Chiều ngày 7/4 tại trụ sở Bộ KH&ĐT diễn ra cuộc họp tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. |
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Phó trưởng Ban Thường trực cho biết, đây là phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo sau nhiều năm gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, và cũng là phiên họp đầu tiên do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trên cương vị Trưởng Ban chỉ đạo trực tiếp chủ trì.
2023 là năm cả nước tập trung triển khai quyết liệt nhiều nhiệm vụ giải pháp quan trọng về phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) đã được đề ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới” và triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ban hành kèm theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá trong những năm qua, khu vực KTTT nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động.
Về tình hình phát triển KTTT, HTX, ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, đại diện Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX cho biết: Năm 2022 đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng đối với khu vực KTTT, HTX, là năm thứ hai triển khai Chiến lược, Kế hoạch 5 năm và nhiều chương trình, đề án hỗ trợ phát triển KTTT, HTX.
Theo đó, năm 2022, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX đã tích cực nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách góp phần thúc đẩy phát triển KTTT và giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức KTTT dần được khôi phục trong các ngành, lĩnh vực.
Về số lượng, năm 2022, cả nước có 29.783 HTX, 125 liên hiệp HTX và 71.000 tổ hợp tác. So với năm 2021 tăng 2.036 HTX (khoảng 7%), tăng 18 liên hiệp HTX (khoảng 17%) và giảm hơn 2.000 tổ hợp tác (khoảng 3%). Năm 2022 thành lập mới khoảng 2.600 HTX và giải thể 564 HTX.
Tổng số thành viên khu vực KTTT gần 8 triệu người, trong đó có trên 5,9 triệu thành viên của HTX, 851 HTX thành viên của liên hiệp HTX và trên 1 triệu thành viên tổ hợp tác. Tổng số lao động thường xuyên trong HTX là 976,3 nghìn người.
Đáng chú ý, doanh thu bình quân HTX đạt 3.592 triệu đồng, tăng 35% so với năm 2021. Lãi bình quân của 1 HTX 366 triệu đồng (tăng 152 triệu đồng, tức là khoảng 71% so với năm 2021); thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong HTX là 56 triệu đồng/người (tăng khoảng 4 triệu đồng, khoảng 8% so với năm 2021).
Quý I/2023, cả nước thành lập mới 562 HTX, trong đó 66% là HTX nông nghiệp (371 HTX); giải thể 31 HTX, nâng tổng số HTX cả nước lên 29.909 HTX. Các tỉnh, thành phố có số HTX thành lập mới tiêu biểu như Hà Nội (31 HTX), Bắc Giang (26 HTX) và Thái Nguyên (25 HTX).
"Thời gian qua, khu vực KTTT, HTX phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh (các chỉ tiêu về kết quả hoạt động kinh doanh, thu nhập đều tăng so với năm trước), số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tiếp tục được duy trì (trên 200 HTX/hàng tháng); góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh, công bằng xã hội", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá.
HTX đóng góp vai trò quan trọng trong việc liên kết, hỗ trợ thành viên cả về kinh tế lẫn kỹ thuật sản xuất, kỹ năng quản trị. Trong nông nghiệp, HTX đóng vai trò quan trọng trong nâng cao giá trị nông sản thông qua phát triển các hoạt động sơ chế, chế biến nông sản, xây dựng và phát triển thương hiệu.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, khu vực KTTT, HTX chịu sự ảnh hưởng của biến động thị trường; thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng; chậm chuyển đổi số, ứng dụng truy xuất nguồn gốc, liên kết tiêu thụ sản phẩm, số lượng thành viên tham gia có xu hướng giảm.
Cùng với đó, cơ chế, chính sách và nguồn vốn hỗ trợ khu vực HTX còn chưa hợp lý so với tính chất của mô hình HTX; bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, HTX còn thiếu gây khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ ở các cấp...
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá khu vực KTTT của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu đề ra. Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận nhiệm vụ đổi mới và nâng cao hiệu quả KTTT còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng và Nhà nước; năng lực nội tại của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế.
Trong bối cảnh mới, phong trào HTX còn gặp nhiều khó khăn và thách thức trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường ngày càng khốc liệt; bất ổn chính trị leo thang; biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, phức tạp, khó lường; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra rất nhanh ở khắp cả nước; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi HTX phải có sự thay đổi và chủ động thích ứng...
"Vì vậy, cuộc họp hôm nay để chúng ta cùng ngồi lại để đánh giá kết quả công tác trong năm 2022 của Ban Chỉ đạo, đồng thời cùng nhau thảo luận, xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2023", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đặt ra yêu cầu.
VnBusiness sẽ tiếp tục cập nhật.
Lê Thúy