Đó là câu chuyện thành công của một HTX phát triển trên nền tảng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp làm du lịch tại Lâm Đồng, hay câu chuyện đối nhân trong HTX thế nào; hợp tác với doanh nghiệp, xây chuỗi giá trị sao cho hiệu quả...
Nhiều cách làm mới
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết hiện nay tỉnh Lâm Đồng có 272 HTX, phát triển HTX tỷ lệ thuận với điều kiện thực tế. Chương trình nông nghiệp công nghệ cao ngày càng đi sâu, quyết liệt theo đúng chỉ đạo tái cơ cấu của ngành nông nghiệp. Việc thành lập HTX là một trong những tiêu chí quan trọng xây dựng nông thôn mới.
Khi đề cập tới việc làm gì để HTX có thể phát triển hơn trong thời gian tới, ông Phạm S cho rằng cần tiếp tục phát triển, tập trung liên kết giữa HTX với doanh nghiệp, đầu tư phát triển HTX theo hướng ứng dụng nền tảng công nghệ cao.
Phát triển HTX theo hướng nông nghiệp công nghệ cao như sử dụng năng lượng mặt trời, trí tuệ nhân tạo... trong các công đoạn nuôi trồng. Phát triển HTX trên nền tảng công nghệ cao đi kèm việc tạo ra sản phẩm đặc thù là một trong những cách thu hút du khách đến thăm quan.
Ông Phạm S kể vừa qua, tại Lâm Đồng có một HTX chỉ có diện tích 5ha, thu nhập vài tỷ đồng một năm, nhưng từ khi HTX này thay đổi cách làm, tạo ra những sản phẩm đặc thù, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất với mục đích thu hút khách du lịch, "bộ mặt" của HTX này đã thay đổi. Nhờ kết hợp thêm bán vé tham quan mà doanh thu HTX này đã đạt 24 tỷ đồng/năm, gấp 3 - 5 lần giá trị so với chỉ bán nông sản đơn thuần.
Ông Nguyễn Thành Nhân - Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nhìn nhận vải thiều Bắc Giang bán được giá cao vì lãnh đạo tỉnh này đã làm trước. Họ đồng bộ triển khai các phương án tiêu thụ như tự mua vải giá cao, đưa vải vào miền Nam sớm hơn, điều này khiến thương lái Trung Quốc không còn cớ để ép giá.
Cho rằng lõi HTX là giữ vững chuyện đối nhân, ông Nguyễn Thành Nhân nhận xét để giải khó giúp các HTX thu hút vốn nên có cách làm là ai bỏ nhiều vốn hơn thì tỷ lệ được tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn, chấp nhận cho trả lãi trên vốn lớn, cốt để thu hút nhiều vốn.
Nhắc lại con số giai đoạn 2013 - 2017, số HTX thành lập mới đạt 7.142 nhưng giải thể 6.502 HTX yếu kém là tại sao, vì sao số HTX phải giải thể gần bằng thành lập mới, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá rằng do một số địa phương chưa thấu hiểu, chưa đồng hành, còn vô cảm đối với những vấn đề phát triển HTX, còn lợi ích cục bộ kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, HTX, đặc biệt là người đứng đầu các cấp chính quyền địa phương.
Về liên kết chuỗi, lâu nay hay nói nông nghiệp công nghệ cao, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chúng ta nên tiếp cận theo hướng nông nghiệp hiệu quả cao làm theo chuỗi giá trị. Nếu không có đầu ra cho sản xuất sẽ không giải quyết được bài toán "được mùa mất giá".
Ngày 21/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Liên minh HTX Việt Nam và hệ thống Liên minh HTX Việt Nam |
Phân công và hợp tác
Nhấn mạnh sứ mệnh của HTX rất lớn lao, nhất là trong giai đoạn mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chính sách hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của HTX còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, còn phân bổ theo cơ chế "xin cho". Quản lý nhà nước đối với kinh tế hợp tác, HTX còn nhiều bất cập, hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức so với doanh nghiệp. Việc xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
"Vì sao vải thiều Bắc Giang tiêu thụ được nhiều, vì họ xây dựng được chuỗi giá trị kết nối từ người làm bao bì, sản xuất, thu mua cho tới vận chuyển, tiêu thụ", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, việc củng cố HTX, Tổ hợp tác (THT) là một trong những định hướng quan trọng. Điều đó yêu cầu hành động cụ thể, cách làm cụ thể. Điều cần quan tâm nhất và cũng là vướng mắc nhiều nhất hiện nay là việc hoàn thiện thể chế chính sách. Đây là gốc của vấn đề đối với HTX.
Vấn đề quan trọng nữa là tổ chức lại sản xuất. Cần có sự chỉ đạo phát triển chuỗi giá trị, có sự phân công và hợp tác từ doanh nghiệp, Liên minh HTX và các HTX, THT.
Trong đó, tập trung nhất vẫn là HTX nông nghiệp, hiện chiếm tỷ lệ lớn trong số lượng HTX toàn quốc. Hiện nay, hỗ trợ đầu vào đối HTX là chủ yếu (chiếm 89%), cần tiếp tục hỗ trợ đầu ra tốt hơn (hiện chiếm 11%).
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo kiến nghị các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, thống kê phù hợp thực tế về giá trị gia tăng của THT, HTX và các thành viên, Liên hiệp HTX hàng năm đóng góp vào GDP, làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách phát triển kinh tế hợp tác, HTX.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình phát triển kinh tế hợp tác, HTX về số lượng và chất lượng để báo cáo và đề xuất với Chính phủ các giải pháp xử lý khó khăn và vướng mắc, tích cực nghiên cứu thực tiễn phát triển kinh tế hợp tác, HTX để tham mưu cho cơ quan của Đảng và Nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương các chính sách, cơ chế thúc đẩy phát triển HTX; đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật về HTX cho phù hợp với thực tiễn.
Trong đó, tập trung vào các chỉ tiêu như hỗ trợ, tư vấn cho 100% HTX thành lập mới, tư vấn và cung cấp dịch vụ kiểm toán, quản trị, tín dụng và xúc tiến công nghệ và thương mại cho HTX; Xây dựng 500 mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị bằng nguồn lực của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam và huy động khác.
Đến năm 2020, 100% HTX và Liên hiệp HTX đang hoạt động là thành viên chính thức và 70% THT có đăng ký hoạt động là thành viên liên kết của Liên minh HTX Việt Nam; Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX được Nhà nước giao quản lý, thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với HTX được UBND tỉnh, thành phố giao.
Thy Lê