nhân sự bầu vào BCH Hiệp hội các nhiệm kỳ đã không hề thông qua danh sách đề cử và lấy ý kiến các quỹ hội viên cơ sở.
Cụ thể như, các đại hội nhiệm kỳ Hiệp hội đều tự ý cử một số cán bộ đại diện cho các quỹ không có thành tích, tư duy và cả kiến thức tổ chức hội, để bầu vào BCH Hiệp hội. Hiệp hội cũng không cung cấp các văn bản dự thảo các kỳ đại hội để lấy ý kiến các quỹ hội viên.
Bộ máy tổ chức Hiệp hội cồng kềnh, thời gian qua và hiện nay đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với các quỹ hội viên. Công tác tuyên truyền của Hiệp hội rất hạn chế, không phản biện đề xuất của quỹ hội viên khi gặp khó khăn, thậm chí có biểu hiện lẩn tránh trách nhiệm.
Đáng nói, công tác chi tiêu tài chính của Hiệp hội không đúng quy định, hàng năm không công khai minh bạch. Lợi dụng quyền hạn, Hiệp hội tổ chức các khóa đào tạo học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài nước, với mức phí đóng góp quá sức quỹ hội viên, không giúp hội viên cải thiện hoạt động, bởi thực chất là tổ chức đi tham quan du lịch…
Ông Nhâm Gia Minh - Giám đốc Quỹ TDND Đông Á, bức xúc cho biết: Mặc dù các quỹ đề nghị nhiều lần, nhưng hàng năm Hiệp hội không công khai tài chính các khoản đóng góp rất lớn của hội viên cả nước. Nội bộ Hiệp hội mất đoàn kết, cán bộ không ổn định…
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh mới đây, ông Nguyễn Quang Vĩnh - Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Thanh Nê, cho rằng qua thực trạng hiện nay, hoạt động của VAPCF không mang lại lợi ích cho hội viên. Ngược lại, các quỹ hội viên phải đóng quỹ quá nhiều để nuôi bộ máy Hiệp hội mang tính hình thức.
Với tư cách Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Kiến Xương, ông Nguyễn Quang Vĩnh nói: “Khi họp lại thì tất cả 13 quỹ TDND của huyện đều nhất trí xin rút khỏi VAPCF. Riêng Quỹ Thanh Nê sẽ tham gia VAPCF khi nào hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và phù hợp thực tế”.
Lưu Đoàn