Điều này được ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ tại Hội nghị Kết nối giao thương trưng bày và giới thiệu sản phẩm dược liệu tổ chức ngày 6/12 tại Thanh Hóa.
Chú trọng xúc tiến thương mại
Chính vì vậy, ông Vũ Bá Phú cho rằng việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại là một trong những hoạt động thiết thực giúp quảng bá, giới thiệu các sản phẩm dược liệu của Việt Nam, là cơ hội để các HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX sản xuất dược liệu tiếp cận trực tiếp các doanh nghiệp và tổ chức xúc tiến thương mại để kết nối sản xuất, kinh doanh, liên kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hướng tới xuất khẩu. Từ đây sẽ giúp ngành dược liệu của Việt Nam phát huy được tiềm năng, thế mạnh, hạn chế phần nào tình trạng nhập khẩu dược liệu.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, trong điều kiện hiện nay, việc tạo cơ hội để các HTX, doanh nghiệp xúc tiến thương mại, gặp gỡ, trao đổi thông tin và cùng nhau tìm kiếm cơ hội hợp tác trên tinh thần xây dựng và phát triển bền vững là rất quan trọng. Đây cũng là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị dược liệu hàng hóa đặc trưng của các địa phương, đồng thời gia tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế cho các sản phẩm từ dược liệu Việt Nam.
Lễ cắt băng khai trương khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm dược liệu. |
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Global Wire, khoảng 80% dân số thế giới – tương đương 4 tỷ người – sử dụng thuốc thảo dược để chăm sóc sức khỏe. Dự báo doanh số thị trường dược liệu toàn cầu có thể đạt tới 550 tỷ USD vào năm 2030.
Có thể thấy, xu hướng sử dụng dược liệu để thay thế dần thuốc hóa dược đang ngày càng được ưa chuộng trên toàn cầu, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này.
Tuy nhiên, thực tế từ các HTX sản xuất dược liệu cho thấy, hiện nay, nhiều HTX dược liệu đang sản xuất ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, thành viên chủ yếu là lao động địa phương nên gặp khó khăn nhất định trong áp dụng quy trình sản xuất.
Nhiều HTX cũng chưa ứng dụng thuần thục các công nghệ về chuyển đổi số, thương mại điện tử nên việc truyền thông, quảng bá chưa thực sự hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết, việc sản xuất dược liệu hiện vẫn còn manh mún, tự phát. Các sản phẩm từ dược liệu trong nước thiếu sức cạnh tranh, do ít được đầu tư nghiên cứu chứng minh an toàn, hiệu quả. Doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực dược liệu có quy mô nhỏ, ít đầu tư nghiên cứu nhu cầu thị trường quốc tế, chưa tham gia được chuỗi cung ứng thảo dược toàn cầu, chưa xây dựng được thương hiệu.
Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh hiện đã có những HTX liên kết được với doanh nghiệp phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị hàng hóa. Đặc biệt, Thanh Hóa có 11 huyện miền núi với trên 8.000 km2 đất tự nhiên có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để phát triển dược liệu, giúp nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, nhìn chung số HTX hình thành được liên kết chuỗi, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ vẫn còn nhỏ. Việc HTX dược liệu phát triển sản xuất gắn liền với phát triển các dịch vụ chăm sóc, cải thiện sức khỏe ở các khu du lịch vẫn chưa thực sự phát triển.
Hướng tới phát triển bền vững
Các mặt hàng, sản phẩm từ tự nhiên, dược liệu để làm thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hóa mỹ phẩm, thực phẩm thực dưỡng, đồ uống thảo dược đang ngày càng được quan tâm do nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng. Vì vậy, phát triển dược liệu để tạo ra các sản phẩm chăm sóc sức khỏe đang là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017, ngành dược liệu được xác định là lĩnh vực ưu tiên phát triển với những chính sách đặc thù, nhằm thúc đẩy sản xuất, bảo quản, chế biến và giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ cũng đặt mục tiêu xây dựng các vùng trồng dược liệu quy mô lớn và bền vững, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thuốc sản xuất trong nước.
Các đại biểu thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm. |
Với điều kiện tự nhiên phong phú, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên cây thuốc dồi dào, với hơn 5.000 loài dược liệu. Đây là tiềm năng to lớn để phát triển ngành dược liệu không chỉ phục vụ chăm sóc sức khỏe mà còn trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế.
Hiện nay, khu vực kinh tế tập thể, đặc biệt là các HTX, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành dược liệu. Cả nước có hơn 600 HTX sản xuất dược liệu, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu. Những sản phẩm dược liệu đạt chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao như sâm ngọc linh, bạch quả, cà gai leo, tam thất, rau má... đã không chỉ khẳng định vị thế trong nước mà còn mở ra cơ hội lớn trên thị trường quốc tế.
Để ngành dược liệu trở thành ngành kinh tế kỹ thuật bền vững và đáp ứng nhu cầu thị trường, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng cần đẩy mạnh hỗ trợ phát triển các vùng trồng quy mô lớn, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, nguồn gốc và mã số vùng trồng. Đặc biệt, cần xây dựng mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tận dụng thế mạnh của khu vực kinh tế tập thể và HTX.
Khẳng định dược liệu là một trong những thế mạnh của Thanh Hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết, ngoài cơ chế của Chính phủ, tỉnh đang khuyến khích các HTX, doanh nghiệp liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu, phát triển các vùng dược liệu đạt chuẩn để phục vụ chế biến, cung ứng ra thị trường trong nước và xuất khẩu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng mong rằng, để giải quyết tình trạng tự cung tự cấp tại địa phương do thiếu liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị và đặc biệt thiếu thông tin thị trường quốc tế, sự vào cuộc của các cơ quan Trung ương trong đó có Bộ Công Thương và Liên minh HTX Việt Nam, các doanh nghiệp… sẽ tạo điều kiện cho các HTX trên địa bàn tỉnh tiếp cận và ứng dụng nhiều hơn, nhanh hơn các tiến bộ kỹ thuật mới trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, chế biến, quảng bá. Điều này cũng giúp các HTX có những định hướng nghiên cứu phù hợp với xu thế thị trường.
Ông Trần Bá Ninh, Chủ tịch Hiệp hội Cây dược liệu tỉnh Khánh Hòa kiêm Giám đốc Công ty TNHH Bá Ninh, cho biết đơn vị rất mong muốn tiếp tục được hỗ trợ tham gia xúc tiến thương mại để có cơ hội kết nối, hợp tác với các đối tác tiềm năng trên toàn quốc, từ đó cùng nhau chia sẻ tầm nhìn và giá trị về việc phát triển bền vững ngành dược liệu Việt Nam.
Đặc biệt, việc tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp tham gia các hội chợ, hội nghị về dược liệu chính là cơ hội để HTX, doanh nghiệp tìm kiếm các đối tác phù hợp trong liên kết, từ đó mang đến các giải pháp chăm sóc sức khỏe từ thiên nhiên.
Theo đánh giá của Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Hội nghị đã ghi nhận được những kết quả tích cực: Ký kết thành công các biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các bên tham gia, tạo tiền đề cho những dự án hợp tác cụ thể trong thời gian tới. Thúc đẩy nhận thức về tiêu chuẩn sản xuất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu lớn. Củng cố vai trò của các tổ chức xúc tiến thương mại trong việc kết nối, hỗ trợ và mở rộng cơ hội giao thương cho ngành dược liệu Việt Nam. |
Huyền Trang-Minh Thành