Ở Kỳ Sơn, gừng được người dân sản xuất chủ yếu hai loại là gừng dé và gừng trâu. Gừng dé dùng để tiêu thụ nội địa là chủ yếu còn gừng trâu hướng tới xuất khẩu. Sản phẩm gừng Kỳ Sơn dùng để chế biến ra tinh dầu, làm gia vị, hương liệu, dược liệu, thực phẩm…
![]() |
Gừng dé Kỳ Sơn củ nhỏ, thân tròn, nhiều nhánh. |
Gừng dé Kỳ Sơn củ nhỏ, thân tròn, nhiều nhánh, vỏ và ruột màu trắng ngà, lõi màu vàng nhạt, nhiều xơ. Mùi thơm đặc trưng, vị cay nồng đậm. Hàm lượng nước từ 91,09% đến 92,61%, hàm lượng tinh dầu tính theo chất khô từ 3,52% đến 8,31%.
Gừng sừng trâu Kỳ Sơn củ to, thân tròn, ít nhánh. Vỏ và ruột màu trắng, lõi màu vàng nhạt, ít xơ. Mùi thơm đặc trưng, vị cay nồng, cay đậm. Hàm lượng nước từ 91,06% đến 93,66%, hàm lượng đường từ 1,13% đến 1,25%, hàm lượng tinh dầu tính theo chất khô từ 3,16% đến 4,12%.
Kết quả nghiên cứu cho thấy độ cay và hàm lượng tinh dầu là yếu tố đặc trưng của gừng Kỳ Sơn.
Bên cạnh yếu tố tự nhiên ảnh hưởng đến chất lượng của gừng Kỳ Sơn, kinh nghiệm, bí quyết của người sản xuất cũng làm nên đặc thù của sản phẩm. Ngay từ khâu chọn giống, người dân đã lựa chọn những củ chắc, không non, không già, màu sáng bóng, khoảng 10 - 11 tháng tuổi làm giống, lựa chọn mùa vụ canh tác phù hợp với điều kiện khí hậu nơi quanh năm có sương mù, thường xuyên vun gốc trong quá trình chăm sóc để cây sinh trưởng tốt hay canh tác theo phương thức bỏ hóa từ 2 đến 3 năm.
![]() |
Gừng sừng trâu củ to, thân tròn, ít nhánh. |
Đặc biệt, người dân trồng gừng huyện Kỳ Sơn đã tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật về trồng gừng hữu cơ hoàn toàn sạch. Tất cả những bí quyết trên đã tạo cho gừng Kỳ Sơn có tính đặc thù riêng và được người tiêu dùng tin tưởng.
Gừng Kỳ Sơn được đồng bào trồng nhiều ở các xã như: Na Ngoi, Bảo Thắng, Đoọc Mạy, Mường Lống, Huồi Tụ, Tây Sơn, Nậm Cắn, Nậm Càn, Mường Ải, Mường Típ, Keng Đu, Na Loi, Bắc Lý, Mỹ Lý và Bảo Nam. Trong đó trồng nhiều nhất là ở xã Na Ngoi với trên 150 ha.
Như Yến