Như khu vực HTX cả nước, các HTX nông nghiệp tỉnh Ninh Bình đã bức xúc từ lâu vì bế tắc không vay được vốn ngân hàng, trong khi có nhiều chính sách nhà nước hỗ trợ HTX vay vốn tín dụng, cụ thể như Quyết định 68 của Thủ tướng, Nghị định 55 của Chính phủ, hay trong Đề án 22 của tỉnh cũng có hỗ trợ tín dụng HTX…
Phổ biến HTX không vay được vốn
Trước khi diễn ra hội nghị, Liên minh HTX tỉnh đã khảo sát tại các HTX nông nghiệp trên địa bàn. Kết quả ở các ngân hàng thương mại, đến nay chỉ có 33 HTX vay được 318 triệu đồng trong tổng hạn định dư nợ 10,33 tỷ đồng cho vay phát triển “tam nông” theo Nghị định 55. Ngoài ra, còn có 39 HTX khác được vay không đáng kể trong vốn xây dựng nông thôn mới.
Thực tế đến nay chưa có HTX nào xếp vào diện vay theo Quyết định 68 của Thủ tướng (hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp). Nguồn này ở Ninh Bình chỉ có 55 hộ cá thể vay mua máy móc thiết bị nông nghiệp, với tổng dư nợ đến nay là 27,910 tỷ đồng...
Hội nghị HTX nông nghiệp Ninh Bình đối thoại vay vốn với ngân hàng
Trong khi đó, các nguồn vốn do Liên minh HTX tỉnh quản lý quá ít. Tổng 2 nguồn vốn quỹ quay vòng và quỹ 120 (giải quyết việc làm) mới được 3 tỷ đồng. Mức cho vay HTX tối đa 70 - 100 triệu đồng/dự án chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển. Thời hạn cho vay lại ngắn, có khi chỉ 6 tháng, dẫn đến HTX rất khó vay triển khai dự án.
Theo ý kiến 11 giám đốc HTX tham dự đối thoại, cái khó trước tiên đối với HTX là không có thông tin đầy đủ bằng văn bản về các chính sách ưu đãi vay, hoặc miễn giảm lãi suất trong nông nghiệp. Hầu như HTX đều nghe chủ trương qua đài báo. Hơn nữa, phần lớn HTX nông nghiệp đều khó tiếp cận ngân hàng và phổ biến là các HTX chưa vay được ngân hàng.
Hội nghị đối thoại xác định về phía HTX có 3 nguyên nhân chủ yếu. Đó là do HTX không có tài sản thế chấp, HTX rất yếu xây dựng phương án vay vốn khả thi, trong khi đó, tiềm lực kinh tế HTX đa số nghèo, hạ tầng lạc hậu, trụ sở đất đai không có, khả năng minh bạch tài chính còn nhiều tồn tại…
Cần chính sách tín dụng đặc thù
Về phía ngân hàng, theo ý kiến các HTX, trong khi thủ tục vay vốn còn cứng nhắc và lắm nhiêu khê, thì các ngân hàng đều quy định điều kiện vay vốn rất khắt khe, phải có phương án khả thi, có tài sản thế chấp, có kết quả hoạt động hiệu quả cao mới được vay vốn.
Trả lời những vướng mắc của các HTX, ông Hoàng Văn Thành - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Bình, cho rằng để giải ngân nguồn vốn, ngân hàng cần thẩm định đối tượng vay, phương án sử dụng vốn vay đúng mục đích, khả năng thanh toán vốn, lãi đúng hạn và bảo đảm đầy đủ các thủ tục cần thiết.
Theo ông Thành, các HTX cần chia sẻ khó khăn với các tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại hiện nay. Ngoài việc hoạt động theo pháp luật quy định, các hệ thống ngân hàng sẽ tập trung giải quyết tồn tại phát sinh, cùng nhau tháo gỡ khó khăn để HTX từng bước có thể tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước ổn định và phát triển theo mô hình HTX kiểu mới.
Về các giải pháp khơi thông vốn vay cho HTX, theo bà Lê Thị Tâm - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, trước nhất đối với HTX, cần học hỏi nâng cao trình độ quản lý, cải thiện chất lượng bộ máy và hoạt động; phải xây dựng phương án vay vốn khả thi và nếu được vay, phải sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Tới đây, Liên minh HTX tỉnh cũng nỗ lực hơn trong tham mưu với lãnh đạo tỉnh để bổ sung nguồn vốn quỹ quay vòng theo Đề án 22 của tỉnh về phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020. Mặt khác, Liên minh HTX tỉnh tăng cường phối hợp với ngành ngân hàng, tạo cầu nối hỗ trợ HTX có thể tiếp cận vay vốn và sử dụng đồng vốn vay hiệu quả.
Theo bà Tâm, điều quan trọng là ngành ngân hàng cần đồng hành, chia sẻ với các HTX, nhất là HTX nông nghiệp. Bởi đến nay, vẫn chưa có chính sách tín dụng đặc thù với HTX, nên ngân hàng cần sớm quan tâm cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ HTX vay vốn, từ đó hỗ trợ nhiều hơn các hộ thành viên và người dân phát triển kinh tế.
Lưu Đoàn