Theo đánh giá chung của Sở Công Thương TP Hải Phòng, các HTX ngành công thương đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một số loại hình HTX phát triển đa dạng trên các lĩnh vực; sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã có bước chuyển biến trong tăng trưởng phát triển sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, trải qua 4 đợt dịch Covid-19, nhất là đợt dịch thứ 4 này, các HTX bị ảnh hưởng nặng nề.
Hàng tồn kho, khó khăn trong việc tiếp cận vốn
Chị Đoàn Thị Nga - Giám đốc HTX Thủ công mỹ nghệ An Dương kể: Trước đây, ngày nào cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của HTX cũng rộn rã tiếng cười nói của các chị em thêu móc ren. Nhưng 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, HTX chỉ còn hoạt động cầm chừng. Mấy tháng gần đây, HTX gần như đóng cửa.
"Vì hàng thủ công mỹ nghệ của HTX sản xuất chủ yếu theo đơn đặt hàng của các cơ sở bán đồ lưu niệm tại các khu du lịch như Hội An, Đà Nẵng... Nhưng hiện nay, tất cả các cơ sở vui chơi đều đóng cửa nên hàng của HTX không xuất bán được. Cuối năm 2019, HTX đã tìm được đường xuất ngoại cho sản phẩm và đã nhập nguyên liệu chỉ, len móc về chuẩn bị làm hàng..., tuy nhiên sau đó dịch bùng phát, mọi thứ dường như "đóng băng". Con đường xuất ngoại hàng hóa của HTX không biết tới khi nào mới được triển khai trở lại...", chị Nga chia sẻ.
Hâng hóa của HTX Thủ công mỹ nghệ An Dương không bán được do dịch bệnh. |
HTX Thủ công Mỹ nghệ Đồng Minh (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Trước đây, trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 chiếc chiếu các loại, doanh thu từ hoạt động dệt chiếu đạt khoảng 3 tỷ đồng. HTX thường xuyên tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động, chủ yếu là chị em phụ nữ ngoài 50 tuổi. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của HTX giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, hàng loạt sản phẩm làm ra đang “nằm đắp chiếu” chưa bán được.
Trong khi đó, mặc dù vẫn tăng trưởng hoạt động kinh doanh, nhưng các HTX mảng điện lại đang gặp khó khăn về vốn và chuyển đổi số. Hầu hết các HTX ngành điện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào các trạm biến áp, hệ thống truyền dẫn điện..., nhưng những tài sản này lại không được các ngân hàng chấp thuận dùng thế chấp vay vốn.
"Để phát triển bền vững, các HTX điện tại Hải Phòng mong muốn được các cấp chính quyền, sở ngành, các ngân hàng tạo điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, các công nghệ thông tin trong lĩnh vực kinh doanh điện... Đồng thời, chính quyền, Liên minh HTX và Doanh nghiệp (Liên minh HTX&DN) TP Hải Phòng tiếp tục tạo điều kiện để cán bộ của các HTX ngành điện được tham gia các lớp đào tạo chuyên môn, quản lý về điện nông thôn, từ đó không ngừng nâng cao trình độ tay nghề, năng lực quản lý", anh Nguyễn Huy Chuân - Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) đề xuất.
Cần giải pháp trước mắt và lâu dài
Thời gian qua, Liên minh HTX&DN TP Hải Phòng đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ nhằm giải quyết khó khăn cho các đơn vị thành viên, như: Thực hiện kết nối và tổ chức nhiều đợt hỗ trợ các HTX tiêu thụ nông sản, sản phẩm; Phối hợp với Liên minh HTX một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn… tổ chức các điểm hỗ trợ trao đổi tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc trưng giữa các địa phương do HTX sản xuất.
Bên cạnh đó, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX TP Hải Phòng thực hiện giãn, hoãn nợ từ 6 tháng đến 1 năm đối với các HTX vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh tại quỹ nhưng đang gặp khó khăn.
Liên minh HTX& DN TP Hải Phòng tạo điều kiện cho HTX có nhu cầu đăng ký nhờ địa điểm cung cấp nông sản ở số 37 Điện Biên Phủ (quận Hồng Bàng) |
“UBND TP Hải Phòng cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể (KTTT), HTX giai đoạn 2021-2025 để các ngành, địa phương làm cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện; Thành phố cần bố trí nguồn lực hợp lý để triển khai các đề án hỗ trợ cho khu vực KTTT, HTX trong việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, bổ sung nguồn vốn cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX cũng như các đề án hỗ trợ khác. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cần có hướng dẫn cụ thể, kịp thời để triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ cho các HTX; có biện pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới; đẩy mạnh sản xuất, chế biến, tiêu thụ, hỗ trợ chi phí bảo quản hàng nông, thủy sản cho các HTX...", Chủ tịch Liên minh HTX&DN TP Hải Phòng Lương Minh Huệ đề xuất.
Được biết, Sở Công Thương TP Hải Phòng cũng vừa có Văn bản 409 gửi UBND TP Hải Phòng. Trong văn bản, Sở đã đưa ra 4 đề xuất kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho các HTX ngành công thương như: Cần tăng cường hoạt động khuyến công để hỗ trợ phát triển KTTT trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tập trung vào những ngành nghề có thế mạnh, có nguồn nguyên liệu tại chỗ, sử dụng lao động địa phương, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy hải sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, thay thế nhập khẩu và phục vụ xuất khẩu, tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch...
Bên cạnh đó, Thành phố cần sớm bố trí nguồn kinh phí để các địa phương triển khai thực hiện Đề án củng cố, phát triển HTX phù hợp với chủ trương tái cơ cấu kinh tế địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX phát triển hiệu quả...
Thanh Vân