Theo thống kê của Hiệp hội chè Việt Nam, khoảng 90% sản lượng chè của cả nước xuất khẩu ở dạng thô, được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu. Do vậy nên năm 2023, giá chè xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 7% so với năm 2022 nhưng mức giá này chưa bằng 70% giá chè xuất khẩu bình quân trên thế giới (2.600 USD/tấn).
Sản phẩm chưa đa dạng
Là một mô hình sản xuất chè có tiếng, bà Hoàng Thị Tân, Giám đốc HTX Tâm Trà Thái (Thái Nguyên), cho biết lượng chè sau khi chế biến của HTX phần lớn đang tiêu thụ ở các tỉnh thành trong nước.
Có một điều là hiện nay, các nghiên cứu cho rằng, ngoài người trung niên và lớn tuổi, lượng chè mà giới trẻ tiêu thụ cũng đang có xu hướng tăng. Cùng với đó, họ có sự đòi hỏi cao hơn về tính tiện lợi, nhanh chóng và đẹp mắt từ các sản phẩm này.
Vậy nhưng chè nguyên liệu của Việt Nam hiện nay chưa thực sự có những đột phá trong chế biến để tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của giới trẻ. Việc chế biến ra các sản phẩm vẫn tương đối nghèo nàn.
Hiện, các sản phẩm chè của Việt Nam tập trung phần lớn vào chè đen (51%), chè xanh chiếm 48% (gồm cả chè ướp hương, chè ô long), còn lại là các loại chè khác (túi lọc...). Hầu hết các loại chè này được đánh giá là phù hợp với người trung niên, người cao tuổi hơn.
Đa dạng các sản phẩm chè sẽ đáp ứng được nhiều phân khúc khách hàng. |
Ông David Lyons, Chủ tịch kiêm Giám đốc sáng lập Hiệp Hội văn hóa Trà Úc, cho biết trước đây, người Úc thường sử dụng trà uống với đường, sữa nhưng dần dần người Úc đang chuyển sang trà xanh, trà trắng và cả trà ô long.
Hiện, ở Úc có trà thương hiệu (trà thực sự và đồ uống thảo dược), trà đặc sản. Đặc biệt để phục vụ nhu cầu giới trẻ, ngoài trà sữa trân châu với các cửa hàng mở liên tục từ thành thị đến nông thôn thì còn có chè chế biến đóng chai nhưng ít chất hóa học, ít đường. Ngoài ra, Úc còn sản xuất trà đóng chai có bọt là loại trà tự nhiên và cũng là một thị trường ngách rất phát triển
Ông David Lyons cho rằng các loại trà chế biến đóng chai hiện được coi là rất phù hợp với giới trẻ vì xu hướng giảm các đồ uống có cồn và quan tâm nhiều hơn đến những sản phẩm đồ uống tốt cho sức khỏe.
Nhưng ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là trà lá rời hoặc trà đặc sản được lên men đóng thành các bánh lớn. Do đó, Việt Nam cần quan tâm đến nhu cầu thị trường nhiều hơn vì sau Covid-19, nhiều người không chỉ ở Úc mà nhiều nước trên thế giới quan tâm đến trà và các sản phẩm từ trà. Nhưng điều quan trọng là các doanh nghiệp, HTX ở Việt Nam cần làm sao để tạo ra được đa dạng các sản phẩm để phục vụ được các phân khúc khách hàng trong xã hội thay vì chỉ tập trung vào một vài nhóm đối tượng khách hàng.
Đi lên từ thế mạnh
Trước thực trạng của ngành hàng chè hiện nay, GS. TS Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, cho biết do chưa đa dạng được sản phẩm, đặc biệt là chưa chế biến sâu nên giá chè Việt Nam xuất khẩu phần lớn chỉ là chè thô với giá khoảng 1,6-1,7 USD cho 1kg là rất thấp.
Một vấn đề nữa được đặt ra, hiện nay Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển chè với 130.000 ha, trồng chính ở 34 tỉnh nhưng vẫn phát triển rải rác ở các tỉnh thành còn lại trên cả nước.
Đặc biệt, trà Olong hữu cơ của vùng núi cao Việt Nam rất ưa nhìn về màu sắc, mùi thơm rất lạ. Theo GS. TS Đào Thanh Vân, ở nhiều nước trên thế giới cũng có những loại trà ô long nhưng phần lớn là nhập từ Trung Quốc và một số thị trường khác.
Tuy mùi hương, màu sắc của trà ô long của Việt Nam được đánh giá cao hơn nhưng tính nhận diện tại một số thị trường xuất khẩu lại thấp hơn so với trà ô long Trung Quốc và một số nước khác.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao thương hiệu sản phẩm trong đó có cả vấn đề quảng bá sản phẩm, marketing để nâng cao cạnh tranh của chè Việt.
Tuy nhiên, với nhiều HTX hiện nay, ngay vấn đề kể câu chuyện sản phẩm trà cũng còn gặp rất nhiều khó khăn. Quá trình đưa sản phẩm ra thị trường vẫn còn rất nhiều lúng túng.
Theo ông Thân Dy Ngữ, Công ty TNHH Hiệp Thành, một điều cần quan tâm hiện nay là người Việt Nam thường uống trà xanh (chiếm đến 95% trong tổng số gần 50.000 tấn/năm). Tuy nhiên, người Việt Nam chỉ tiêu thụ trung bình khoảng 0,5kg/người/năm, trong khi người dân Trung Quốc tiêu thụ lên đến 1,5 kg/người/năm. Chính vì vậy, việc đi ra thế giới phải bắt đầu từ phát triển sản phẩm trà xanh vì đây là một lợi thế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, diện tích cây chè trên cả nước đang giảm. Cụ thể là 10 năm gần đây đã giảm hơn 10.000ha (10%), chủ yếu là chè trung du để dành đất cho cây trồng khác. Điều này cho thấy ngành chè đang chuyển sang phân khúc trà đặc sản.
Trong khi trên thế giới, trà Shan tuyết hiện nay rất ít, chỉ khoảng 8.000-9.000 tấn/năm. Còn Việt Nam có thể sản xuất 4.000-5.000 tấn chủ yếu phục vụ xuất khẩu.
Do đó, các HTX, doanh nghiệp và ngành chức năng cần coi trà đặc sản, trong đó có trà Shan tuyết được trồng ở các vùng núi cao là loại trà đại diện cho ngành trà xuất ra thế giới và có hướng phát triển phù hợp, đúng đắn hơn từ đó tạo lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm trà của các nước.
Ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc HTX Sơn Trà (Tuyên Quang), cho biết trà Shan tuyết được trồng ở những vùng có độ cao, khí hậu thuận lợi, có chỉ dẫn địa lý nên nếu xuất khẩu thuận lợi sẽ nâng tầm ngành chè Việt.
Hiện, người Việt Nam cũng chủ yếu uống trà Thái Nguyên, chè trồng ở vùng thấp, còn trà vùng cao (chè Shan tuyết) hiện nay có đến 80% xuất khẩu. Vì vậy, các ngành chức năng nên tạo điều kiện cho các HTX trong việc quảng bá, tiêu thụ chè Shan tuyết ra thế giới.
Đặc biệt, cây chè Shan tuyết ở một số nơi vẫn rơi vào tình trạng khai thác tận diệt, cắt cành thu hái quá mức, đốn cây. Có những cây chè Shan tuyết đang bị mục ruỗng, chết. Chính vì vậy, cần có những cơ chế hỗ trợ các HTX trong bảo tồn và phát triển cây chè, nhất là chè cổ thụ.
Huyền Trang