Đây là ý kiến của Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo tại buổi làm việc giữa Liên minh HTX Việt Nam, nhà đầu tư Lavifood với lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các sở, ngành tỉnh Thái Bình về việc xúc tiến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau, củ, quả vừa diễn ra tuần qua.
Kết nối thành công
Theo ông Phan Ngô Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Lavifood, cả nước hiện có khoảng 1,6 triệu ha đất trồng rau, củ, quả, sản xuất ra hơn 3,6 triệu tấn sản phẩm mỗi năm nhưng mới chỉ có hơn 150 nhà máy chế biến, sản xuất được hơn 1 triệu tấn. Trong khi đó, hệ thống tổng kho lưu trữ, nhà máy chế biến rất ít nên để lãng phí lương thực, thực phẩm rất lớn. Theo định hướng từ nay đến năm 2025, Việt Nam phải xây dựng khoảng 150 nhà máy nữa mới có thể tiêu thụ cơ bản sản lượng rau, củ, quả, qua đó sẽ nâng cao giá trị nông sản bằng chế biến và xuất khẩu, chứ không chỉ xuất khẩu sản phẩm thô.
“Thái Bình là địa phương thuần nông nên việc đầu tư nhà máy chế biến để tiêu thụ rau, cu, quả là hết sức cần thiết. Việc đầu tư nhà máy nhằm tạo niềm tin để chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao nhận thức của người dân. Nếu xây dựng được các nhà máy chế biến, các kho lưu trữ thì sẽ giảm được lãng phí rất lớn”, ông Thắng cho biết.
Ông Lê Thành - Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, cho rằng thời gian qua đơn vị đã phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất bao gồm trang trại, vườn, nhà máy và logistics. Đến nay, theo đánh giá sau khi thực hiện chuỗi ở một số nơi, đời sống người dân có sự thay đổi đáng kể. Người dân có việc làm, có thu nhập, đất đai được khai thác hiệu quả qua quá trình sản xuất, chế biến.
“Việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng các nhà máy sẽ tạo việc làm cho giới trẻ, tạo ra một lực lượng lao động nông nghiệp trẻ được khởi nghiệp tại địa phương mà không phải cho thuê đất, không phải ly hương làm công nhân cho các khu công nghiệp, mà vẫn giữ được đất, vẫn có việc làm, vẫn ở quê hương và thu nhập ổn định”, ông Thành cho biết.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam triển khai các chương trình hỗ trợ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng trang trại sản xuất và nhà máy chế biến nông sản tại một số tỉnh, nhất là xây dựng mô hình chuỗi giá trị, nhằm giải quyết vấn đề đầu ra cho các sản phẩm nông sản. “Tôi đề nghị Lavifood đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản tại Thái Bình là phải làm nhanh nhất và hiệu quả nhất”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu tại buổi làm việc |
Thay đổi tư duy sản xuất, chế biến
Theo các đại biểu, để kết nối thành công việc xây dựng nhà máy chế biến rau, cu, quả tại Thái Bình trước hết phải thay đổi tư duy của người dân từ sản “xuất để tiêu thụ” sang “sản xuất để phân phối” ra thị trường. Muốn vậy, các sản phẩm rau, củ, quả phải sản xuất sạch, bảo đảm an toàn và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Về tiêu chuẩn, phải nâng cao, phải hướng đến các sản phẩm của Thái Bình xuất khẩu ra thị trường thế giới. Làm sao bàn ăn trên thế giới có sản phẩm nông sản của Việt Nam. Việc xây dựng nhà máy phải gắn với bảo vệ môi trường. Người dân sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, vùng trồng sạch, sản xuất hữu cơ, VietGAP...
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - ông Đặng Trọng Thăng, cho rằng việc triển khai ý tưởng rất khả thi, lãnh đạo tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết nhanh nhất các thủ tục, công tác đền bù, thu hồi và giao đất sạch cho doanh nghiệp. “Thái Bình tin tưởng việc xây dựng nhà máy chế biến rau, củ, quả sẽ nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân địa phương, bởi nông dân thực sự là người hưởng lợi từ nhà máy này”, ông Thăng khẳng định.
Theo ông Nguyễn Hồng Diên - Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, nếu nói sản xuất theo hướng truyền thống, phục vụ tự cung, tự cấp thì ở Thái Bình năng suất cao nhất cả nước, nhưng giá trị kinh tế rất thấp, trong khi đó công tác bảo quản thì gần như bằng không và sản xuất chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Trong nông nghiệp, sản xuất rau, củ, quả là bền vững nhất, bởi ai cũng sử dụng, nhất là trong bối cảnh xã hội càng ngày càng phát triển thì nhu cầu về rau quả của con người càng cao.
“Việc hình thành liên minh giữa doanh nghiệp với người dân, có sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, sự vào cuộc của Đảng bộ, chính quyền địa phương sẽ bảo đảm được niềm tin, có cơ sở để người dân tin tưởng vào chuỗi sản xuất của mình. Sản xuất phát triển bền vững sẽ là nền tảng để xây dựng nông thôn mới được thành công. Bởi cốt cán của nông thôn mới là nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó phải gắn với sản xuất, tiêu thụ, thu nhập và đời sống được nâng cao cả về vật chất và tinh thần”, ông Diên nói.
Phạm Duy