Với mong muốn sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp sạch và mang lại thu nhập cao hơn cho người dân, những thanh niên ở Hát Lót đã đứng lên thành lập HTX nông nghiệp Cao Nguyên chuyên sản xuất rau, củ và trồng cây ăn quả.
Phá thế độc canh
Anh Lò Văn Duyên, Giám đốc HTX Cao Nguyên, cho biết: HTX thành lập năm 2016 với 7 thành viên là thanh niên ở xã. Từ 10 ha đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả, chúng tôi bắt tay vào trồng xoài, bưởi, nhãn và xen canh các loại rau: Bí đỏ, bí đao, bắp cải, đậu cove, cà chua... theo quy trình VietGAP.
Năm đầu sản xuất, HTX đã thu hoạch khoảng 250 tấn rau củ quả, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho hơn 20 lao động địa phương. Các thành viên thay nhau tìm kiếm, gõ cửa nhiều cơ sở thu mua sản phẩm và rồi cũng có kết quả đáng mừng là đã ký kết hợp đồng với 3 công ty thu mua nông sản ở Sơn La, Hà Nội, Bắc Ninh.
![]() |
Việc trồng cây ăn quả xen canh rau màu giúp nâng cao hiệu quả kinh tế. |
HTX hiện tăng lên 13 thành viên, trồng 52 ha cây ăn quả xen canh rau màu, trong đó có 20 ha cây ăn quả đã cho thu hoạch. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm theo quy trình sản xuất an toàn, Ban Giám đốc HTX cử các thành viên tập huấn kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra kỹ các khâu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến hệ thống tưới tiêu, đặc biệt là hồ sơ ghi chép quá trình sản xuất.
Anh Lò Văn Tiện, thành viên HTX, phấn khởi nói: Từng là hộ nghèo nhưng từ khi tham gia HTX, anh chuyển đổi gần 1 ha đất trồng ngô, mía sang trồng rau sạch, đầu tư giàn lưới, hệ thống tưới nước tự động và ghép cải tạo 2,5 ha nhãn, xoài địa phương sang giống mới. Đối với diện tích trồng cây ăn quả, anh thực hiện trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, cây phát triển tốt, đất trồng được cải thiện. Sản phẩm của gia đình được HTX đảm bảo đầu ra, mỗi năm trừ hết chi phí cũng thu trên 150 triệu đồng.
Để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, năm 2019, HTX đã đầu tư trên 700 triệu đồng xây dựng kho lạnh rộng 200 m², sức chứa tối đa trên 50 tấn nông sản. Doanh thu từ rau màu và quả mang về cho HTX hàng tỷ đồng/năm.
Mục tiêu của HTX là tiếp tục liên kết mở rộng sản xuất theo hướng tập trung, sản xuất an toàn, tham gia các liên kết chuỗi giá trị để gắn sản xuất và tiêu thụ nông sản, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.
Lực đẩy từ HTX
Xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đóng vai trò quan trọng trong giảm nghèo bền vững cũng như chống tái nghèo, thị trấn Hát Lót đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân chuyển đổi những diện tích sản xuất cây lương thực hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả đi đôi với xây dựng mô hình HTX hoạt động hiệu quả để nhân rộng.
Địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ ghép cải tạo vườn tạp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn hay tạo điều kiện thuận lợi để nông dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Các thôn, bản thực hiện hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn liên kết thành lập các HTX sản xuất tập trung và ký kết hợp đồng cung cấp nông sản địa phương cho các siêu thị trong nước và cung ứng nông sản xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Đến nay, Hát Lót có khoảng 1.200 ha cây ăn quả các loại, 123 ha rau, màu. Toàn thị trấn đã thành lập được12 HTX hoạt động sản xuất ở lĩnh vực nông nghiệp, điển hình như: HTX Ngọc Lan, HTX Nông nghiệp sinh thái Nà Sản, HTX Thương binh 27/7, HTX Thiên Tân…
![]() |
Mô hình trồng xoài của HTX Thiên Tân đang được đánh giá cao (Ảnh:TL) |
Anh Nguyễn Bá Tuân, Giám đốc HTX Thiên Tân, cho biết nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tháng 6/2018, anh cùng 7 hộ dân trồng cây ăn quả thành lập HTX Thiên Tân, chuyên sản xuất 15 ha xoài và 5 ha bưởi theo quy trình VietGAP. Doanh thu năm 2019 của HTX đạt 3,5 tỷ đồng. HTX đang tạo việc làm cho 8 lao động với mức lương trung bình 4 triệu đồng/người/tháng.
Từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nếu như năm 2018, mức thu nhập bình quân đầu người của Hát Lót đạt 31 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2019 tăng lên 35 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 còn gần gần 5% thì đến cuối năm 2019 giảm xuống còn 3,57%.
Theo đại diện của UBND thị trấn Hát Lót, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đi đôi với thành lập và phát triển các HTX đã khắc phục dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, từ đó tiếp tục thúc đẩy tiêu chí giảm nghèo bền vững của địa phương.
Huyền Trang